Làm rõ, bổ sung cơ chế kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra

Làm rõ, bổ sung cơ chế kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra
2 ngày trướcBài gốc
Trụ sở Thanh tra Chính phủ. (Ảnh: THÁI HẢI)
Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ.
Thanh tra Chính phủ dự kiến có 22 đơn vị
Theo Tờ trình của Thanh tra Chính phủ, căn cứ kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, dự thảo Nghị định quy định về cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ bao gồm 22 đơn vị, trong đó có 5 đơn vị tham mưu tổng hợp, 15 đơn, vị thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo lĩnh vực, địa bàn và 2 đơn vị sự nghiệp công lập. Thanh tra Chính phủ tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ của 12 thanh tra bộ.
Dự thảo đề xuất tiếp tục duy trì 3 cục thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo theo địa bàn hiện nay gồm Cục I, Cục II, Cục III.
Đồng thời thành lập 8 cục thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo các lĩnh vực trên cơ sở kết thúc tổ chức, hoạt động của 12 thanh tra bộ và 3 vụ thanh tra theo ngành, lĩnh vực hiện tại của Thanh tra Chính phủ.
Mỗi cục sau sắp xếp có từ 80-200 công chức. Với 12 thanh tra bộ, mỗi đơn vị có nhiều phòng, mỗi phòng có trưởng phòng và 1-3 phó phòng; sắp xếp thành 59 phòng tại 8 cục, giảm 30 phòng, bằng 33,7%.
Sau khi sắp xếp, Thanh tra Chính phủ sẽ tăng bình quân giám sát, thẩm định khoảng 125 cuộc; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và xử lý sau thanh tra khoảng 1.000 kết luận thanh tra.
Bổ sung quy định cụ thể về cơ chế kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra
Trên cơ sở kế thừa các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Chính phủ tại Nghị định số 81/2023/NĐ-CP: dự thảo Nghị định đã điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Chính phủ; làm rõ cơ chế kiểm soát quyền lực và mối quan hệ công tác giữa Thanh tra Chính phủ với các cơ quan thanh tra, với các bộ, ngành, địa phương khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn hệ thống các cơ quan thanh tra, bảo đảm hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Cụ thể, làm rõ, bổ sung quy định cụ thể về cơ chế kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra. Theo đó, Thanh tra Chính phủ hướng dẫn, thực hiện quy định về kiểm soát đặc thù quyền lực trong hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Đồng thời, dự thảo Nghị định quy định cụ thể các biện pháp kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra, bao gồm: chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra của các cơ quan thanh tra; thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra và quyết định xử lý sau thanh tra; thanh tra lại vụ việc đã có kết luận khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra..
Bên cạnh đó, cơ chế kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra còn được thực hiện thông qua việc giám sát hoạt động của đoàn thanh tra, thẩm định dự thảo kết luận thanh tra và theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, xử lý sau thanh tra.
Dự thảo Nghị định quy định thành lập Cục Giám sát và Thẩm định, Cục Theo dõi, đôn đốc và Xử lý sau thanh tra tại Thanh tra Chính phủ để góp phần thực hiện hiệu quả cơ chế kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra.
Ngoài ra, các cơ quan thanh tra chịu sự kiểm tra, giám sát của cấp ủy và Ủy ban kiểm tra các cấp, Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Dự thảo Luật cũng bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn về phòng, chống lãng phí gắn với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh phòng, chống lãng phí trong giai đoạn hiện nay. Thanh tra Chính phủ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn phòng, chống lãng phí thông qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo thẩm quyền.
VY ANH
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/lam-ro-bo-sung-co-che-kiem-soat-quyen-luc-trong-hoat-dong-thanh-tra-post872490.html