Làm sao xóa bỏ 'bóng đen' bạo hành trẻ mầm non?

Làm sao xóa bỏ 'bóng đen' bạo hành trẻ mầm non?
3 ngày trướcBài gốc
Nhiều vụ giáo viên bạo hành trẻ mầm non
Mới đây, một phụ huynh Trường Mầm non Học viện Anh-Xtanh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) tố cáo rằng con mình bị giáo viên nhiều lần đánh vào mặt, đầu và tay khi đi học. Sau khi xác minh sự việc, nhà trường đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác 3 giáo viên liên quan đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng để điều tra làm rõ vụ việc.
Các giáo viên Trường Mầm non Học viện Anh-Xtanh có hành vi không "chuẩn mực" với các em học sinh. Ảnh trích xuất camera.
Cũng mới đây, trên trang mạng xã hội xuất hiện nhiều đoạn clip một số cô giáo của Trường Mầm non Dương Đông (TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) dùng tay và vật lạ liên tục tác động lên người các cháu trong giờ học. Chiều 24/3, ông Đỗ Văn Tuân – Trưởng phòng GD&ĐT TP. Phú Quốc cho biết, Hiệu trưởng Trường Mầm non Dương Đông đã có báo cáo giải trình sự việc một số cô giáo của trường "tác động vật lý" các bé mầm non gây xôn xao dư luận những ngày qua. Theo báo cáo của nhà trường và kết quả xác minh của Công an phường Dương Đông, những vật cô giáo dùng tác động, hù dọa các cháu mầm non trong clip là gậy làm bằng xốp PE foam, không phải là thước gỗ.
Hay vào đầu tháng 2 năm nay, Trường Mầm non thị trấn Trâu Quỳ (Gia Lâm, Hà Nội) cũng đã tạm đình chỉ công tác giảng dạy 4 tháng đối với cô Triệu Thị H. - giáo viên nhà trường bị phụ huynh phản ánh có hành vi bạo lực với trẻ. Vụ việc được phát hiện sau khi phụ huynh đón con từ trường về và phát hiện con có biểu hiện đi khom lưng, có vết sưng đỏ, bầm ở vùng kín.
Cách nào chấm dứt hoàn toàn tình trạng này?
Trao đổi với PV báo Sức khỏe và Đời sống về vấn đề này, ThS. Nguyễn Thị Hồng Vân - giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học và mầm non, Trường Đại học Hùng Vương cho rằng, nguyên nhân dẫn đến những tình trạng đáng buồn này xuất phát từ nhiều phía.
Áp lực công việc, mức lương và chế độ đãi ngộ chưa tương xứng, thiếu hụt kỹ năng sư phạm và kiểm soát cảm xúc ở một bộ phận giáo viên, sự lỏng lẻo trong công tác quản lý và giám sát của các cơ sở giáo dục, cùng với sự thiếu thông tin và kỹ năng nhận biết dấu hiệu bạo hành ở một số phụ huynh đã tạo điều kiện cho những hành vi sai trái nảy sinh và kéo dài. "Hậu quả của bạo hành trẻ mầm non là vô cùng nghiêm trọng. Trẻ không chỉ phải chịu đựng những tổn thương về thể chất mà còn gánh chịu những vết sẹo tâm lý sâu sắc, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển toàn diện về sau. Nỗi sợ hãi, mất niềm tin vào người lớn có thể ám ảnh tuổi thơ và định hình nhân cách của trẻ theo hướng tiêu cực".
Theo ThS. Nguyễn Thị Hồng Vân, để xóa bỏ "bóng đen" bạo hành trong môi trường mầm non, cần một cuộc "cách mạng" đồng bộ trên nhiều mặt:
Thứ nhất, cần ưu tiên hàng đầu là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Quá trình tuyển chọn cần được thực hiện một cách khắt khe, không chỉ dựa trên bằng cấp mà còn chú trọng đến phẩm chất đạo đức, tình yêu thương trẻ và sức khỏe tâm lý ổn định của ứng viên. Các chương trình đào tạo cần được đổi mới, tăng cường trang bị kiến thức về tâm lý lứa tuổi, kỹ năng quản lý lớp học tích cực, phương pháp giáo dục không bạo lực và đặc biệt là kỹ năng tự kiểm soát cảm xúc, giải quyết các tình huống sư phạm một cách nhân văn. Việc bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên, tạo điều kiện cho giáo viên học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm cũng vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, cần có chính sách đãi ngộ thỏa đáng để giáo viên yên tâm công tác và toàn tâm toàn ý với sự nghiệp trồng người.
Một số hình ảnh được cắt từ clip các cô giáo "tác động vật lý" trẻ mầm non tại Trường Mầm non Dương Đông (TP. Phú Quốc). Ảnh chụp màn hình
Thư hai là tăng cường công tác quản lý và giám sát. Các cơ quan quản lý giáo dục cần tăng cường tần suất thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt là các nhóm trẻ tư thục, độc lập. Việc lắp đặt hệ thống camera giám sát ở các khu vực chung và lớp học có thể là một biện pháp hữu hiệu để tăng cường tính minh bạch và phát hiện sớm các hành vi bất thường. Cần xây dựng một cơ chế tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh từ phụ huynh một cách nhanh chóng và hiệu quả. Mọi hành vi bạo hành khi được phát hiện cần phải được điều tra và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, không có vùng cấm.
Thứ ba, việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm của phụ huynh cũng đóng vai trò quan trọng. Phụ huynh cần chủ động tìm hiểu thông tin về trường lớp, quan tâm sát sao đến con cái, lắng nghe những chia sẻ của trẻ và quan sát những thay đổi bất thường trong tâm lý, hành vi của con. Việc xây dựng kênh liên lạc cởi mở, tin tưởng với giáo viên và nhà trường là cần thiết để kịp thời nắm bắt tình hình và phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh. Khi có bất kỳ nghi ngờ nào về việc con bị bạo hành, phụ huynh cần mạnh dạn lên tiếng và báo cáo với các cơ quan chức năng để bảo vệ con em mình.
Thứ tư, hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách liên quan đến bảo vệ trẻ em là một yêu cầu cấp thiết. Cần rà soát, bổ sung các quy định cụ thể, rõ ràng về quyền trẻ em, trách nhiệm của người chăm sóc, giáo dục trẻ và các hình thức xử lý đối với hành vi bạo hành. Mức độ xử phạt cần đủ sức răn đe để ngăn chặn những hành vi tương tự tái diễn. Đồng thời, cần có cơ chế hỗ trợ pháp lý và tâm lý kịp thời cho trẻ em bị bạo hành và gia đình.
Cuối cùng, cần sự chung tay của toàn xã hội. Các tổ chức xã hội, truyền thông cần tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức về quyền trẻ em, hậu quả của bạo hành và các biện pháp phòng ngừa. Cần tạo ra một môi trường xã hội lên án mạnh mẽ mọi hành vi bạo hành trẻ em và khuyến khích mọi người dũng cảm lên tiếng tố giác.
"Chấm dứt tình trạng giáo viên bạo hành trẻ mầm non là một mục tiêu đầy thách thức nhưng hoàn toàn có thể đạt được nếu chúng ta cùng nhau hành động một cách quyết liệt, đồng bộ và từ gốc rễ. Chỉ khi đó, những mầm non tương lai của đất nước mới thực sự được lớn lên trong một môi trường an toàn, yêu thương và phát triển toàn diện", ThS. Nguyễn Thị Hồng Vân nêu quan điểm.
Đỗ Vi
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/lam-sao-xoa-bo-bong-den-bao-hanh-tre-mam-non-169250326114539015.htm