Vụ án sản xuất sữa bột giả vừa bị phanh phui tại Công ty CP dược quốc tế Rance Pharma, Công ty dược dinh dưỡng Hacofood Group với 8 kẻ bị bắt và khởi tố một lần nữa gióng lên một hồi chuông báo động cho xã hội rằng sự an toàn tính mạng của hàng vạn, thậm chí hàng triệu người đang bị đe dọa.
Đây không đơn thuần là vụ án kinh tế mà còn là tội ác nhằm vào sức khỏe, tính mạng con người. Làm giả mặt hàng nào cũng là cần nghiêm trị, nhưng làm giả thực phẩm, đặc biệt là sữa – sản phẩm dinh dưỡng thiết yếu đối với trẻ em, người già, người bệnh – là tội ác tày trời, vì nạn nhân là những đối tượng yếu thế nhất trong cộng đồng. Nhiều người trong số họ sống dựa vào sữa, nếu nguồn dinh dưỡng chủ đạo này là chất độc thì khác nào đẩy họ đến cái chết.
Bộ Công an phát hiện đường dây sản xuất sữa bột giả 573 nhãn hiệu giả. (Ảnh: VTV)
Hãy hình dung những đứa trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, hệ tiêu hóa còn non yếu, cơ thể đang trong giai đoạn phát triển quan trọng nhất, lại phải hấp thụ những ly sữa chẳng những không có dinh dưỡng mà còn chứa thành phần độc hại. Hậu quả thật khủng khiếp: Suy dinh dưỡng, chậm phát triển về thể chất và trí tuệ, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc cấp tính hoặc mạn tính, trường hợp xấu nhất có thể dẫn đến tử vong.
Hãy hình dung những cụ già và người mắc bệnh nặng do sức yếu nên không thể ăn uống bình thường, phải dựa vào sữa để cung cấp dưỡng chất cho quá trình phục hồi. Sử dụng sữa giả, họ chẳng những không nhận được chất dinh dưỡng cần thiết mà còn có thể gặp biến chứng nặng, bệnh tật trầm trọng thêm do sức đề kháng vốn đã suy giảm.
Sản xuất và buôn bán sữa giả là gián tiếp tước đoạt cơ hội phát triển khỏe mạnh của trẻ em, cơ hội hồi phục của người già, người bệnh, gây ra những tổn thất không thể bù đắp cho gia đình và xã hội.
Tác hại đó, bất cứ ai cũng hiểu, vì vậy chỉ những kẻ tham lam đến mức độc ác, táng tận lương tâm mới có thể nhúng tay vào việc sản xuất sữa bột giả.
Làm giả sữa bột không chỉ là hành vi gian lận thương mại, mà là một tội ác mang tính hệ thống, có tổ chức và vô cùng tinh vi. Những kẻ phạm tội đã bất chấp đạo đức, lương tâm và pháp luật, trục lợi trên sự đau khổ và tính mạng của người khác. Nhắm vào nạn nhân yếu đuối, đầu độc họ bằng những thứ mang danh sản phẩm dinh dưỡng là tận cùng của sự vô nhân tính, không thể tìm ra bất kỳ lý do nào để biện minh. Đó chính là hình thức giết người gián tiếp, cần phải bị trừng trị ở khung hình phạt cao nhất, không nên có sự khoan hồng nào.
Vụ án trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm; không thể loại trừ khả năng vẫn còn những đường dây sản xuất và buôn bán sữa bột giả khác chưa bị đưa ra ánh sáng. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng các sản phẩm dinh dưỡng, đặc biệt là sữa bột, từ khâu sản xuất đến phân phối. Các cơ quan chức năng phải vào cuộc một cách quyết liệt và đồng bộ, thường xuyên liên tục, triệt phá tận gốc những ổ nhóm tội phạm này, không để chúng có cơ hội gây hại thêm nữa.
Các vụ án sữa giả cũng là một bài học đắt giá cho người tiêu dùng về việc nâng cao ý thức cảnh giác, lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng từ những nhà sản xuất uy tín, về việc trang bị kiến thức phân biệt hàng thật, hàng giả, bảo vệ bản thân và gia đình.
Thu Lê