'Làn gió mới' trên thị trường gameshow Việt Nam

'Làn gió mới' trên thị trường gameshow Việt Nam
6 giờ trướcBài gốc
Trong những năm gần đây, thị trường gameshow tại Việt Nam đã có nhiều bước chuyển hình mạnh mẽ. Dễ thấy, các chương trình giải trí dường như đã tự cởi bỏ các “thông lệ” cũ: Đặt nặng tính hài hước, “diễn” theo kịch bản, câu kéo người xem bằng “drama”,… để tới gần với công chúng hơn, chinh phục người xem bằng nội dung lồng ghép nhiều thông điệp ý nghĩa, diễn biến tự nhiên, mảng miếng hài hước duyên - đúng - đủ.
Bên cạnh các gameshow vận động, trải nghiệm ngoài trời, các chương trình thực tế về âm nhạc, có thể thấy rõ sự trỗi dậy của loạt chương trình về gia đình và trẻ em. Trong đó không thể không kể đến “Mẹ vắng nhà Ba là siêu nhân”.
Sức hút của chương trình tăng vọt qua các mùa phát sóng. Thông tin từ Viettel Media - đơn vị sản xuất chương trình, “Mẹ vắng nhà Ba là siêu nhân 2025” dù mới chỉ phát sóng hơn nửa chặng đường nhưng đã có lượng tương tác gấp đôi so với mùa 2024. Tính đến tập 10, “Mẹ vắng nhà Ba là siêu nhân 2025” thu hút tới hơn 26,5 triệu lượt thảo luận, trong khi đó mùa 2024 đạt 12,4 triệu lượt thảo luận sau 18 tập phát sóng.
Chỉ số đo lường từ các trang đánh giá uy tín Kompa.ai, YouNet Media, Socialite… ghi nhận “Mẹ vắng nhà Ba là siêu nhân 2025” vào top gameshow trước khi lên sóng 2 tuần (lên sóng từ ngày 31/3) và duy trì suốt nhiều tuần liền sau đó với loạt khoảnh khắc viral của Pam Yêu Ơi và Đậu (chuyện nhà Đậu) tương tác đáng yêu, Dừa lại khóc nhè khi đến nhà Pam, em bé Bún xinh như công chúa nhưng cá tính, Dương Lâm quậy tung nhà khi vợ vắng nhà…
“Mẹ vắng nhà Ba là siêu nhân 2025” đứng top 1 BXH gameshow suốt nhiều tuần liền trước và sau khi lên sóng
Sức hút của “Mẹ vắng nhà Ba là siêu nhân” không hề kém cạnh so với các chương trình có sự tham gia đông đảo nghệ sĩ lớn hiện nay.
Không khó để nhận ra trong khoảng thời gian dài, các chương trình truyền hình thực tế dành cho trẻ em và gia đình là “món ăn” khá khan hiếm đối với khán giả.
Một phần vì yếu tố sản xuất phức tạp hơn (quay với trẻ em, giới hạn thời gian), phần khác là do các nhà sản xuất ưu tiên xu hướng “thị trường” hơn là các nội dung mang tính giáo dục, tình cảm, truyền cảm hứng.
Tuy nhiên, chính sự khan hiếm đó lại trở thành cơ hội trong những năm gần đây. Khi thị trường gameshow đang rơi vào tình trạng bão hòa với format lặp lại và drama gây tranh cãi thì những chương trình mang màu sắc gia đình lại như “làn gió mới”, dễ chạm đến cảm xúc người xem và phù hợp với nhiều thế hệ khán giả.
Bên cạnh đó, sự tham gia ngày càng rõ nét của các nhãn hàng, thương hiệu cũng là yếu tố góp phần thúc đẩy các nhà sản xuất đầu tư sản xuất gameshow về chủ đề này.
Sự trỗi dậy của các gameshow về gia đình và trẻ em cho thấy đây không chỉ là ngẫu nhiên mà là một phản ứng tự nhiên trước nhu cầu cảm xúc của khán giả.
Dù vậy, giữa “rừng” gameshow đang bão hòa việc giữ chân khán giả vẫn là một thử thách, đòi hỏi sự đầu tư từ các nhà sản xuất: Không chỉ về kinh phí mà còn là sự đổi mới về nội dung, format, cách truyền tải cảm xúc…
Sự bền bỉ của “Mẹ vắng nhà Ba là siêu nhân” qua 4 mùa phần nào minh chứng điều đó khi chương trình chú trọng trong việc chọn lựa khách mời và liên tục đổi mới format, tránh nhàm chán, giữ được sức hút và sự yêu mến của khán giả.
Tú Uyên
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/lan-gio-moi-tren-thi-truong-gameshow-viet-nam-2419251.html