Làm quyết liệt, đồng bộ và lâu dài

Làm quyết liệt, đồng bộ và lâu dài
6 giờ trướcBài gốc
Ngành hàng chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp ở Việt Nam, bao gồm dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và thiết bị y tế, đang tăng trưởng với tốc độ chóng mặt. Song song đó là một thị trường "đen" cũng xuất hiện như nấm sau mưa.
Chỉ cần vài cú click chuột, người tiêu dùng có thể mua ngay loại thuốc "điều trị tận gốc" bệnh dạ dày, collagen "trẻ hóa da cấp tốc", máy đo đường huyết "chuẩn châu Âu" với giá rẻ bất ngờ.
Nhưng đằng sau mức giá hấp dẫn và lời giới thiệu "có cánh" ấy là rủi ro sức khỏe khôn lường. Hàng loạt trường hợp dị ứng, viêm da, tổn thương nội tạng do sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc đã được ghi nhận. Đáng nói hơn, nhiều người đến cửa hàng lớn, bỏ ra số tiền không nhỏ để mua sản phẩm với tâm lý "tiền nào của nấy" nhưng niềm tin ấy bị phản bội bởi hàng giả được trà trộn tinh vi vào chuỗi cung ứng.
Qua những vụ việc bị phát hiện cho thấy một trong những kẽ hở lớn hiện nay chính là hoạt động quảng cáo không được kiểm soát chặt chẽ. Nhiều sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng vốn không phải là thuốc nhưng lại được quảng cáo như "thần dược"... Những bài viết dạng "review", livestream bán hàng do các hot TikToker, KOL thực hiện cứ thế gieo vào đầu người xem niềm tin sai lệch, khiến họ bỏ tiền thật mua niềm tin ảo.
Trong khi đó, việc quản lý các nội dung quảng cáo này còn quá chậm chạp, thiếu chế tài mạnh, không rõ đơn vị chịu trách nhiệm kiểm duyệt nội dung, thẩm định chất lượng, xử lý sai phạm.
Chiến dịch kiểm tra, xử lý do Bộ Y tế phát động là tín hiệu tích cực nhưng không thể thay thế cho một hệ thống kiểm soát chặt chẽ, thường xuyên. Như lời đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan của đoàn TP HCM cảnh báo: "Thanh tra mà rầm rộ thì không còn yếu tố bất ngờ".
Chưa kể, việc kiểm tra chủ yếu tập trung ở đầu ra, tức tại điểm bán lẻ, trong khi cơ sở sản xuất, xưởng pha chế, kho chứa nguyên liệu lại rất ít bị "sờ gáy". Nghĩa là, gốc rễ vấn đề vẫn còn đó.
Muốn xử lý triệt để tình trạng này, cần một hệ thống giám sát liên ngành, vận hành lâu dài, chứ không thể trông chờ vào các đợt kiểm tra. Cụ thể cần minh bạch hóa chuỗi cung ứng, từ nguyên liệu, quy trình sản xuất đến phân phối đều phải có mã số, mã vạch, dễ tra cứu. Công nghệ truy xuất nguồn gốc bằng QR code, blockchain… cần được áp dụng rộng rãi.
Giám sát chặt các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội, không thể để những nơi này trở thành "chợ trời". Cùng với đó, siết lại quy trình cấp phép và hậu kiểm, quy định rõ sản phẩm nào buộc phải kiểm định, đánh giá tác dụng.
Đặc biệt, cần tăng mức phạt, xử lý hình sự với hành vi sản xuất, buôn bán sản phẩm giả, nhất là các sản phẩm gây hại đến sức khỏe. Công bố công khai danh sách đơn vị, cá nhân vi phạm. Ngoài ra, quy định rõ từ cơ quan cấp phép, quản lý quảng cáo đến thanh tra chuyên ngành đều phải chịu trách nhiệm, nếu để lọt sản phẩm nguy hiểm ra thị trường.
Với người tiêu dùng, có các chương trình truyền thông, giáo dục cộng đồng về cách lựa chọn sản phẩm an toàn, nhận diện quảng cáo sai sự thật, không mua hàng theo "truyền miệng mạng".
Đã đến lúc, các cơ quan chức năng phải làm quyết liệt, đồng bộ, lâu dài và minh bạch trong lĩnh vực này. Bởi sự bào mòn niềm tin không chỉ là hậu quả nặng nề về mặt tinh thần mà còn làm tổn hại đến cả hệ sinh thái y tế, kinh doanh và pháp luật.
Theo Tố Trâm (NLĐO)
Nguồn Gia Lai : https://baogialai.com.vn/lam-quyet-liet-dong-bo-va-lau-dai-post324652.html