>
Sau 15 năm giảng dạy, tôi nhận ra: Một tiết học tư tưởng - chính trị được yêu thích là tiết học có thể lý giải rõ ràng về kiến thức, đồng thời, tiết học đó phải được truyền tải bởi nhiệt huyết của giảng viên. Đó là sự kết hợp giữa sức mạnh của chân lý và giá trị cảm xúc nhân văn, là việc giảng dạy gắn với nhu cầu phát triển thực tế của sinh viên - cả trong nhận thức, kỹ năng sống lẫn kỳ vọng về tương lai. Ngoài ra, người thầy không chỉ là người truyền đạt tri thức, mà còn là người hiểu sinh viên, đi cùng họ qua những chặng đường trưởng thành.
Diễn đàn học thuật về chính trị của sinh viên và giảng viên. (Nguồn: Trường Đại học Bưu điện Viễn thông Bắc Kinh)
Cần cố gắng đồng hành cùng sinh viên bằng sự chân thành và thấu hiểu, biến quá trình giảng dạy từ truyền đạt một chiều thành hành trình tương tác hai chiều, nơi cả người dạy và người học cùng hướng về nhau. Chỉ khi biết sinh viên đang nghĩ gì, bàn luận điều gì và mong muốn hiểu điều gì, tôi mới có thể đưa ra những nội dung giảng dạy đáp ứng đúng nhu cầu các em, vào một thời điểm hợp lý. Điều đó đòi hỏi người thầy phải bước vào thế giới của sinh viên, hiểu được những băn khoăn và nhu cầu của các em, từ đó tìm ra điểm chạm phù hợp để bắt đầu bài giảng. Tôi từng chủ động xin chuyển vào sống tại khu ký túc xá của sinh viên, cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với các em. Trưa ăn cơm ở căn-tin với các em, tối lại ngồi ở hành lang trò chuyện về cuộc đời. Dần dần, mối quan hệ giữa giảng viên và sinh viên trở nên gần gũi hơn, nhờ sự gần gũi đó, sinh viên sẽ tin tưởng vào những điều giảng viên truyền đạt, các tiết học Giáo dục Tư tưởng Chính trị cũng trở nên hấp dẫn và có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn.
Chuyên gia dự giờ tiết học.( Nguồn: Đại học Luật & Chính trị An Huy)
Giữ vững giá trị cốt lõi và đổi mới phương pháp, người thầy cần trở thành người dẫn đường cho sinh viên. Những lý luận “cứng nhắc” của sách vở, khi gắn với đời sống, có thể trở thành chất dinh dưỡng nuôi dưỡng tinh thần tuổi trẻ. Việc khai thác đúng chủ đề sinh viên quan tâm, giải đáp trúng điểm họ còn băn khoăn sẽ giúp bài giảng chạm đến trái tim người học. Trên lớp, cần gắn lý thuyết với các vấn đề thiết thực mà sinh viên quan tâm như học tập, tìm kiếm việc làm hay những vấn đề “nóng” của xã hội. Ngoài ra, đổi mới hoạt động thực tiễn như tổ chức các chương trình phối hợp giữa nhà trường với chính quyền địa phương, doanh nghiệp sẽ giúp hình thành những “lớp học tư tưởng” sinh động, đưa lý luận từ trang sách bước vào đời sống, bồi đắp nhận thức, củng cố lý tưởng cho sinh viên.
Làm bạn đồng hành cùng sinh viên, người thầy không chỉ dừng lại ở 45 phút giảng dạy trên lớp. Bởi từng lời nói, từng hành động của thầy cô đều có thể để lại những ấn tượng sâu sắc với người học. Giảng viên dạy tư tưởng chính trị không nên chỉ là “người thầy 45 phút” trên bục giảng, càng không nên để sinh viên chỉ nhớ đến điểm số cuối kỳ, mà cần trở thành người bạn đồng hành lâu dài, thúc đẩy sự trưởng thành toàn diện của sinh viên.
Muốn làm được điều đó, trước hết cần xây dựng chuỗi giáo dục xuyên suốt trước, trong và sau giờ học - chủ động tìm hiểu vấn đề của sinh viên trước khi lên lớp, và tiếp tục duy trì trao đổi sau buổi học. Mặt khác, cần tích cực bước vào không gian trưởng thành của sinh viên, ví dụ như đảm nhận chức vụ giáo viên chủ nhiệm, người hướng dẫn thực hành xã hội hay cố vấn câu lạc bộ, vun đắp giá trị bằng sự đồng hành bền bỉ.
Lớp học tương tác tích hợp ứng dụng AI. (Nguồn: Đại học Cơ khí Hàng hải Hàng Châu)
Tôi luôn giữ tương tác với sinh viên trên các nền tảng mạng xã hội; cùng các em tham gia tình nguyện trong các hoạt động ngoại khóa. Với tôi, môn tư tưởng chính trị không dừng lại sau “tiếng chuông tan học” - ngay cả khi sinh viên đã tốt nghiệp, nếu cần, tôi vẫn sẵn sàng đồng hành. Tôi từng trò chuyện với du học sinh ở nước ngoài về sự phát triển của đất nước, hay dùng phương pháp phân tích mâu thuẫn để giúp sinh viên mới ra trường vượt qua khó khăn nơi công sở. Tôi tin rằng, giáo dục tư tưởng không nên là một giai đoạn, mà là sự đồng hành suốt đời trong hành trình khẳng định bản thân của mỗi người trẻ.
Giáo dục là cuộc đối thoại giữa tâm hồn với tâm hồn. Người làm thầy nguyện dâng hiến hết sức lực của mình để thắp sáng cho thật nhiều ước mơ của người trẻ tuổi. Là giảng viên môn Giáo dục Tư tưởng chính trị, tôi luôn nỗ lực để truyền cảm hứng cho sinh viên, dùng sức mạnh của chân lý để khơi dậy lý tưởng, và thu hút sự hứng thú dành cho môn học của các em bằng nền tảng lý luận vững chắc. Cần giảng dạy thật tốt môn học, bồi dưỡng nhân cách và đạo đức, để sinh viên thực sự yêu thích và nhận được những lợi ích lâu dài.
(Nguồn: Nhân Dân Nhật Báo)
Nam sinh HUTECH ươm mộng sân khấu giữa giảng đường đại học
Khát vọng cống hiến của nam sinh Trường Đại học Luật Hà Nội trong kỷ nguyên mới