Làn gió mới từ những bộ phim pháp sư Hàn Quốc thu hút thế hệ trẻ

Làn gió mới từ những bộ phim pháp sư Hàn Quốc thu hút thế hệ trẻ
9 giờ trướcBài gốc
Một cảnh trong The Haunted Palace. Ảnh: SBS cung cấp
Shaman giáo là một kiểu tôn giáo phổ biến vào cuối chế độ thị tộc, với sự xuất hiện của những Shaman (hay còn gọi là pháp sư) trong xã hội, họ có nhiệm vụ "kết nối" con người với các thế lực siêu nhiên. Một vài nước trên thế giới như Mông Cổ, Hàn Quốc, Nga.. vẫn duy trì tôn giáo này.
Đáng chú ý, Hàn Quốc gần đây thường đưa hình ảnh các pháp sư trong Shaman giáo vào các bộ phim truyền hình, gây chú ý đối với thế hệ Z và thiên niên kỷ.
Trong bộ phim tình cảm giả tưởng Head Over Heels của TvN, nữ sinh trung học Seong-ah, người bí mật làm pháp sư vào ban đêm, nói rằng, "Khi cuộc sống dao động trước khủng hoảng, mọi người tìm đến pháp sư".
Cô thực hiện một nghi lễ gọi là cheondojae để xua đuổi các linh hồn và tổ chức lễ trừ tà để xua đuổi ma quỷ, nhưng tông điệu chung của bộ phim không hoàn toàn u ám và ảm đạm.
Bộ phim, được công chiếu vào ngày 23.6, khắc họa một cách thuyết phục những căng thẳng giữa các nghi lễ và kỳ thi, giữa chủ nghĩa shaman và cuộc sống trung học, kết hợp chúng một cách tự nhiên thành một câu chuyện hấp dẫn về tuổi mới lớn.
Trước đây, khi các nhà sản xuất làm phim về pháp sư trên truyền hình, người xem thường gợi lên tâm lý sợ hãi. Bộ phim thường lấy bối cảnh ở các vùng nông thôn xa xôi hoặc tạo nên những câu chuyện ma kỳ lạ.
Ngay cả trong Hometown Legends (1977-1989), một loạt phim kinh dị tiêu biểu của thời đại, các pháp sư thường là nhân vật phụ hoặc là nhân vật phản diện.
Tuy nhiên, vào những năm 2020, các nhà làm phim Hàn Quốc đã khai thác chủ đề về pháp sư theo cách mới.
Thay vì các ngôi đền cũ, bối cảnh hiện ra là các lớp học ở thành thị. Và thay vì những người phụ nữ trung niên, đó là những nữ sinh mặc đồng phục.
Hình ảnh các pháp sư xuất hiện chuyển biểu tượng của nỗi sợ hãi thành yếu tố trung tâm với nội dung phổ biến, chữa lành cảm xúc.
Bộ phim truyền hình Oh My Ghost Clients của MBC là một ví dụ độc đáo về việc kết hợp pháp sư với các vấn đề trong thế giới thực.
Phim kể về câu chuyện của Noh Moo-jin (Jung Kyung-ho), người nhận được lệnh từ một sinh vật siêu nhiên để "giải quyết mối hận thù của những người lao động".
Đột nhiên có thể nhìn thấy ma, Noh dần trở thành người trung gian giữa người sống và người chết, giống như một pháp sư. Trong bối cảnh này, pháp sư đóng vai trò tượng trưng.
Việc lắng nghe những câu chuyện của những người lao động chết oan, xoa dịu nỗi oán giận dai dẳng của họ và tìm kiếm sự thật xã hội có thể được coi là phiên bản hiện đại của nghi lễ cheondojae truyền thống, thay thế cho các nghi lễ trừ tà.
Cuối cùng, pháp sư hoạt động như một công cụ để lắng nghe và an ủi, tiết lộ sự áp bức trong thực tế của lao động.
Bộ phim truyền hình The Haunted Palace của SBS cũng trình bày những câu chuyện về pháp sư.
Yeo-ri (Kim Ji-yeon), người ban đầu từ chối số phận của mình là một pháp sư, cuối cùng bắt đầu cuộc hành trình để phá bỏ lời nguyền của một linh hồn báo thù đang ôm mối hận với gia đình hoàng gia.
Tập trung vào sự lãng mạn, câu chuyện kết hợp phép trừ tà với sự kỳ ảo và âm mưu trong cung điện.
Chủ đề pháp sư hướng đến các nội dung tích cực
Pháp sư Hàn Quốc và các chủ đề huyền bí đang được pha trộn với nhiều thể loại khác nhau và phản ánh sự thay đổi thái độ xã hội.
Sự phát triển nội dung này đã khiến các nhân vật pháp sư trở nên gần gũi và có sức cộng hưởng về mặt cảm xúc hơn, thu hút sự đồng cảm của khán giả.
Bên cạnh đó, Possessed Love, một chương trình truyền hình thực tế về hẹn hò có sự góp mặt của các thầy bói thế hệ thiên niên kỷ, Jung cho biết sự xuất hiện của các pháp sư trẻ trên các chương trình giải trí đã giúp nhận thức của công chúng về họ trở nên tích cực hơn.
Theo các chuyên gia, sự an ủi và chữa lành mang đến thái độ tích cực cho những người hiện đại. Trong khi pháp sư từng bị giới hạn trong thể loại kinh dị, thì giờ đây chủ đề này được kết hợp với các bộ phim truyền hình cảm xúc, giả tưởng, mang đến những câu chuyện tích cực dành cho thanh thiếu niên, đạt được cả sự phổ biến trong xã hội.
Các chuyên gia nhận định những thay đổi này phản ánh bầu không khí lành mạnh trong xã hội khi các vấn đề mê tín và thần thoại thường thu hút sự quan tâm của thế hệ thiên niên kỷ và thế hệ Z.
Ngoài ra, sự chú ý của công chúng đối với Shaman giáo ngày càng tăng trong bối cảnh thế giới ngày nay đang có nhiều bất ổn.
Trong một xã hội sôi động và áp lực, Shaman giáo không phải là một câu thần chú để thay đổi số phận con người, mà đơn giản là một kênh để thể hiện những cảm xúc không nói nên lời.
Các pháp sư trong phim truyền hình là những người trung gian cảm xúc, những người diễn giải nỗi đau trong cuộc sống thực.
"Những câu chuyện về tâm linh truyền thống của Hàn Quốc thường tập trung vào nôi dung tích cực trong cuộc sống. Đó là lý do tại sao các nghi lễ Shaman ở Hàn Quốc thường được hiểu là xoa dịu và xua đuổi điều xui xẻo", nhà phê bình văn hóa Jung Duk-hyun nhận định.
MINH DƯƠNG
Nguồn Văn hóa : http://baovanhoa.vn/nghe-thuat/lan-gio-moi-tu-nhung-bo-phim-phap-su-han-quoc-thu-hut-the-he-tre-150336.html