Làm sao để kiểm tra pháo hoa có phải của Bộ Quốc phòng chính hãng?

Làm sao để kiểm tra pháo hoa có phải của Bộ Quốc phòng chính hãng?
17 giờ trướcBài gốc
Để kiểm tra có đúng pháo hoa của Bộ Quốc phòng chính hãng hay không thì người dân có thể quét mã QR trên sản phẩm
Hiện nay, nhà máy Z121 đang niêm yết mức giá không thay đổi nhiều so với các năm trước. Cụ thể, giá giàn phun viên nhấp nháy D16x25 (tem mới 2024) là 330.000 đồng/giàn, giàn phun hoa D16x25 (tem mới 2024) là 360.000 đồng/giàn, giàn phun viên D16x25 (sản xuất năm 2024) là 350.000 đồng/giàn.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu thị trường mua bán pháo hoa của Bộ Quốc phòng trên các nền tảng mạng xã hội, tình trạng loạn giá, bán không đúng giá niêm yết đang diễn ra tràn lan. Theo đó, giá rao bán trên mạng bị đẩy lên chênh lệch khoảng 55.000-70.000 đồng/giàn so với giá niêm yết.
Ngoài ra, có rất nhiều sản phẩm pháo hoa giả các loại của Nhà máy Z121 được rao bán trên các nền tảng mạng xã hội, thương mại điện tử.
Do đó, người dân cần lưu ý khi mua sản phẩm pháo hoa trôi nổi trên thị trường, đặc biệt là qua các trang mạng xã hội. Tránh mua phải hàng giả, gây nguy hiểm cho bản thân và gia đình trong dịp lễ Tết.
Cách kiểm tra pháo hoa Bộ Quốc phòng chính hãng
Để đảm bảo mua được pháo hoa chính hãng của Bộ Quốc phòng, đầu tiên, người dân cần mua tại các cửa hàng, đại lý ủy quyền có giấy phép trên toàn quốc và có đầy đủ hóa đơn mua bán.
Sau đấy, để kiểm tra có đúng pháo hoa của Bộ Quốc phòng chính hãng hay không thì người dân có thể quét mã QR trên sản phẩm trước khi mua, vì tất cả các sản phẩm giàn pháo hoa của nhà máy Z121 sản xuất thì trên bao bì đều có gắn 1 mã QR code biến đổi.
Khi quét mã QR biến đổi, kết quả sẽ cho ra thông tin về thời gian sản xuất, lô sản xuất. Người dân nên đối chiếu với thông tin in trên bao bì sản phẩm để so sánh, nếu thông tin trùng khớp là sản phẩm chính hãng.
Với sản phẩm giả nhãn hiệu, khi quét mã QR trên sản phẩm sẽ không hiển thị các thông tin sản xuất như trên.
Các loại pháo hoa Bộ Quốc phòng chính hãng
Dưới đây là một số loại pháo hoa Bộ Quốc phòng do Nhà máy Z121 sản xuất:
Pháo hoa - Giàn phun viên nhấp nháy D16x25: là một loại pháo hoa không gây tiếng nổ. Khi phát hỏa, một chùm viên cháy nhấp nháy có nhiều màu sắc được phun lên không trung.
Pháo hoa - Giàn phun hoa D16x25: là sản phẩm pháo hoa không gây tiếng nổ. Khi phát hỏa, một chùm viên cháy có nhiều màu sắc được phun lên không trung. Khi giàn pháo hoạt động, có thêm hiệu ứng tiếng nổ lách tách trên đường bay. Thứ tự bắn lần lượt từ ống số 1 đến hết.
Pháo hoa - Giàn phun viên D16x25: là sản phẩm pháo hoa không gây tiếng nổ. Khi phát hỏa, một chùm viên cháy có nhiều màu sắc được phun lên không trung.
Phân biệt pháo hoa và pháo nổ
Dịp Tết Nguyên đán 2025, người dân được đốt pháo hoa tại nhà. Tuy nhiên, chỉ được phép bắn pháo hoa Bộ Quốc phòng (pháo hoa Z121).
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 137/2020/NĐ-CP, hiện nay có hai loại pháo là: pháo nổ (hay pháo hoa nổ) và pháo hoa.
Trong đó, pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian;
Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ;
Pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn hơn 90mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120m. Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kính trên 90 mm hoặc tầm bắn trên 120m;
Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.
Người dân có được đốt pháo hoa dịp Tết 2025 không?
Theo Điều 11 Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định, đối với pháo hoa nổ thì chỉ được Nhà nước tổ chức bắn vào các dịp như Tết Nguyên đán, Giỗ Tổ Hùng Vương, Quốc khánh 2/9, Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, Ngày 30/4, Sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao mang tính quốc gia, quốc tế hoặc các trường hợp khác do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định.
Bên cạnh đó, tại Điều 17 Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định các trường hợp người dân được phép sử dụng pháo hoa như sau:
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Như vậy, vào dịp Tết Nguyên đán 2025, chỉ có cơ quan, tổ chức, người từ đủ 18 tuổi trở lên không mắc các bệnh tâm thần mới được đốt pháo hoa. Pháo nổ và pháo hoa đó phải được mua tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Hiện nay, chỉ có công ty TNHH MTV Hóa chất 21 (Nhà máy Z121) thuộc Bộ Quốc phòng là đơn vị duy nhất được giao sản xuất, cung ứng pháo hoa. Do đó, người dân chỉ được phép mua pháo hoa tại các cửa hàng do nhà máy Z121 cung ứng.
Đốt pháo nổ trái phép bị xử phạt như thế nào?
Tại điểm i khoản 3, khoản 7 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định, phạt tiền 5-10 triệu đồng khi sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép. Hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi trên.
Đồng thời, căn cứ tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định mức phạt tiền tại Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân, cụ thể là mức phạt 10-20 triệu đồng.
Đối với trường hợp sử dụng lượng pháo trái phép quá lớn còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng, mua bán trái phép vật liệu nổ với khung hình phạt cao nhất lên đến tù chung thân. Quy định tại Điều 305 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017.
T.H (tổng hợp)
Nguồn Hải Dương : https://baohaiduong.vn/lam-sao-de-kiem-tra-phao-hoa-co-phai-cua-bo-quoc-phong-chinh-hang-402519.html