“Tôi đã 68 tuổi, trước đây tôi khỏe lắm, chưa phải đến bệnh viện bao giờ”, đó là chia sẻ của một người bệnh bị ung thư trực tràng khi được bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Xuân Vĩnh - Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu kiêm Trưởng khoa Hóa trị (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ) hỏi tại một buổi hội thảo tư vấn sức khỏe về bệnh ung thư.
Người đàn ông này đến bệnh viện khi rối loạn tiêu hóa kéo dài, đại tiện khó khăn, có máu. Hai tháng trước, bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu rối loạn tiêu hóa: Lúc táo bón, lúc tiêu chảy. Tuy nhiên, ông nghĩ rằng đây là rối loạn thông thường nên đã tự mua thuốc uống.
Nhưng gần một tháng nay, triệu chứng của người bệnh ngày càng nặng hơn như đi ngoài rất khó khăn, đôi khi có máu. Lúc này, ông mới quyết định đi khám và được chẩn đoán ung thư trực tràng.
Bác sĩ Vĩnh tư vấn cho bệnh nhân ung thư. Ảnh: BSCC.
Bác sĩ Vĩnh cho biết, có ngày, ông tiếp nhận 10 bệnh nhân ung thư mới vào điều trị trong đó có 7-8 người ở giai đoạn cuối. Suốt cả cuộc đời, họ chưa đến bệnh viện nhưng khi phát bệnh thì nhiều trường hợp đã ung thư di căn xa, khiến việc điều trị rất khó khăn.
Ung thư đại trực tràng là sát thủ thầm lặng, với 1,9 triệu ca mắc mới mỗi năm trên toàn cầu, là nguyên nhân gây tử vong do ung thư đứng thứ hai. Các chuyên gia dự báo đến năm 2040, số trường hợp mắc mới có thể lên 3,2 triệu ca/năm.
Tại Việt Nam, ung thư đại trực tràng nằm trong top 5 loại ung thư phổ biến nhất, với hơn 16.000 ca mắc mới mỗi năm.
Theo bác sĩ Vĩnh, điều đáng lo ngại là bệnh tiến triển âm thầm, giai đoạn sớm gần như không có triệu chứng rõ ràng, đến khi xuất hiện dấu hiệu như rối loạn tiêu hóa kéo dài, đi ngoài ra máu, đau bụng, sụt cân không rõ nguyên nhân… thì rất nhiều trường hợp đã ở giai đoạn muộn, thậm chí đã di căn sang gan, phổi, xương.
Một trong những lý do khiến nhiều người bệnh phát hiện ung thư quá muộn là tâm lý chủ quan. Họ cho rằng bản thân cảm thấy khỏe mạnh thì không có bệnh, ngại đi khám vì sợ phát hiện bệnh và không có thói quen tầm soát định kỳ.
“Không ai có thể chắc chắn mình khỏe mạnh nếu không được kiểm tra y tế”, bác sĩ Vĩnh nói.
Phát hiện sớm ung thư và nhiều bệnh lý nguy hiểm khác như tim mạch, tiểu đường… sẽ giảm thời gian và chi phí điều trị, tránh các biến chứng nặng nề, cải thiện chất lượng sống và tăng tuổi thọ. Đặc biệt, đối với ung thư đại trực tràng, những người trên 50 tuổi hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh nên tầm soát định kỳ bằng nội soi đại tràng.
Ung thư đại trực tràng có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm. Nếu khối u còn khu trú trong đại tràng/trực tràng, phẫu thuật có thể giúp loại bỏ hoàn toàn tế bào ung thư. Tỷ lệ sống sau 5 năm lên đến 90%.
Khi ung thư đã lan đến hạch bạch huyết, cần kết hợp phẫu thuật và hóa trị. Tỷ lệ sống sau 5 năm giảm xuống còn 50-70%. Trong giai đoạn di căn xa, việc điều trị lúc này chủ yếu mang tính kéo dài sự sống và giảm triệu chứng. Tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ còn dưới 15%.
Bác sĩ Vĩnh cho rằng người dân nên có thói quen chăm sóc sức khỏe, lắng nghe cơ thể mình. Từ 40 tuổi trở lên, cần khám sức khỏe định kỳ từ 6-12 tháng/lần để phát hiện sớm các bệnh lý.
Phương Thúy