Làm vơi nỗi đau sau bão lũ

Làm vơi nỗi đau sau bão lũ
5 giờ trướcBài gốc
Tại những khúc cua, cơ quan chức năng phải bố trí nhiều biển cảnh báo nguy cơ sạt lở và xe của chúng tôi phải đi như bò. Trước đó, dù đã được lãnh đạo huyện thông tin về sự khó khăn, nguy hiểm rình rập trên đường, nhưng chúng tôi không thể hình dung nó khó khăn đến thế.
Gần 11 giờ trưa đoàn mới đến được hộ chị Lộc Thị Liễu, thôn Già Thượng khi chị đang ở nhờ nhà bà con. Thấy chúng tôi đến hỏi thăm, chị nức nở khóc. Dường như nỗi đau mất người thân vẫn còn hiện hữu trên gương mặt thất thần của chị. Chị chỉ tay về phía quả đồi cách đó chừng hơn 100m. Chúng tôi nhìn thấy những vết nứt, sạt lở vẫn còn trơ trơ. Chị bảo: Đó là nơi ở của gia đình suốt 2 năm nay.
Đại diện đoàn công tác Lữ đoàn 131 Hải quân trao quà tặng các gia đình bị thiệt hại sau lũ.
Hôm xảy ra sạt lở, chồng chị là công an phải đi trực và giúp dân chống lũ. Nghe thấy tiếng nổ lớn, chị chỉ kịp hét lên, kêu mọi người chạy ra khỏi nhà. Nhưng mọi thứ diễn ra quá nhanh, lượng đất đá khổng lồ đổ lên ngôi nhà chị. Tuy bố mẹ chồng và đứa con trai lớn thoát được, nhưng bị thương rất nặng, phải chuyển cấp cứu ở Hà Nội. Còn đứa con trai út bị đất đá vùi lấp, mấy ngày sau mới tìm thấy thi thể. Bản thân chị cũng bị thương ở chân, bước đi tập tễnh.
Đồng cảm trước gia cảnh của chị, Thượng tá Nguyễn Văn Thủy, Phó chính ủy Lữ đoàn Công binh 131, thay mặt đoàn công tác ân cần thăm hỏi, chia sẻ những mất mát, đau thương; tặng quà và trao số tiền hỗ trợ là 10 triệu đồng và mong muốn gia đình chị sẽ nhanh chóng vươn lên ổn định, xây dựng cuộc sống mới bình yên, ấm no.
Cũng giống như gia cảnh của chị Liễu, nhà của hộ bà Hoàng Thị Trong cùng thôn Già Thượng cũng bị lũ cuốn và đất đá vùi lấp hoàn toàn. Gặp chúng tôi ở nhà người thân, người mẹ già 76 tuổi, mắt ngấn lệ rưng rưng khóc thương người con trai, mải đi giúp dân chống lụt mà bị lũ cuốn trôi xuống đập tràn theo dòng suối. Thắp nén hương trước di ảnh con trai bà Trong là Sùng Si Tậu, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi, thương tiếc. Nhận quà và số tiền 10 triệu đồng từ đoàn công tác Lữ đoàn Công binh 131, bà Hoàng Thị Trong bộc bạch: “Những ngày qua, nhiều đoàn thiện nguyện về cứu trợ đã giúp gia đình tôi vơi bớt đi phần nào nỗi đau mất người thân. Hôm nay nhận thêm sự giúp đỡ của bộ đội Lữ đoàn 131, gia đình tôi thật sự biết ơn. Tôi và con dâu chỉ mong sớm dựng lại căn nhà mới để trở về ổn định cuộc sống”.
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 131 giúp nhân dân thu dọn môi trường sau bão số 3.
Đó mới chỉ là 2 trong số 5 hộ gia đình mà đoàn công tác đến thăm trên chuyến hành trình như hộ: Ông Hoàng Văn Đạm, bản Mai Thượng; ông Bàn Văn Đàm bản Cuông 3, xã Xuân Hòa; hay hộ anh Sùng Seo Tài, bản Bon 4, xã Minh Tân. Những hộ mà đoàn công tác đến thăm và hỗ trợ đều có hoàn cảnh rất khó khăn, mất nhà, mất người thân trong cơn lũ lịch sử do hoàn lưu bão số 3 (Yagi) gây ra. Những mất mát, đau thương khó mà đong đếm.
Đến thăm Trường mầm non Việt Tiến, huyện Bảo Yên, đoàn công tác được cô giáo Trần Thị Lý, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho hay: "Lũ về dâng cao quá đầu người. Phần lớn các dụng cụ, đồ dùng dạy học, trang bị thiết yếu của nhà trường bị lũ cuốn trôi, hư hỏng".
Theo cô giáo Lý, đối với những trường hợp các em bị mất cả cha, lẫn mẹ, nhà trường đang cùng cơ quan chức năng nhận đỡ đầu. Thay mặt đoàn công tác, chỉ huy Lữ đoàn Công binh 131 cùng lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai đã trao tặng nhà trường, các em học sinh những phần quà, nhu yếu phẩm, dụng cụ học tập cần thiết, mong muốn nhà trường khắc phục khó khăn, vươn lên dạy tốt, học tốt.
Cơn bão số 3 đã gây ra thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho các tỉnh miền Bắc. Ngay ở Hải Phòng, bằng mệnh lệnh từ trái tim; cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 131 đã luôn sát cánh cùng cán bộ, nhân dân thành phố.
Nhớ lại những ngày đồng hành cùng người dân Hải Phòng chống bão, Thượng tá Nguyễn Văn Thủy kể: "Lúc ấy đơn vị đã bố trí 2 xe ô tô tải chở hàng chục lượt cán bộ, chiến sĩ mang theo các vật dụng như cuốc, xẻng, máy cưa, dao; 3 xuồng cứu nạn, 2 máy xúc đào… tham gia ứng cứu dân mắc kẹt trên các tuyến phố ngập lụt sâu".
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 131 đã cùng các lực lượng chức năng kịp thời có mặt tại những tuyến phố thiệt hại nặng nhất. Họ tham gia chặt hạ cây bị gãy đổ, sơ tán người cao tuổi, di chuyển tài sản của nhân dân đến nơi an toàn… Lữ đoàn đã chủ động cắt cử lực lượng giúp 2 trường mầm non Sao Mai và Kiền Bái (huyện Thủy Nguyên) dọn dẹp, vệ sinh tu sửa lại 500m2 phòng học, dựng lại và làm mới gần 200m2 mái nhà tôn… đồng thời, triển khai lực lượng giúp người dân nơi đơn vị đóng quân dựng lại nhà cửa, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, để sớm ổn định cuộc sống.
Hình ảnh người lính Lữ đoàn Công binh 131 luôn kịp thời có mặt ở những nơi khó khăn, vất vả đã thực sự làm ấm lòng người dân. Trong gian khó, tình quân dân lại càng thêm gắn bó. Thượng tá Nguyễn Văn Thủy cho biết, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, đơn vị xác định phải thực hiện triệt để “3 cùng”: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc. Điều đó vừa thể hiện sự đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi của bộ đội với nhân dân, vừa giáo dục cho họ hiểu được tình đoàn kết, gắn bó máu thịt quân dân, khơi dậy tinh thần trách nhiệm của người lính với với đồng bào lúc khó khăn, hoạn nạn.
Bài và ảnh: XUÂN DŨNG
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/xa-hoi/chinh-sach/lam-voi-noi-dau-sau-bao-lu-796792