Thành viên Hội đồng đánh giá, phân hạng và tổ giúp việc xem trưng bày các sản phẩm tham gia phân hạng OCOP 4 sao, 5 sao tỉnh Quảng Bình.
Theo quyết định phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng 10 sản phẩm OCOP cấp tỉnh thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2024 thì có 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao, 6 sản phẩm đạt 4 sao và 1 sản phẩm đạt 3 sao.
Cụ thể, 3 sản phẩm đạt 5 sao là nước mắm chay Tuấn Linh (92,33 điểm) và nấm mộc nhĩ Tuấn Linh (90,33 điểm) của Hợp tác xã sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh, xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch; đũa gỗ Quảng Thủy (93,44 điểm) của Hợp tác xã sản xuất kinh doanh thương mại đũa gỗ Quảng Thủy, xã Quảng Thủy, thị xã Ba Đồn. Đây đều là những sản phẩm OCOP nổi tiếng của tỉnh Quảng Bình được xuất khẩu đến thị trường các nước.
Theo đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình, các sản phẩm có kết quả công nhận từ 5 sao trở lên (trên 90 điểm) đủ điều kiện để trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp Trung ương. Do vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình được giao tham mưu thủ tục để làm công việc này.
Sản phẩm đũa gỗ Quảng Thủy tại Hội chợ giới thiệu hàng hóa nông thôn ở tỉnh Quảng Bình
Các sản phẩm đạt 4 sao trở lên (từ 70 điểm đến 90) được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP theo quy định.
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, cùng với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, việc xây dựng sản phẩm OCOP có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trong đó, công tác rà soát, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP là cơ sở để các chủ thể hoàn thiện hơn sản phẩm, bảo đảm chất lượng tốt, an toàn vệ sinh thực phẩm, phục vụ tốt người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Được biết, đến giữa năm 2024, Quảng Bình có có 186 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó 28 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 158 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Quảng Bình đang đẩy mạnh thực hiện chương trình OCOP, trong đó ưu tiên các sản phẩm chủ lực đạt tiêu chuẩn 4 sao, 5 sao nhằm mang lại lợi thế cạnh tranh, nâng cao giá trị sản phẩm.
.
HƯƠNG GIANG