Thuế quan "có đi có lại" của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với hàng nhập khẩu từ hàng chục đối tác thương mại của "xứ cờ hoa" đã bắt đầu có hiệu lực từ 0h01 ngày 9/4 (giờ địa phương), theo đó làm gia tăng đáng kể khả năng xảy ra chiến tranh thương mại toàn cầu.
Sau khi mức thuế quan "cơ bản" toàn diện 10% làm rung chuyển nền kinh tế toàn cầu kể từ khi có hiệu lực vào ngày 5/4, thuế đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ từ các đối tác xuất khẩu như Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đã tăng thêm đáng kể từ ngày 9/4.
Trung Quốc – đối thủ kinh tế hàng đầu của Washington, đồng thời cũng là đối tác thương mại lớn – là bên bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với tổng mức thuế quan phải chịu đã lên tới con số 104%.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: SCMP
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết trong một cuộc họp báo hôm 8/4 rằng thuế quan được thiết kế để mở ra các cuộc đàm phán với các đối tác thương mại của Mỹ.
"Đối với các quốc gia trên khắp thế giới, hãy mang đến cho chúng tôi những đề nghị tốt nhất của các bạn và ông ấy sẽ lắng nghe", bà Leavitt cho biết khi nói về ông Trump. "Các thỏa thuận sẽ chỉ được thực hiện nếu chúng có lợi cho người lao động Mỹ".
Hôm 8/4, ông Trump cho biết rằng chính quyền của ông đang làm việc về "các thỏa thuận phù hợp" với các đối tác thương mại, và Nhà Trắng cho biết họ sẽ ưu tiên các đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tổng thống Mỹ tuyên bố các quốc gia rất muốn đạt được một thỏa thuận. Nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ lùi bước. Bắc Kinh tuyên bố sẽ chiến đấu "đến cùng" trong cuộc chiến thương mại, và cam kết sẽ có các biện pháp đối phó để bảo vệ lợi ích của mình.
Thuế quan trả đũa 34% của Trung Quốc đối với hàng hóa của Mỹ dự kiến có hiệu lực vào ngày 10/4.
Tổng thống Trump cho biết, chính sách của ông sẽ khôi phục lại cơ sở sản xuất đã mất của Mỹ bằng cách buộc các công ty phải chuyển đến Mỹ.
Nhưng nhiều chuyên gia kinh doanh và nhà kinh tế đặt câu hỏi về việc điều đó có thể xảy ra nhanh như thế nào – nếu có, đồng thời cảnh báo về lạm phát cao hơn khi thuế quan làm tăng giá mọi thứ.
Điều đáng chú ý nhất về cuộc chiến thuế quan của Tổng thống Trump là ông đang bị một số cố vấn và người ủng hộ thân cận nhất kêu gọi cải thiện tình hình, vốn đã làm đảo lộn nền kinh tế thế giới.
Ông Ken Langone, một trong những nhà tài trợ giàu có lâu năm, đồng sáng lập Home Depot, nói với tờ Financial Times rằng "ngay lúc này, điều mà mọi người đều lo sợ là một cuộc chiến tranh thương mại".
Một tỷ phú khác, nhà đầu tư quỹ đầu cơ Bill Ackman cho biết, "Hậu quả đối với đất nước chúng ta và hàng triệu công dân đã ủng hộ Tổng thống… sẽ vô cùng tiêu cực".
Ông Jamie Dimon, CEO của JP Morgan, cho biết "liệu thực đơn thuế quan có gây ra suy thoái hay không vẫn còn là câu hỏi, nhưng nó sẽ làm chậm tăng trưởng".
Tỷ phú Elon Musk, theo tờ Washington Post, đã bí mật thúc giục ông Trump không nên tiếp tục áp dụng mức thuế quan cao ngất ngưởng. Bây giờ vị tỷ phú công khai kêu gọi:
"Lý tưởng nhất là cả châu Âu và Mỹ nên chuyển sang tình trạng thuế quan bằng 0, về cơ bản là tạo ra một khu vực thương mại tự do giữa châu Âu và Bắc Mỹ".
Minh Đức (Theo CBS News, Fox News)