Bà Trần Thị Hoa Sinh nghiên cứu, đóng góp ý kiến vào dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII
Theo bà Trần Thị Hoa Sinh, dự thảo báo cáo chính trị đã đánh giá toàn diện, sát thực tế kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, chỉ ra những hạn chế và nguyên nhân của hạn chế. Đồng thời rút ra được 6 bài học kinh nghiệm, đề ra phương hướng, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu và 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhiệm kỳ 2025 – 2030.
Về chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo báo cáo đánh giá “cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, năm 2025, tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp chiếm 20,92% (giảm 2,32% so với năm 2020), công nghiệp - xây dựng 24,67% (tăng 2,78%); dịch vụ 50,05% (giảm 0,15%); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 4,37% (giảm 0,30%). Như vậy có 3/4 tỷ trọng giảm chưa đạt so với kế hoạch đề ra, bà đề nghị nghiên cứu, làm rõ nguyên nhân tỷ trọng giảm.
GRDP bình quân đầu người theo báo cáo tăng từ 44,2 triệu đồng năm 2020, dự ước tăng lên 69,8 triệu đồng năm 2025, tương đương tăng từ 1.917 USD lên 2.922 USD, như vậy bình quân đầu người tăng tới 25,6 triệu đồng. Theo bà con số này cần được xem xét đánh giá cụ thể để sát với thực tế của tỉnh Lạng Sơn.
Tại trang 14 mục 4.2 “Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và chính quyền các cấp”, bà đề nghị bổ sung phần Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cụm từ “việc tiếp công dân và xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo được thực hiện kịp thời theo đúng quy định”.
Tại trang 17, mục 2, hạn chế có đánh giá “trong 20 chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết, còn 2 chỉ tiêu chưa đạt mục tiêu đề ra”, bà đề nghị ghi rõ cụ thể 2 chỉ tiêu chưa đạt; đánh giá những nguyên nhân chủ yếu trực tiếp liên quan đến 2 chỉ tiêu này không đạt, để có cơ sở đưa ra chỉ tiêu cho nhiệm kỳ mới sát thực tế hơn.
Đối với các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong dự thảo báo cáo chính trị, bà đề nghị cần làm rõ hơn nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2025 – 2030. Trong đó, bà đề nghị nhấn mạnh tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị. Coi trọng công tác giáo dục chính trị - tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu các cấp ủy, cơ quan, đơn vị nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, vai trò quan trọng của công tác quán triệt, học tập các nghị quyết, chỉ thị của Đảng.
Đồng thời đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát huy thế mạnh của địa phương, tăng năng suất, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Cần nghiên cứu trồng các loại cây cho hiệu quả kinh tế cao, chú trọng phát triển nông sản thế mạnh của tỉnh theo hướng sản xuất hàng hóa. Quan tâm hơn đến xây dựng nông thôn mới toàn diện, tập trung quy hoạch sản xuất vùng, sản phẩm có thể cạnh tranh. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn và nâng cao đời sống Nhân dân, trong đó ưu tiên tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xã nghèo, vùng khó khăn.
Tập trung huy động mọi nguồn lực để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng về giao thông, thủy lợi. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm nhập khẩu tại các cửa khẩu; xử lý nghiêm đối với các trường hợp trốn thuế, gian lận thương mại, nhập lậu hàng hóa qua biên giới.
Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nhất là đào tạo nghề; nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ cơ sở. Tiếp tục làm tốt công tác cải cách hành chính, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Tăng cường phối hợp hoạt động giám sát thường xuyên, chặt chẽ giữa Quốc hội, HĐND, thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, chương trình giám sát những vấn đề được cử tri quan tâm, có trọng tâm, phù hợp tình hình thực tế. Thông qua giám sát góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đổi mới nội dung, phương thức tiếp xúc cử tri của các cơ quan dân cử, chú trọng phân loại ý kiến kiến nghị của cử tri, xem xét giải quyết kịp thời các kiến nghị chính đáng của cử tri.
Bà tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền, sự đồng thuận của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, nhiệm kỳ tới tỉnh sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn đảng bộ, phát huy sức mạnh tổng hợp, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới. Qua đó, phấn đấu để tỉnh Lạng Sơn ngày càng giàu đẹp, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
DƯƠNG DUYÊN