Các đại biểu tham quan một số phiên bản mô phỏng của Bảo vật quốc gia thuộc Phật giáo Việt Nam được chế tác, trưng bày tại Triển lãm
Ngày 5/5, trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025, triển lãm về văn hóa Phật giáo Việt Nam đã chính thức mở cửa đón công chúng. Một điểm nhấn quan trọng và thu hút sự chú ý đặc biệt là việc lần đầu tiên, thông tin chi tiết về 87 Bảo vật quốc gia liên quan đến Phật giáo Việt Nam được giới thiệu đến đông đảo tăng ni, phật tử và khách tham quan trong nước cũng như quốc tế.
Triển lãm văn hóa Phật giáo Việt Nam chính thức khai mạc sáng 5/5 tại khuôn viên tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 ở TPHCM
Với chủ đề "Văn hóa Phật giáo Việt Nam: Ngôn ngữ - Pháp phục - Kiến trúc - Di sản", sự kiện do Ban Văn hóa, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tổ chức nhằm tôn vinh những giá trị đặc sắc của Phật giáo trong nước, đồng thời thể hiện tinh thần hội nhập và giao lưu với văn hóa Phật giáo thế giới.
Pháp phục Phật giáo Việt Nam được trưng bày tại Triển lãm
Hòa thượng Thích Bửu Chánh, Phó Tổng thư ký Ủy ban tổ chức Vesak LHQ 2025 và Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM, chia sẻ rằng những bảo vật được giới thiệu không chỉ có giá trị nghệ thuật mà còn gắn liền với các giai đoạn lịch sử quan trọng, phản ánh sự hòa quyện sâu sắc giữa tín ngưỡng, nghệ thuật và tư tưởng Phật giáo. "Chúng tôi mong muốn triển lãm này sẽ mang đến cái nhìn sâu sắc hơn về sự phong phú, lâu đời và những giá trị bền vững mà Phật giáo đã đóng góp vào việc hình thành bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam", Hòa thượng Thích Bửu Chánh nhấn mạnh, "Đây cũng là cơ hội để lan tỏa tình yêu quê hương, lòng biết ơn tiền nhân và nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn di sản văn hóa Phật giáo giữa dòng chảy hiện đại".
Khách tham quan triển lãm sẽ được trải nghiệm một không gian văn hóa Phật giáo thu nhỏ, nơi tái hiện các nghi lễ, trưng bày pháp phục, nhạc cụ truyền thống, kinh sách cổ, mộc bản, giới thiệu về trà đạo và các sắc phong, cùng hệ thống tư liệu và hình ảnh quý hiếm.
Tăng ni, phật tử đọc thông tin về các Bảo vật quốc gia được trưng bày tại Triển lãm
Đặc biệt, khu vực giới thiệu thông tin về 87 Bảo vật quốc gia là tâm điểm của triển lãm. Dù các hiện vật gốc không được di dời khỏi nơi lưu giữ, song thông tin chi tiết, hình ảnh và các phiên bản mô phỏng của các tượng thờ, phù điêu, pháp khí, kinh sách cổ... từ các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn được trưng bày, cung cấp những bằng chứng sống động về vai trò và ảnh hưởng của Phật giáo trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam.
Một số phiên bản mô phỏng Bảo vật Quốc gia thuộc Phật giáo Việt Nam do kiến trúc sư Đinh Việt Phương chế tác trưng bày tại Triển lãm
Kiến trúc sư Đinh Việt Phương, người phụ trách thiết kế không gian triển lãm, cho biết, Ban tổ chức đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, đặc biệt là phần nội dung liên quan đến 87 Bảo vật quốc gia. "Dù chỉ là bản mô phỏng hoặc hình ảnh, chúng vẫn thể hiện đầy đủ giá trị tinh thần và nghệ thuật, giúp công chúng hiểu rõ hơn về di sản quý báu này", ông nói. Kiến trúc sư Đinh Việt Phương cũng bày tỏ sự ấn tượng đặc biệt với mô hình phục dựng tháp Phật Tích, xem đó là minh chứng cho trí tuệ và kỹ thuật bậc thầy của tổ tiên.
Trong khuôn khổ Triển lãm còn có trưng bày tranh họa vàng vẽ Đức Phật của họa sĩ Vũ Khắc Điệp. Tranh được vẽ trên tấm vóc kim loại đồng với màu là bột vàng 9999 và vàng nước
Triển lãm diễn ra tại Học viện Phật giáo Việt Nam TPHCM (huyện Bình Chánh, TPHCM) hứa hẹn là một điểm đến văn hóa và tâm linh ý nghĩa cho tất cả mọi người trong dịp Đại lễ Vesak 2025.
Thế Anh