Làm sạch không khí – bước tiến vì sức khỏe, thách thức vì khí hậu

Làm sạch không khí – bước tiến vì sức khỏe, thách thức vì khí hậu
5 giờ trướcBài gốc
Trong những năm gần đây, thế giới đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc làm sạch không khí. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Communications Earth & Environment đưa ra một cảnh báo gây bất ngờ: Việc giảm ô nhiễm không khí, dù có lợi cho sức khỏe cộng đồng, có thể đang vô tình thúc đẩy tốc độ nóng lên toàn cầu.
Các nhà máy là một trong những nguồn gây ôm nhiễm không khí. (Nguồn: Getty)
Theo nhóm nghiên cứu quốc tế, trong hơn một thập kỷ qua, quá trình giảm ô nhiễm không khí tại Đông Á - đặc biệt là Trung Quốc - góp phần làm mất đi “hiệu ứng làm mát” do bụi bẩn gây ra. Các hạt bụi trong không khí từng đóng vai trò như tấm khiên, phản xạ một phần ánh sáng mặt trời và hạn chế sự hấp thụ nhiệt tại bề mặt Trái Đất. Khi các quốc gia mạnh tay loại bỏ khí thải như SO₂ (giảm tới 75% tại Trung Quốc), "tấm khiên" này cũng dần biến mất.
Đây không phải là lời kêu gọi duy trì ô nhiễm. Ngược lại, các nhà khoa học khẳng định rằng cải thiện chất lượng không khí là “điều không thể tranh cãi” vì lợi ích sức khỏe. Nhưng nếu không hành động mạnh mẽ để giảm khí nhà kính như CO₂ và methane, nhân loại sẽ phải đối mặt với những hệ quả nghiêm trọng hơn.
“Chúng ta đã tháo tấm rèm che nắng, giờ phải chống lại ánh nắng đó bằng cách giảm các nguồn nhiệt – tức là khí nhà kính,” giáo sư Robert Allen chia sẻ.
Trước khi Trung Quốc ban hành chính sách về chất lượng không khí năm 2010, ô nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong sớm ở nước này. (Nguồn: Getty)
Một số ý tưởng “kỳ lạ” như phun hạt nhân tạo vào tầng bình lưu để tạo lại hiệu ứng làm mát đang được bàn đến. Nhưng theo giáo sư Laura Wilcox, đây chỉ là biện pháp che giấu sự thật chứ không giải quyết gốc rễ. Công nghệ chưa sẵn sàng, và rủi ro kèm theo là rất lớn.
Ngược lại, các giải pháp bền vững như trồng cây, thu giữ carbon, và chuyển đổi năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang nguồn tái tạo được đánh giá là con đường đúng đắn - dù chậm hơn, nhưng chắc chắn hơn.
Bài học từ Đông Á cho thấy chính sách môi trường cần đi đôi với hành động chống biến đổi khí hậu. Chúng ta không thể giải quyết vấn đề này bằng một chiều – mà phải tiếp cận đa hướng, từ cải thiện chất lượng không khí đến giảm khí thải và nâng cao nhận thức cộng đồng.
Minh Hoàn
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/lam-sach-khong-khi-buoc-tien-vi-suc-khoe-thach-thuc-vi-khi-hau-ar956500.html