Làm sao để vượt qua mùa thi nhẹ nhàng, hiệu quả?

Làm sao để vượt qua mùa thi nhẹ nhàng, hiệu quả?
6 giờ trướcBài gốc
Em Phạm Lưu Yến Vy (ngoài cùng bên phải), học sinh lớp 12B3, Trường THPT A Túc, huyện Hướng Hóa, đã xây dựng kế hoạch học tập, sinh hoạt cho cá nhân - Ảnh: TRẦN THANH
Khi mùa thi trở thành... mùa áp lực
Tại Quảng Trị, thời điểm này, không khí ôn luyện đang bước vào giai đoạn “nước rút”, cùng với đó là những căng thẳng dồn nén hiện rõ trên gương mặt của nhiều học sinh.
Những ngày này, em Bùi Trương Thành Đạt, học sinh lớp 9 trường TH&THCS Triệu Vân, xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong, tích cực chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10, Trường THPT thị xã Quảng Trị. Đạt chia sẻ: “Hiện em mới nắm được khoảng 75% kiến thức so với yêu cầu tuyển sinh của trường. Em khá lo lắng và đang cố gắng củng cố lại những phần chưa chắc để hy vọng đạt kết quả tốt nhất”.
Tại vùng cao Hướng Hóa, em Phạm Lưu Yến Vy, học sinh lớp 12B3, Trường THPT A Túc, cho hay: “Mặc dù nhận được học bổng của Trường Đại học FPT nhưng em vẫn rất hồi hộp, lo lắng trước kỳ thi tốt nghiệp THPT. Em đã xây dựng kế hoạch học tập, sinh hoạt cho cá nhân, trong đó cố gắng cân đối thời gian ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để đảm bảo sức khỏe và tinh thần tốt nhất trước khi tham gia kỳ thi”.
Không chỉ học sinh, áp lực mùa thi còn đè nặng lên cả phụ huynh và giáo viên. Cô Nguyễn Thị Ánh Công, giáo viên chủ nhiệm lớp 9, Trường TH&THCS Triệu Vân, cho biết: “Thi vào lớp 10 là cột mốc lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến hướng đi sau này của học sinh, nên không chỉ các em mà cả phụ huynh, giáo viên cũng bị áp lực. Chúng tôi luôn cố gắng động viên, nhắc nhở các em giữ gìn sức khỏe, học tập đều đặn và trao đổi với phụ huynh để cùng hỗ trợ tinh thần cho học sinh. Kỳ thi vượt cấp sẽ được tổ chức vào ngày 30/5 tới đây”.
Cần một cách nhìn mới về thi cử
Theo PGS.TS. Đinh Thị Hồng Vân, giảng viên Khoa Tâm lý và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế, áp lực trong mùa thi là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, điều quan trọng là cách học sinh và gia đình ứng xử với áp lực đó. “Trước hết, các em cần xác định mục tiêu học tập hợp lý, xây dựng kế hoạch học đều đặn và phân bổ thời gian học - nghỉ một cách khoa học. Đừng học dồn, học vội hay tự so sánh mình với người khác. Việc duy trì sức khỏe thể chất - tinh thần, thông qua các bài tập nhẹ, ngủ đủ giấc, ăn uống điều độ... là những yếu tố giúp não bộ hoạt động hiệu quả hơn”, bà Vân phân tích.
Một điểm nhấn đáng chú ý trong cách nhìn của chuyên gia là thái độ của học sinh đối với kỳ thi. Thay vì coi đó là “cuộc chiến sinh tử”, học sinh nên nhìn nhận đây là cơ hội để đánh giá những nỗ lực học tập trong suốt thời gian dài. Giữ sự tự tin, tin tưởng vào quá trình rèn luyện của bản thân sẽ giúp các em bước vào kỳ thi với tâm thế vững vàng hơn. Một kỳ thi không thể định đoạt cả cuộc đời, nhưng sự chuẩn bị bài bản và đúng hướng sẽ tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển lâu dài.
Dù những kỳ thi chuyển cấp, tốt nghiệp chỉ diễn ra vào cuối năm học, nhưng việc chuẩn bị tâm thế, kiến thức và kỹ năng cho học sinh cần bắt đầu từ rất sớm. Việc xây dựng thói quen học tập đều đặn, biết phân bổ thời gian và đặt mục tiêu phù hợp ngay từ những năm học đầu cấp sẽ giúp học sinh dần thích nghi và giảm thiểu áp lực về sau. “Ngay cả với học sinh chưa bước vào kỳ thi cuối cấp, việc hình thành ý thức tự học, phát triển năng lực toàn diện và thái độ học tập tích cực là điều hết sức quan trọng”, bà Vân khuyến nghị.
Đồng hành với con từ sớm
Không ít phụ huynh vì mong muốn con đạt điểm cao đã vô tình tạo thêm áp lực khiến con cái rơi vào trạng thái lo âu triền miên. Bố mẹ nào cũng mong con thành công, nhưng nếu sự kỳ vọng ấy trở thành mệnh lệnh hay sức ép, thì đôi khi lại phản tác dụng.
Theo PGS.TS. Đinh Thị Hồng Vân, điều cần thiết là phụ huynh hãy học cách lắng nghe cảm xúc của con, chia sẻ những lo lắng và cùng con tháo gỡ khó khăn. “Thay vì chỉ hỏi con “học tới đâu rồi?”, hãy hỏi “hôm nay con có gì vui?”, “con có điều gì chưa rõ không?”. Chính những tương tác gần gũi, nhẹ nhàng sẽ giúp học sinh giải tỏa áp lực và tiếp thêm động lực tích cực”, bà Vân nói.
Mặt khác, phụ huynh cũng nên khuyến khích con chủ động học tập, xây dựng kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng sống và thói quen sinh hoạt lành mạnh. Một môi trường gia đình ấm áp, tôn trọng và cởi mở chính là liều thuốc tinh thần quý giá giúp con giữ được cân bằng trong mùa thi. Những giá trị như lòng kiên trì, biết vượt khó, có trách nhiệm với bản thân và biết tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần chính là hành trang để học sinh vững bước trên con đường học vấn lẫn cuộc đời.
Mùa thi - nếu được tiếp cận đúng cách có thể trở thành hành trình trưởng thành đầy ý nghĩa, thay vì là gánh nặng tâm lý đè nặng lên vai học sinh. Đó là hành trình mà các em học được cách làm chủ thời gian, kiểm soát cảm xúc, vượt qua nỗi sợ hãi và khẳng định bản thân.
Để điều đó trở thành hiện thực, rất cần sự đồng hành của gia đình, nhà trường và xã hội với cái nhìn nhân văn, bình tĩnh và đầy cảm thông. Bởi học sinh có một chặng đường học tập, phấn đấu từ trước đó, không thể chỉ đánh giá năng lực bằng một kỳ thi duy nhất. Hãy để mùa thi trở thành cơ hội để các em khám phá chính mình, thay vì đánh mất bản thân trong vòng xoáy của kỳ vọng.
Trần Thanh
Nguồn Quảng Trị : http://www.baoquangtri.vn/lam-sao-de-vuot-qua-mua-thi-nhe-nhang-hieu-qua-193840.htm