Làm sao để bữa ăn không phải là cuộc chiến?

Làm sao để bữa ăn không phải là cuộc chiến?
3 giờ trướcBài gốc
Trẻ biếng ăn khiến cha mẹ lo lắng, việc ép con ăn sẽ phản tác dụng. Ảnh: F.S.
Thời gian ăn trưa hoặc ăn tối thường là thời điểm khó khăn đối với nhiều gia đình. Bộ não của trẻ yêu cầu phải thận trọng với thức ăn và nếm dần các món. Điều này xung đột với mong muốn của cha mẹ là muốn trẻ ăn tất cả mọi thứ trên đĩa và phải ăn hết. Trẻ từ chối thức ăn khiến cha mẹ phải sử dụng hai chiến lược khác nhau, vừa không hiệu quả vừa gây khó chịu.
Chiến lược đầu tiên là ép trẻ ăn những món mà chúng không muốn ăn. Các nghiên cứu đều rất rõ ràng về vấn đề này: chiến lược này chỉ khiến bé tránh né những món đó hơn. Việc trẻ từ chối ăn đồ ăn có vị đắng hoặc thực phẩm xanh, hay gần như bao gồm tất cả các loại rau, là điều bình thường. Bởi vì ở cấp độ bản năng, bộ não biết rằng nhiều loại thực phẩm sẽ chuyển sang màu sẫm hơn và tăng vị đắng khi chúng thối nhũn hoặc ở tình trạng kém chất lượng.
Cha mẹ muốn con ăn rau cũng là điều bình thường vì rau rất tốt cho sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, ép buộc không phải là giải pháp, vì cuối cùng, trẻ sẽ càng trở nên ác cảm hơn với các món này. Điều đó rất dễ hiểu; nếu bạn bị ép phải hôn một người mà bạn không thích, sau khi hôn họ, bạn sẽ thấy họ càng khó ưa hơn. Bạn thậm chí sẽ thấy phản cảm.
Điều thú vị là phần não kiểm soát ham muốn tình dục ở người trưởng thành cũng ở gần đó và nó hoạt động theo cách tương tự như phần não kiểm soát cảm giác thèm ăn. Khi bị buộc phải ăn những món mà trước đây mình thấy ghê tởm, não người được lập trình để cự tuyệt nó quyết liệt hơn, thậm chí trong một số trường hợp là suốt đời.
Có thể bạn vẫn ghi nhớ đĩa rau chân vịt hoặc cải xoăn Brussels mà mình bị bắt ăn hồi còn nhỏ và đến giờ, bạn thậm chí còn không thể nhìn vào chúng. Sở dĩ có điều này là do những gì tôi vừa giải thích.
Chiến lược hiệu quả nhất để ngăn ngừa các vấn đề về thực phẩm liên quan đến bảy ứng xử cơ bản thường vắng mặt ở nhiều hộ gia đình.
- Loại bỏ những thực phẩm hấp dẫn hơn nhưng kém lành mạnh hơn ra khỏi nhà (chẳng hạn như bánh quy, khoai tây chiên giòn và kẹo).
- Ăn cùng nhau để trẻ bắt chước người lớn ăn rau.
- Luôn để rau trên bàn để trẻ quen với hình dáng và mùi của chúng.
- Để trẻ tự ăn bằng thìa hoặc bằng tay với lượng mà trẻ thấy phù hợp (Ở nhà tôi, quy tắc là: “Con có thể lấy nhiều hoặc ít, nhưng phải luôn có một ít thức ăn trên đĩa của con”).
- Cắt thức ăn thật nhỏ để trẻ quen dần với hương vị của nó.
- Khuyến khích trẻ (không bao giờ ép buộc) thử một chút các loại phẩm mới, dù với lượng chỉ bằng hạt gạo, để não trẻ quen dần với mùi vị của chúng.
- Điều quan trọng nhất có thể là tạo một bầu không khí thoải mái, dễ chịu trên bàn ăn, giúp trẻ “kết giao” với những món ăn lành mạnh bằng tình yêu thương và niềm vui nho nhỏ.
Chiến lược thứ hai mà nhiều bậc cha mẹ sử dụng trong giờ ăn là ép trẻ ăn hết thức ăn hoặc ăn nhiều hơn nhu cầu của trẻ. Các nghiên cứu cũng cho thấy rõ rằng trẻ em biết rõ hơn người lớn về lượng thức ăn mà trẻ nên ăn. Không phải số lượng mà cha mẹ yêu cầu phải ăn, thước đo tiêu chuẩn về dinh dưỡng mà trẻ cần thường là số thực phẩm mà trẻ đặt lên đĩa của mình đem chia đôi.
Nói cách khác, trong nhiều trường hợp, để lại một nửa số thức ăn được mang lên đĩa là điều bình thường và lành mạnh vì lượng đó thường là đã đủ để cung cấp tất cả lượng calo mà cơ thể của trẻ cần.
Một mặt, rõ ràng là một đứa trẻ ba tuổi nặng 12 kg có thể không cần cùng một lượng thức ăn như một người lớn thừa cân nặng 80 kg. Mặt khác, điều quan trọng là phải hiểu rằng dạ dày của trẻ nhỏ hơn, do đó, chúng nhanh bị lấp đầy và làm rỗng hơn dạ dày của người lớn.
Đây là lý do não trẻ nhanh chóng cảm thấy no và đòi ăn thường xuyên hơn. Nhiều bậc cha mẹ thuộc thế hệ của chúng ta “ép” con ăn “thêm”. Thật khó biết thói quen này bắt nguồn từ đâu. Có lẽ lời giải thích hợp lý nhất là nó đến từ ông bà của chúng ta, những người đã dạy dỗ cha mẹ chúng ta trong các thời kỳ khó khăn. Lúc đó ai cũng đói kém, không có thịt, cá và rau hàng ngày.
Đây là thời đại mà không ai có thể đảm bảo rằng đứa trẻ sẽ có thức ăn vào ngày hôm sau. Tuy nhiên, may mắn thay, thời thế đã thay đổi và ở đa số các gia đình, chúng ta không phải lo lắng về việc liệu đứa trẻ có đủ thức ăn cho ngày hôm sau hay không.
Vì vậy, chúng ta có thể dựa vào cảm giác của trẻ để xác định chúng muốn ăn bao nhiêu. Đó là cách tốt nhất để trẻ điều chỉnh cảm giác ngon miệng của mình một cách hợp lý từ khi còn nhỏ cho đến lúc trưởng thành.
Álvaro Bilbao/ Thái Hà Books & NXB Lao động
Nguồn Znews : https://znews.vn/lam-sao-de-bua-an-khong-phai-la-cuoc-chien-post1518409.html