Chiều 20.12, BSCK2 Hoàng Bá Dũng – Trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết bệnh viện vừa phẫu thuật, điều trị thành công một bệnh nhân bị sẹo hẹp khí quản và rò khí thực quản với nhóm máu A, B âm tính. Đây là một căn bệnh cực hiếm lần đầu tiên bệnh viện tiếp nhận và điều trị.
BSCK2 Hoàng Bá Dũng – Trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Chợ Rẫy thăm hỏi sức khỏe bệnh nhân - Ảnh: BVCC
Theo người nhà bệnh nhân, cách đây 1 năm, bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa được điều trị hồi sức tích cực (ICU) tại một bệnh viện ở TP.Cần Thơ. Sau khi xuất viện, bệnh nhân bị ho ra máu, phải tiếp tục nhập viện trở lại. Lần này, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị rò khí thực quản. Sau khi điều trị ổn định tình trạng viêm phổi, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy.
Bác sĩ Dũng cho biết, bệnh nhân nhập viện từ tháng 6.2024. Lúc này bệnh nhân chỉ nặng 39kg. Qua nội soi, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhân bị rò khí thực quản.
“Lúc này, lỗ rò rộng nên chúng tôi chưa phát hiện tình trạng hẹp khí quản. Bệnh nhân được mổ để đóng lỗ rò. Trong quá trình mổ, chúng tôi phát hiện thành sau của thành cổ bị mất, khi đóng lại khí quản rất hẹp. Tuy nhiên, do sức khỏe của bệnh nhân quá yếu, không thể làm phẫu thuật lớn nên tạm thời đóng lỗ rò và mở khí quản cho bệnh nhân”, bác sĩ Dũng thông tin.
Sau đó, bệnh nhân được xuất viện về nhà chăm sóc dinh dưỡng để tăng sức khỏe. Sau 4 tháng, bệnh nhân tăng được 20kg. Đến tháng 12.2024, bệnh nhân quay trở lại Bệnh viện Chợ Rẫy kiểm tra. Tại đây, các bác sĩ nội soi và phát hiện bệnh nhân sẹo hẹp khí quản, và vẫn tiếp tục bị rò khí thực quản. Các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật.
“Trong quá trình mổ, ê kíp đã cắt toàn bộ sẹo hẹp, vá khí quản, đồng thời bóc tách hẳn khí quản ra khỏi thực quản và đóng lỗ rò thực quản. Sau khi đóng lỗ rò thực quản, ê kíp mổ tiến hành khâu nối khí quản. Sau 4 giờ đồng hồ, ca phẫu thuật đã thành công”, bác sĩ Dũng thông tin.
Sau 48 giờ phẫu thuật, bệnh nhân được rút nội khí quản, tự thở và nói được. “Hiện bệnh nhân đã ăn được bằng miệng, không bị sặc, thở và nói chuyện bình thường. Nếu không có gì thay đổi bệnh nhân sẽ được xuất viện trong vài ngày tới”, bác sĩ Dũng cho biết.
Theo bác sĩ Dũng, sẹo hẹp khí quản và rò khí thực quản là một bệnh hiếm. Trung bình từ 2 đến 3 năm Bệnh viện Chợ Rẫy mới gặp 1 ca, còn bệnh nhân đủ điều kiện để mổ là không nhiều.
“Trong hơn 30 năm qua, Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ tiếp nhận dưới 10 ca, trong đó chỉ có khoảng 5 - 6 ca được mổ, tỷ lệ thành công chỉ khoảng 70%”, bác sĩ Dũng cho biết thêm.
Đối với trường hợp bệnh nhân bị sẹo hẹp khí quản, rò khí thực quản và có nhóm máu âm tính như bệnh nhân trên, theo bác sĩ Dũng là ca bệnh đầu tiên mà bệnh viện gặp phải.
Phân tích của bác sĩ Dũng cho thấy, bệnh nhân hẹp khí quản, rò khí thực quản và có nhóm máu âm tính thì mức độ nguy hiểm của bệnh rất cao. Điều này buộc các bác sĩ phải chuẩn bị nhiều thứ, từ máu đến thể trạng bệnh nhân và đánh giá được dự phòng những tai biến xảy ra trong quá trình mổ để tránh nguy cơ tử vong.
“Nhờ đó ca mổ diễn ra đúng như dự kiến, không xảy ra bất cứ bất thường nào”, bác sĩ Dũng nói và cho biết với căn bệnh này, nếu bệnh nhân được mổ tốt sẽ khỏi bệnh vĩnh viễn, không tái phát. Trong trường hợp nếu mổ chưa tốt, có thể bệnh nhân sẽ bị rò khí trở lại và tình trạng sẹo hẹp khí quản có thể tái phát.
“Bệnh nhân này cần phải được theo dõi và tái khám định kỳ. Ngoài ra bệnh nhân cũng cần chú ý đến chế độ ăn, tránh ăn những thức ăn có thể kích thích mô sẹo phát triển (như rau muống, tôm và một số hải sản)”, bác sĩ Dũng khuyến cáo.
Theo bác sĩ Dũng, nguyên nhân chính gây ra tình trạng sẹo hẹp khí quản và rò khí thực quản là do bệnh nhân đặt nội khí quản kéo dài. “Những bệnh nhân bị chấn thương sọ não, hay do một bệnh lý nào đó bị hôn mê, buộc phải đặt nội khí quản để thở máy kéo dài dễ gây ra tình trạng sẹo hẹp khí quản và rò khí thực quản”, bác sĩ Dũng cho biết thêm.
Hồ Quang