Sáng 16/4, hơn 1,5 triệu đảng viên tại 21.000 điểm cầu từ các bộ ngành Trung ương và địa phương được quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Hội nghị được truyền hình trực tiếp trên kênh kênh Thời sự VOV1 Đài Tiếng nói Việt Nam và phát trực tiếp trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam để cán bộ, đảng viên cả nước theo dõi.
Đây là lần đầu tiên hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết được phát thanh, truyền hình trực tiếp.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11, sáng 16/4. (Ảnh: Phạm Thắng)
Trả lời phóng viên Báo Điện tử VTC News, PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, cho biết, đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị triển khai Nghị quyết Trung ương đến tận cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
"Nhấn mạnh từ "đến tận" là bởi vì chúng ta phát thanh và truyền hình trực tiếp hội nghị này. Theo nguyên tắc, chỉ thực hiện quán triệt nghị quyết của Đảng đến với đảng viên, nhưng lần này chúng ta quán triệt đến toàn thể Nhân dân, Nhân dân được nghe 1 nghị quyết của Hội nghị Trung ương", ông Vũ Văn Phúc nói.
Theo PGS.TS Vũ Văn Phúc, đúng như lời phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, hội nghị được tổ chức với hình thức trực tiếp, kết hợp với trực tuyến tới cấp xã và truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình và phát thanh cho thấy tầm quan trọng của các nội dung cần quán triệt cũng như quy mô, phạm vi tác động ảnh hưởng của các nội dung này.
Theo nguyên tắc, chỉ thực hiện quán triệt nghị quyết của Đảng đến với đảng viên, nhưng lần này chúng ta quán triệt đến toàn thể Nhân dân, Nhân dân được nghe một nghị quyết của Hội nghị Trung ương
PGS.TS Vũ Văn Phúc
Đây cũng là những nội dung đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân đang rất quan tâm theo dõi, mong muốn sớm được triển khai thực hiện.
"Một điểm đáng chú ý nữa là ngay sau khi hội nghị kết thúc, trong lúc bộn bề công việc đối ngoại, đối nội nhưng Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức hội nghị toàn quốc để quán triệt cho thấy sự khẩn trương của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy", Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương nhấn mạnh.
Cùng bàn luận, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) đánh giá việc tổ chức truyền hình và phát thanh trực tiếp là sự đổi mới mạnh mẽ trong quán triệt học tập để thực hiện nghị quyết của Đảng.
Nghị quyết vừa ban hành được truyền tải nhanh chóng đến với những đối tượng cần được nghe như cán bộ, đảng viên ở địa phương và người dân cũng được nghe đầy đủ.
Ông Nguyễn Trọng Phúc cho hay, trước đây, khi Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết, các cơ quan Trung ương sẽ truyền đạt tới các báo cáo viên, sau đó các báo cáo viên xuống bộ ngành, địa phương truyền đạt lại cho đảng viên.
Song, nội dung truyền đạt của báo cáo viên có thể sẽ không được đầy đủ và toàn diện theo đúng tinh thần nghị quyết.
"Các khóa đại hội trước đây, tôi cũng là người đi truyền đạt nghị quyết. Thấy một bất cập là nhiều tầng, nhiều nấc, truyền đạt về tỉnh, tỉnh lại xuống huyện, huyện xuống cơ sở… Truyền đạt có thể không trọn vẹn, không đầy đủ, không toàn diện, rơi vãi nhận thức. Người nghe thấy cũng cảm nhận được, nhưng vận dụng thế nào, ứng dụng thế nào là cả một quá trình nhiêu khê, tốn kém, hình thức", ông Nguyễn Trọng Phúc nêu thực tế.
Đánh giá cách quán triệt nghị quyết thông qua báo cáo viên rất tốn kém và hình thức, ông Nguyễn Trọng Phúc cho rằng việc quán triệt thông qua trực tiếp kết hợp trực tuyến vừa qua giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc.
Nhưng lợi ích quan trọng nhất được nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nhấn mạnh là cán bộ, đảng viên và Nhân dân được nghe những quan điểm chính thống, quan điểm từ gốc, từ chính những lãnh đạo hoạch định ra quan điểm, đường lối và chính sách đó.
"Các lãnh đạo Đảng và Nhà nước là những người có trách nhiệm cao, khi truyền đạt nó có chiều sâu về mặt lý luận, về mặt thực tiễn. Trước đây, thông qua đội ngũ báo cáo viên, có khi báo cáo viên nhận thức cũng chưa hết được vấn đề, lại đi truyền đạt nó cứ thất thoát, không đúng", ông Nguyễn Trọng Phúc nói.
Qua theo dõi 3 chuyên đề và phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư, ông Nguyễn Trọng Phúc đánh giá, những nội dung căn bản nhất, căn cốt nhất của Hội nghị Trung ương 11 đã được truyền đạt đầy đủ, toàn diện, kịp thời.
Trong quá trình truyền đạt, lãnh đạo đảng và Nhà nước còn minh họa, làm rõ được những khía cạnh chứ không phải chỉ nói quan điểm, chủ trương. Bên cạnh, cán bộ, đảng viên cũng được quán triệt về những vấn đề thực tiễn của đất nước, nhu cầu cuộc sống của Nhân dân, gắn với sự biến chuyển của tình hình thế giới, quốc tế…
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: Phạm Thắng)
Hàng triệu triệu người dân tiếp cận nghị quyết sẽ tạo sự đồng thuận trong xã hội
Phân tích về những lợi ích khi người dân được theo dõi Hội nghị quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, ông Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, những nội dung được lãnh đạo Đảng và Nhà nước truyền đạt có độ tin cậy cao, đúng trọng tâm, trọng điểm giúp nâng cao niềm tin của Đảng viên và Nhân dân, tin vào những chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật.
"Ví dụ buổi sáng hơn 1 triệu rưỡi đảng viên theo dõi tại các điểm cầu, chưa kể qua truyền hình và phát thanh thì có hàng triệu triệu người dân được tiếp cận nghị quyết nữa sẽ tạo sự thống nhất trong đảng, đồng thuận trong xã hội", PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh.
Cho dân nghe nghị quyết, kế hoạch triển khai cũng là hình thức báo cáo tiến độ thực hiện các chủ trương, định hướng lớn đến với dân, kết nối ý Đảng với lòng dân
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc
Từ đó, quá trình hiện thực hóa quan điểm của Hội nghị Trung ương 11 nhanh hơn, có hiệu quả hơn, có trách nhiệm hơn và được sự đồng tình, ủng hộ của toàn dân, nhất là những chủ trương mới mẻ như cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, sáp nhập tỉnh, sáp nhập xã…
"Cho dân nghe nghị quyết, kế hoạch triển khai cũng là hình thức báo cáo tiến độ thực hiện các chủ trương, định hướng lớn đến với dân, kết nối ý Đảng với lòng dân. Thực chất việc của Đảng là việc của dân, của nước nên dân có quyền được biết, chứ không phải cái gì bí mật. Nhân dân làm chủ nên có quyền tham gia những vấn đề của đất nước, đường lối, quan điểm, chính sách", ông Nguyễn Trọng Phúc nói.
Đặc biệt, theo vị chuyên gia, người dân được nghe truyền đạt nghị quyết của Trung ương sẽ có sự phản hồi, đóng góp ý kiến đối với những công việc mà Nhà nước đang triển khai.
Từ đó, các cơ quan chức năng có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, hợp với lòng dân.
"Cái gì dân đồng tình ủng hộ là Đảng có thể yên tâm, cái gì dân phản hồi lại thì cần lắng nghe và phải tính toán thêm. Đó mới chính là cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ", nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nói thêm.
Anh Văn