Làm sao để đưa số lượng người hút thuốc lá giảm vào chỉ tiêu phát triển KT- XH?

Làm sao để đưa số lượng người hút thuốc lá giảm vào chỉ tiêu phát triển KT- XH?
10 giờ trướcBài gốc
Tại Việt Nam, hiện có hơn 15 triệu người hút thuốc. Việc sử dụng thuốc lá đang gây ra gánh nặng về bệnh tật và tử vong sớm với con số ước tính lên tới hơn 100.000 ca tử vong mỗi năm. Tại Quảng Trị, tỉ lệ hút thuốc lá chung là 20%, tỉ lệ nam giới hút thuốc lá là 36,7% và nữ giới hút thuốc lá là 3,3%. Tỉ lệ đã sử dụng và đang sử dụng thuốc lá điện tử trong điều tra này lần lượt là 1,5% và 0,5%. Tỉ lệ người từ 15 tuổi trở lên hút thuốc lá thụ động tại nhà là 51%.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới, thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất, trong đó có ít nhất 70 chất gây ung thư. Việc hút thuốc lá gây ra những tổn hại nghiêm trọng cho sức khỏe, có thể dẫn đến các bệnh như ung thư phổi, ung thư miệng, ung thư vòm họng, bệnh tim mạch, và đặc biệt là các bệnh về phổi như khí phế thũng, viêm phế quản mãn tính.
Thêm vào đó, việc hút thuốc lá còn tác động xấu đến môi trường sống của cộng đồng. Những người không hút thuốc sẽ phải chịu đựng khói thuốc trong không khí, điều này gây khó chịu và ảnh hưởng đến sức khỏe của họ. Hút thuốc lá còn làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp và tim mạch cho những người không hút thuốc nhưng sống trong môi trường có khói thuốc.
Bên cạnh tổn hại đến sức khỏe, chi phí tài chính cũng chiếm một phần đáng kể trong sinh hoạt của những người nghiện thuốc lá. Mặt khác, những bệnh lý do thuốc lá gây ra sẽ làm giảm khả năng lao động, tức làm giảm thu nhập, từ đó không chỉ bản thân người hút thuốc mà cả gia đình họ cũng phải gánh chịu hậu quả về tài chính. Ở góc độ xã hội, việc hút thuốc lá còn là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng các chi phí y tế. Các bệnh liên quan đến thuốc lá là gánh nặng đối với các hệ thống y tế công cộng, khiến nguồn lực y tế bị tiêu tốn vào việc điều trị các bệnh có thể phòng tránh được.
Trước những tác hại nghiêm trọng của thuốc lá, ngày 31/5 hằng năm đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chọn là ngày Quốc tế không thuốc lá, với mục đích muốn tạo ra và khuyến khích trong khoảng thời gian 24 giờ không có khói thuốc lá trên toàn cầu. Năm 2025, chủ đề của ngày Thế giới không thuốc lá mà Tổ chức Y tế Thế giới lựa chọn là “Vạch trần sự hấp dẫn giả tạo”- với mục tiêu nhằm phơi bày chiến thuật của các tập đoàn thuốc lá trên thế giới trong việc quảng cáo sai sự thật, gây hiểu lầm thuốc lá là sản phẩm không có hại nhằm lôi cuốn người sử dụng, đặc biệt là giới trẻ.
Tổ chức hoạt động hưởng ứng ngày Thế giới không thuốc lá 31/5, Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá 25 - 31/5/2025, đồng thời tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, ngày 8/5/2025, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành văn bản đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo triển khai xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030.
Trong đó chú trọng đưa chỉ tiêu giảm tỉ lệ người sử dụng thuốc lá vào chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương theo từng thời kỳ; tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày Thế giới không thuốc lá và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá thông qua các hoạt động thiết thực; thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ quy định cấm hút thuốc tại các cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, nơi làm việc, khách sạn, nhà hàng và các địa điểm cấm hút thuốc lá.
Thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển và sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng; tăng cường thông tin, giáo dục, truyền thông về chống tác hại của thuốc lá và cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển và sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng; lồng ghép hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá trong các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Trong các chỉ đạo của UBND tỉnh nêu trên, có yêu cầu “đưa chỉ tiêu giảm tỉ lệ người sử dụng thuốc lá vào chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương theo từng thời kỳ”. Để thực hiện nội dung này thì buộc phải lượng hóa được số người hút thuốc lá qua từng mốc thời gian mới tính được tỉ lệ giảm. Điều này rất khó thực hiện vì gần như không thể thống kê được số người hút thuốc lá trong xã hội ở từng địa phương, bởi người hút thuốc lá thuộc mọi đối tượng, thành phần.
Tuy nhiên, có thể nắm được đối tượng hút thuốc lá là những người đang công tác trong hệ thống chính trị, doanh nghiệp. Quan sát thực tế cho thấy, một số lượng lớn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hút thuốc lá. Vì vậy, theo chúng tôi, trước tiên nên cụ thể hóa chỉ tiêu giảm tỉ lệ người sử dụng thuốc lá trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Khi đối tượng là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động hút thuốc lá giảm hẳn, tiến tới không hút thuốc lá, thì sẽ tác động, lan tỏa không hút thuốc trong xã hội.
Có thể khẳng định điều đó, bởi hút thuốc không phải là nhu cầu thiết yếu, bắt buộc để duy trì sự sống, mà chủ yếu do thói quen và “lây lan” từ người này sang người khác. Do vậy, trong việc hút thuốc lá thể hiện tính “phong trào” rất rõ, mà khi không còn là phong trào thì nhiều đối tượng khác trong xã hội sẽ tự động không hút thuốc lá.
Đình Dũng
Nguồn Quảng Trị : http://www.baoquangtri.vn/lam-sao-de-dua-so-luong-nguoi-hut-thuoc-la-giam-vao-chi-tieu-phat-trien-kt-xh-193669.htm