Xem xét cơ cấu vốn hỗ trợ dự án, bao gồm cả ngân sách Trung ương và địa phương
Bộ Tài chính vừa có văn bản báo cáo lãnh đạo Chính phủ liên quan đề xuất của tỉnh Quảng Trị về hỗ trợ phần vốn Nhà nước tham gia dự án cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo.
Cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo dự kiến được đầu tư quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh (Ảnh minh họa).
Theo phương án đề xuất, dự án đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo có chiều dài khoảng 56km. Điểm đầu tại huyện Triệu Phong. Điểm cuối tại Lao Bảo, huyện Hướng Hóa.
Quy mô đầu tư tuyến cao tốc gồm 4 làn xe hoàn thiện, mặt cắt ngang 24,75m, vận tốc thiết kế 100km/h.
Dự án được đề xuất đầu tư theo phương thức đối tác công - tư. UBND tỉnh Quảng Trị đã giao Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải là nhà đầu tư nghiên cứu lập đề xuất dự án.
Tỉnh Quảng Trị đề nghị được hỗ trợ hơn 8.800 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương cho dự án. Đáng chú ý, số vốn này được tách biệt, không tính vào nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho địa phương giai đoạn 2026 - 2030.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, con số này là rất lớn, gấp hơn 1,5 lần tổng vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 đã được phân bổ cho tỉnh.
Bộ Tài chính cho biết, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026 - 2030 hiện đang trong quá trình xây dựng, chưa có cơ sở xác định khả năng cân đối vốn ngân sách nhà nước cho dự án.
Để đảm bảo tính khả thi, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng xem xét, cho ý kiến về cơ cấu nguồn vốn Nhà nước tham gia dự án theo hướng bao gồm cả nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương trong giai đoạn tới.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng lưu ý chênh lệch trong tổng mức đầu tư. Theo báo cáo của tỉnh Quảng Trị, tổng mức đầu tư dự án cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo khoảng 13.939 tỷ đồng (đã bao gồm lãi vay).
Trong khi đó, Bộ Xây dựng (Văn bản số 859 ngày 24/3/2025) ước tính tổng mức đầu tư chỉ khoảng 7.490 tỷ đồng. Bộ Tài chính đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bộ Xây dựng tính toán lại tổng mức đầu tư để bảo đảm phù hợp với quy định pháp luật.
Cân nhắc thời điểm đầu tư, bảo đảm hiệu quả khai thác
Bên cạnh vấn đề nguồn vốn, Bộ Tài chính cũng đề nghị tỉnh Quảng Trị và Bộ Xây dựng nghiên cứu kỹ thời điểm đầu tư dự án nhằm đảm bảo hiệu quả tổng thể.
Trong đó, cần đánh giá kỹ tác động của dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 9 (đoạn từ cảng Cửa Việt đến quốc lộ 1) - hiện đang triển khai bằng nguồn vốn đầu tư công - đến lưu lượng vận tải và thời gian hoàn vốn của dự án cao tốc.
Liên quan vấn đề này, tại Văn bản số 1192 ngày 28/3/2025 gửi lãnh đạo Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Trị tiếp tục khẳng định tính cấp thiết đầu tư cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, tuyến quốc lộ 9 dài 118km là trục giao thông huyết mạch của miền Trung và Tây Nguyên, đồng thời là một phần của tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, kết nối cảng biển khu vực miền Trung với Lào và Thái Lan qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo.
Tuyến đường này đã được đầu tư khai thác khoảng 20 năm và đang chịu áp lực lớn do lưu lượng phương tiện tăng mạnh, đặc biệt là xe chở khoáng sản, nông sản. Tác động của thời tiết bất lợi khiến mặt đường xuống cấp, quá tải, hư hỏng nặng.
Bên cạnh đó, hướng tuyến QL9 hiện nay bám theo sông Đakrông, nằm giữa sông và núi đồi, khiến nhiều đoạn có đường cong không đảm bảo tiêu chuẩn, khuất tầm nhìn, gây mất an toàn và thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Việc nâng cấp QL9 lên quy mô 4 làn xe tiêu chuẩn cao tốc là rất khó khả thi. Hiện mới chỉ có đoạn từ cảng Cửa Việt đến QL1 dài gần 14 km được đầu tư mở rộng.
Vì vậy, theo UBND tỉnh Quảng Trị, dự án cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo sau khi hoàn thành sẽ đóng vai trò quan trọng, kết nối với đoạn QL9 đã được nâng cấp, hình thành trục hành lang kinh tế Đông - Tây hiệu quả, từ cửa khẩu Lao Bảo đến cảng Cửa Việt.
Nam Khánh