Sáng sớm, ngư dân Nguyễn Phong, ở xã Đông Sơn cùng nhóm thợ lặn có mặt tại bãi biển thôn Châu Thuận Biển để giong thuyền ra khơi săn ốc. Lúc này, nhiều tàu thuyền của các ngư dân khác cũng nổ máy, chạy đến các gành đá dọc bờ biển để săn ốc. Sau khi mặc áo lặn, quấn dây chì quanh bụng, buộc chân nhái, đeo kính lặn và ngậm ống thở, 2 thợ lặn trên thuyền của ông Phong nhảy xuống biển bắt đầu công việc.
Ông Phong ở lại trên thuyền, làm nhiệm vụ theo dõi, kết nối với thợ lặn dưới đáy biển qua dây ống thở để hỗ trợ khi cần. Hết ca lặn, trong lúc thợ lên thuyền nghỉ ngơi, ông Phong cho thuyền di chuyển đến vị trí khác để bắt đầu ca lặn tiếp theo. Cứ thế, mọi người miệt mài làm việc tới trưa, thậm chí đến giữa buổi chiều, rồi quay thuyền vào bờ bán ốc.
Ông Phong cho hay, có thể lặn bắt ốc quanh năm, nhưng từ tháng 5 đến tháng 9 hằng năm là mùa lặn bắt ốc của ngư dân. Thời gian này biển cạn, sóng êm, nhiều loại ốc biển có đặc tính di chuyển đến sống và sinh sản ở các gành đá gần bờ , nên sản lượng nhiều, dễ dàng khai thác.
Ngư dân có thêm thu nhập từ việc lặn biển bắt ốc gần bờ.
Theo nhiều ngư dân ở thôn Châu Thuận Biển, xã Đông Sơn, phần lớn ngư dân nơi đây đều hành nghề lặn để khai thác hải sản. Với những tàu công suất lớn thì hành nghề lặn ra vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa; còn với những thuyền thúng nhỏ, ngư dân lặn ở khu vực biển gần bờ.
Những ngày này, ngư dân Lê Hai, ở xã Vạn Tường, người có hơn 30 năm bám biển, cũng tất bật vào mùa lặn bắt ốc. Chỉ vào khoang thuyền thúng, ông Hai phấn khởi cho hay, mấy hôm nay thuyền của tôi liên tục bội thu các loại ốc biển, trong đó chủ yếu là ốc xà cừ, ốc nón. Trong khoảng thời gian gần 1 ngày , chúng tôi có thể bắt được vài tạ ốc các loại. Với giá bán bình quân 40 nghìn đồng/kg đối với ốc xô, 200 nghìn đồng/kg đối với ốc hương, trừ chi phí, mỗi buổi lặn có thể kiếm được hơn 500 nghìn đồng/người, thậm chí có hôm được vài triệu đồng.
“Tùy theo mùa mà ngư dân sẽ linh động chuyển đổi nghề đánh bắt khác nhau. Lặn ốc gần bờ tuy có nhiều thuận lợi, ít rủi ro, nhưng muốn bắt được nhiều phải có kinh nghiệm; mắt phải tinh, tay phải nhanh vì có những loài ốc khi gặp nước động sẽ nhanh chóng tìm chỗ trú ẩn dưới cát, rất khó nhận biết. Ốc biển rất được ưa chuộng, giá trị kinh tế cao, ngư dân không phải lo đầu ra, nên mùa này, nhiều ngư dân bám biển hành nghề lặn để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống”, ông Hai chia sẻ.
Bài, ảnh: HẢI CHÂU