Làm rõ vai trò của Hội Nông dân Việt Nam qua việc sửa đổi Hiến pháp 2013

Làm rõ vai trò của Hội Nông dân Việt Nam qua việc sửa đổi Hiến pháp 2013
11 giờ trướcBài gốc
Toàn cảnh hội thảo.
Trong phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Phan Như Nguyện nhấn mạnh: việc lấy ý kiến cán bộ, hội viên, nông dân không chỉ phát huy quyền làm chủ, thể hiện ý chí, nguyện vọng chính đáng của nhân dân mà còn là dịp để lắng nghe, tiếp thu những sáng kiến thiết thực, tâm huyết nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, khả thi và đồng thuận xã hội cao của Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013.
Đồng chí Phan Như Nguyện phát biểu khai mạc hội thảo.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân Việt Nam, với sự tham gia của nhiều đại biểu là chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện cơ quan Trung ương và địa phương, hội thảo sẽ góp phần làm rõ các nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Hiến pháp từ cả góc độ lý luận và thực tiễn.
Tại hội thảo, các đại biểu đã góp ý về các quy định của Hiến pháp liên quan đến vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, trong đó có Hội Nông dân Việt Nam.
Các đại biểu thảo luận tại hội thảo.
Nêu ý kiến tại hội thảo, nhiều đại biểu đồng tình cho rằng, việc sửa đổi quy định các tổ chức chính trị-xã hội "trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam" và cần "hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam" cho thấy xu hướng tập trung hóa quyền lực tổ chức, tạo điều kiện nâng cao tính thống nhất trong hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Đại diện Trung ương Hội Nông dân Việt Nam lắng nghe ý kiến của các đại biểu.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc sử dụng thuật ngữ "trực thuộc" có thể dẫn đến cách hiểu về cơ chế thứ bậc trong hành chính. Vì vậy, cần xem xét thay cụm từ "trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam" bằng "thành viên trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam" và giữ nguyên tắc "hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động".
Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về quy định mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; nêu quan điểm về việc chuyển đổi sang mô hình 2 cấp chính quyền. Từ đó, đề xuất các điều kiện cần thiết để bảo đảm hiệu quả thực thi khi áp dụng mô hình mới ở các địa phương có đặc thù như miền núi, nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
LINH PHAN
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/lam-ro-vai-tro-cua-hoi-nong-dan-viet-nam-qua-viec-sua-doi-hien-phap-2013-post881047.html