Đề xuất bổ sung cơ chế bồi thường
Tiếp tục chương trình kỳ họp, chiều 12/2, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi).
Tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) quan tâm đến quy định về tạm đình chỉ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội và các hệ quả pháp lý liên quan. Theo ông Bình, so với quy định cũ, nội dung sửa đổi lần này có một số điểm nổi bật. Mặc dù quy định mới đã tiến bộ hơn, vẫn có một số điểm cần xem xét lại.
Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh). Ảnh: Như Ý
Cụ thể, về cơ sở tạm đình chỉ đại biểu Quốc hội, ông Bình cho rằng, các điều khoản chưa xác định rõ tiêu chí để quyết định mức độ vi phạm nào đủ nghiêm trọng để tạm đình chỉ. “Cần phân biệt giữa vi phạm hành chính, kỷ luật Đảng, và vi phạm pháp luật hình sự. Đề xuất cần quy định rõ các tiêu chí khách quan để tránh tình trạng xử lý thiếu thống nhất giữa các đại biểu”, ông Bình cho hay.
Liên quan đến việc khôi phục quyền lợi cho đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng đoàn Trà Vinh cho rằng, hiện tại, điều khoản chỉ quy định khôi phục quyền hạn nếu đại biểu "không có vi phạm" hoặc "được miễn trách nhiệm hình sự". Tuy nhiên, không nói rõ trường hợp đại biểu bị oan sai hoặc bị truy tố sai, liệu họ có được bồi thường hay không?
Từ phân tích trên, ông Bình đề xuất nên bổ sung cơ chế bồi thường hoặc phục hồi danh dự nếu đại biểu bị kết án sai hoặc bị truy tố không có căn cứ.
Đối với điều kiện mất tư cách đại biểu Quốc hội, ông Bình viện dẫn quy định hiện nay, đại biểu bị kết tội thì đương nhiên mất tư cách đại biểu, nhưng không làm rõ trường hợp bị các hình phạt không tước quyền công dân. Từ đó, ông đề xuất bổ sung quy định cụ thể về các mức độ vi phạm có thể dẫn đến mất tư cách đại biểu để tránh cách hiểu quá rộng.
Bổ sung quy định về trường hợp tạm đình chỉ
Trước đó, sáng 12/2, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng đã trình Quốc hội tờ trình về dự án luật này. Trong đó, dự án sửa đổi, bổ sung quy định về việc Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định của pháp luật hiện hành.
Cùng với đó, dự thảo luật cũng bổ sung quy định về trường hợp tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội trên cơ sở cụ thể hóa Quy định 148/2024 của Bộ Chính trị về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết, hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước…
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, có ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ các quy định của Đảng tại Quy định số 41 và Quy định số 148 để quy định cụ thể các trường hợp tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội, việc xử lý hệ quả của việc tạm đình chỉ.
Theo ông Tùng, điều này nhằm tránh áp dụng tùy nghi, ảnh hưởng đến uy tín, quyền lợi của đại biểu Quốc hội và cán bộ công tác tại các cơ quan của Quốc hội.
Luân Dũng