Lam Sơn cũng như nhiều vùng quê khác ở Cao Bằng, là một thung lũng ở giữa những ngọn núi cao. Nhà ông Mã Văn Hản - ông cụ nội của tôi hiện không còn, chỉ còn mảnh đất nền nhà ở Lũng Hoài được thu hồi để làm di tích. Phía sau nhà là dãy núi đá, những năm trước đây, các cán bộ cách mạng chọn làm nơi hoạt động, nếu có động tĩnh của bọn giặc, chỉ mấy bước chân là có thể nấp vào hang chạy thoát lên núi. Đây là nơi Bác Hồ và các đồng chí của mình đã di chuyển từ Pác Bó đến ở hai ngày. Trong hai ngày ngắn ngủi đó, ông bà cụ của tôi đã nấu cơm phục vụ Bác. Gia đình chở che và làm nhiệm vụ liên lạc. Quãng thời gian rất ngắn nhưng có ý nghĩa quan trọng với gia đình và vùng quê cách mạng. Ở đây, Bác đã giác ngộ, giáo dục rèn luyện, kết nạp Đảng cho bà cụ thân sinh ra ông nội và bác cả - anh trai của ông nội tôi. Bác đã đổi tên bà nội của tôi thành tên Nguyễn Thị Bích Hồ - tên người chị gái thân yêu của Bác. Ngày bà tôi mất, tôi chưa sinh ra đời, theo lời mẹ kể, bác Đại tướng Võ Nguyên Giáp có gửi vòng hoa chia buồn.
Đường vào xóm Lam Sơn Thượng (Bản Nưa) được bê tông hóa thuận lợi cho việc đi lại của người dân.
Lam Sơn - cái tên gợi cho tôi nhớ đến mảnh đất Thanh Hóa nơi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa. Một cái tên không mang sắc thái của tiếng dân tộc. Tham khảo từ các trang sử mới biết tên gọi xuất hiện từ khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chuyển từ Pác Bó về đây để thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển phong trào Việt Minh. Có lẽ Bác đặt tên để gợi nhớ tới chiến thắng hào hùng của dân tộc thắng giặc Minh xâm lược, tới “Bình Ngô đại cáo” - áng văn bất hủ được coi như bản Tuyên ngôn độc lập thứ hai do Nguyễn Trãi viết để công bố trước tất cả người dân về một đất nước hòa bình. Tên gọi mang biết bao ý nghĩa. Tên Bác đặt như nhắc nhở mọi người phát huy lòng yêu nước, ý chí đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược, giải phóng dân tộc, mang lại độc lập tự do cho Tổ quốc. Tên gợi có tác dụng lôi cuốn, tập hợp các tầng lớp nhân dân trong vùng đi theo Việt Minh làm các mạng.
Năm 1932, phong trào cách mạng ở Cao Bằng phát triển mạnh. Sau gần một năm chuẩn bị, ngày 1/4/1932, Báo Cờ Đỏ của Tỉnh ủy Cao Bằng ra số đầu tiên tại hang Tốc Rù, trở thành công cụ quan trọng của Đảng để tuyên truyền đường lối cách mạng, giáo dục lòng yêu nước, căm thù bè lũ thực dân, phong kiến, vận động đồng bào các dân tộc tham gia cách mạng, cổ vũ, động viên tinh thần đấu tranh chống thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Ngoài việc in báo và truyền đơn, năm 1943, hang Tốc Rù còn là nơi chứa lương thực của nhân dân Hòa An đóng góp để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Năm 1995, hang Tốc Rù được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) ra quyết định công nhận là Di tích lịch sử cách mạng.
Từ cuối tháng 3 đến tháng 8/1942, Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển từ Pác Bó về vùng căn cứ địa cách mạng ở Lam Sơn. Thời gian này, Người thường bí mật qua lại khu vực hang Ngườm Bốc để chỉ đạo và tiếp xúc với quần chúng cách mạng. Tháng 5/1945, tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp với lãnh đạo liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng để bàn về công tác chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng Tháng Tám 1945. Bác đã chỉ đạo tiếp tục xuất bản Báo Việt Nam độc lập để tuyền truyền, cổ vũ cho sự phát triển của phong trào Việt Minh. Tờ báo gọi tắt là Việt Lập, là cơ quan ngôn luận đầu tiên của Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội (Việt Minh). Nơi đây có những người cộng sản trung kiên sẵn sàng đứng lên đập tan xiềng xích của chủ nghĩa thực dân, mang lại độc lập tự do cho nhân dân.
Theo những lời kể của các cụ già trong làng, tôi đi theo những lối đường mòn đến một số "địa chỉ đỏ" như hang Ngườm Bốc theo tiếng địa phương nghĩa là “Hang Khô”. Nằm trong tuyến trải nghiệm phía Bắc “Hành trình về nguồn cội” của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, hang Ngườm Bốc là một thắng cảnh thiên nhiên thơ mộng, một di chỉ khảo cổ học người tiền sử, nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử về quãng đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh những năm 1942 - 1945. Đây là nơi có xưởng quân giới Lê Tổ sản xuất, sửa chữa các loại vũ khí. Tại đây, tháng 10/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết Chiến dịch Biên giới và nói chuyện với công nhân xưởng quân giới. Với những giá trị về lịch sử văn hóa, năm 2004, hang Ngườm Bốc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia.
Càng đi, trái tim tôi càng rạo rực, lâng lâng một niềm vui, niềm tự hào về nơi mình đã sinh ra và lớn lên, về truyền thống cách mạng của quê hương, của gia đình.
Hang Tốc Rù, thuộc dãy núi Lam Sơn, xã Hồng Việt (Hòa An) - nơi in Báo Cờ đỏ.
Trải qua những năm tháng lịch sử, ngày nay, vùng đất Lam Sơn đã có nhiều đổi thay. Các xóm Lam Sơn Thượng, Lam Sơn Hạ nhà cao tầng mọc lên san sát, đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa, người dân có điều kiện phát triển kinh tế. Nhiều gia đình có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ trồng trọt, chăn nuôi. Thung lũng Hồng Việt không chỉ trồng lúa mà con trồng nhiều loại hoa màu, cây ăn quả đặc biệt là na, táo, thanh long. Người dân luôn phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó, tập trung phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới.
Lam Sơn - tôi luôn yêu mến và tự hào về mảnh đất quê hương. Mỗi lần về quê, đến thăm các di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng, tôi càng hiểu rõ hơn về truyền thống đấu tranh cách mạng của quê hương, từ đó, khơi gợi tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc, tiếp thêm động lực để phát huy vai trò, trách nhiệm của tuổi trẻ, cố gắng học tập, rèn luyện thật tốt để có đủ đức, đủ tài, tiếp bước cha ông, góp sức mình xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Mã Thùy An