Làm rõ vị trí pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của Quỹ nhà ở xã hội

Làm rõ vị trí pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của Quỹ nhà ở xã hội
5 giờ trướcBài gốc
Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh điều hành phiên họp. Ảnh: Quang Khánh
Tạo cơ chế ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội
Theo Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh trình bày, nêu rõ, việc xây dựng Nghị quyết nhằm đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội. Tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xây dựng, phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh hiện nay. Tạo cơ chế ưu đãi hơn nữa để thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội. Ảnh: Quang Khánh
Việc thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội đồng thời có tác động kép: giúp người dân có thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận với nhà ở phù hợp, gắn với việc hoàn thành mục tiêu thực hiện Đề án: “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”; cân đối cung - cầu, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa bất động sản, từ đó tác động hạ giá thành phân khúc nhà ở thương mại, giúp thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh hơn.
Về phạm vi điều chỉnh, Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội trên phạm vi toàn quốc; áp dụng đối với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan đến phát triển, quản lý, sử dụng, sở hữu nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quang Khánh
Dự thảo Nghị quyết gồm 14 Điều, quy định về: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nguyên tắc áp dụng; Quỹ nhà ở quốc gia; giao chủ đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời giao chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội không sử dụng vốn đầu tư công không thông qua đấu thầu; lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội; điều kiện về nhà ở để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; thuê nhà ở xã hội của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; điều khoản chuyển tiếp, tổ chức thực hiện và điều khoản thi hành.
Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết tại Kỳ họp thứ Chín này.
Bảo đảm tăng cường xã hội hóa nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết với các lý do nêu trong Tờ trình của Chính phủ; nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua dự thảo Nghị quyết tại Kỳ họp thứ Chín theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra. Ảnh: Hồ Long
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cũng cho rằng, các chính sách được đề nghị trong dự thảo Nghị quyết đều là những chính sách mới, lớn, có tác động sâu rộng đến nguồn lực nhà nước, quyền, nghĩa vụ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhiều giải pháp đột phá rất thông thoáng, tuy cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nguy cơ sơ hở, lạm dụng dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Thực hiện yêu cầu của Bộ Chính trị và Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị dự thảo Nghị quyết cần bổ sung quy định giao Chính phủ có trách nhiệm xây dựng cơ chế phòng ngừa sơ hở, tiêu cực, tham nhũng, tránh việc trục lợi chính sách gây thất thoát, lãng phí nguồn lực, bảo đảm chất lượng xây dựng nhà ở xã hội.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quang Khánh
Về chức năng, nhiệm vụ của Quỹ Nhà ở quốc gia quy định tại khoản 3 Điều 4 dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cho rằng, quy định chức năng “đầu tư xây dựng” của Quỹ dẫn đến cách hiểu Quỹ sẽ trực tiếp làm chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Nếu vậy, cần làm rõ Quỹ có đáp ứng điều kiện làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở và luật khác có liên quan hay không để có cơ sở tổ chức thực hiện?
Đồng thời, Quỹ Nhà ở quốc gia có chức năng tạo lập quỹ nhà ở xã hội, vì vậy, cần làm rõ vị trí pháp lý, mô hình tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của quỹ nhà ở xã hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh và Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang tham dự phiên họp. Ảnh: Quang Khánh
Mặt khác, phạm vi chức năng của Quỹ sẽ rất rộng vì đối tượng mà Quỹ hướng tới là toàn bộ người lao động trong xã hội, do đó, cần nghiên cứu xây dựng cơ chế tài chính của Quỹ phù hợp hơn, bảo đảm tăng cường xã hội hóa nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội theo Chỉ thị số 34/CT-TW ngày 24/5/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới, đồng thời, thực hiện đúng Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này.
Minh Trang
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/lam-ro-vi-tri-phap-ly-chuc-nang-nhiem-vu-cua-quy-nha-o-xa-hoi-10373001.html