Làn sóng tăng trưởng mới của công nghiệp Hà Tĩnh

Làn sóng tăng trưởng mới của công nghiệp Hà Tĩnh
9 giờ trướcBài gốc
Lĩnh vực công nghiệp mới tăng trưởng ấn tượng
Nửa đầu của năm 2025, Khu kinh tế Vũng Áng chứng kiến bầu không khí sản xuất sôi động. Hai nhà máy sản xuất pin lớn là: Pin VinES Hà Tĩnh và liên doanh sản xuất Pin Lithium VinES-Gotion vận hành với công suất cao, ổn định, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của ngành sản xuất ô tô điện.
Khu kinh tế Vũng Áng đang giữ vai trò đầu tàu kinh tế của tỉnh. Trong ảnh: Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Ảnh: Đình Nhất.
Theo đánh giá, trong 6 tháng năm 2025, sản lượng pack pin dự kiến đạt hơn 14 nghìn pack, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm trước; sản lượng cell pin dự kiến đạt hơn 9,4 triệu cell, đánh dấu sự nhập cuộc ấn tượng về lĩnh vực công nghiệp mới của tỉnh. Kết quả này còn củng cố vị thế của Hà Tĩnh trên bản đồ sản xuất linh kiện pin khu vực Bắc Trung Bộ, một trong những ngành được xác định là mũi nhọn trong chiến lược phát triển công nghiệp xanh và bền vững.
Đặc biệt, vào cuối tháng 6, Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast Hà Tĩnh do Tập đoàn Vingroup đầu tư khánh thành, đi vào hoạt động là “mảnh ghép” quan trọng trong hệ sinh thái sản xuất công nghiệp xanh. Với công suất thiết kế giai đoạn đầu khoảng 200.000 xe mỗi năm, đây không chỉ là “mỏ vàng” thu ngân sách mà còn thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị sản xuất - cung ứng - logistics trong khu vực, giúp tỉnh hiện thực hóa định hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.
Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast Hà Tĩnh đi vào vận hành là cột mốc quan trọng trong chiến lược phát triển dài hạn và mở rộng quy mô sản xuất toàn cầu của VinFast, tạo động lực tăng trưởng cho công nghiệp Hà Tĩnh.
Ông Nguyễn Việt Quang - Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup cho biết: “Sự kiện khánh thành nhà máy VinFast Hà Tĩnh là cột mốc quan trọng trong chiến lược phát triển dài hạn và mở rộng quy mô sản xuất toàn cầu của VinFast. Nhà máy VinFast Hà Tĩnh sẽ góp phần đưa VinFast tiến tới mục tiêu sản xuất 1 triệu xe mỗi năm”.
Ở các ngành công nghiệp truyền thống, mặc dù nửa đầu năm 2025 có nhiều thách thức song các sản phẩm chủ lực vẫn tăng trưởng khá. Sản lượng sản xuất sợi dự ước đạt 5.018 tấn, tăng 29,87% so với cùng kỳ năm 2024, tiếp tục giữ được vị thế một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh.
Ngành sản xuất điện dự kiến đạt hơn 6 tỷ kWh, tăng 4% so với cùng kỳ; công nghiệp khai khoáng tăng 20,23%; công nghiệp chế biến - chế tạo tăng 4,92%; sản xuất và phân phối điện tăng 2,38%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,57%. Trong bức tranh công nghiệp nửa đầu năm, sản xuất thép (giảm 6%) và bia (giảm 1,5%) là 2 ngành tiếp tục gặp khó khăn do ảnh hưởng từ thị trường xuất khẩu khiến sản lượng bị sụt giảm.
Ngành may mặc Hà Tĩnh có nhiều tăng trưởng tích cực nhờ các tín hiệu tốt của thị trường xuất khẩu.
Tính chung 6 tháng, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp của tỉnh ước tăng 4,62% so với cùng kỳ năm trước, phản ánh sự chuyển động tích cực, mới mẻ của ngành kinh tế chủ lực.
Ông Lê Xuân Từ - Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng năm 2025 tăng khá tốt nhờ vào các tác động tích cực từ nền kinh tế, thúc đẩy chỉ số một số ngành chủ lực tăng cao. Trong đó, sản xuất ngành khai khoáng tăng mạnh nhờ nhiều dự án lớn đồng loạt triển khai, các mỏ khai khoáng được cấp phép và mở rộng; sản xuất sợi, dệt may duy trì đà tăng trưởng tích cực từ những tín hiệu thị trường quốc tế, xu thế tăng nhập khẩu nguyên liệu dệt may. Đặc biệt, các nhà máy sản xuất pin đã đóng vai trò chiến lược trong việc hình thành chuỗi giá trị công nghiệp mới, mở ra dư địa tăng trưởng bền vững, góp phần thực hiện tái cơ cấu theo hướng tích cực, mục tiêu xanh, công nghệ cao”.
Xung lực mới cho đà tăng trưởng cuối năm
Những ngày đầu tháng 7, công trường Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Bắc Thạch Hà giai đoạn 1 (dự án khu công nghiệp VSIP Hà Tĩnh) đang dồn sức thi công san lấp mặt bằng và xây dựng hạ tầng. Mỗi ngày, hàng trăm máy móc, xe chuyên dụng được huy động để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Dự án khu công nghiệp VSIP Hà Tĩnh đang được đẩy nhanh tiến độ.
Theo đại diện Công ty CP Phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam Singapore - chủ đầu tư dự án, đến nay, VSIP Hà Tĩnh đã hoàn thành bồi thường, GPMB 190,1/190,41 ha; hoàn thành công tác bóc phong hóa tầng đất mặt cho phần diện tích được giao đất (119,79 ha) và cấp phép xây dựng đợt 1. Các đơn vị nhà thầu cũng đã hoàn thành san lấp mặt bằng khoảng 25 ha, vượt khoảng 30% tiến độ và đang tiếp tục triển khai san lấp mặt bằng cho khoảng 45 ha đất công nghiệp. Cùng đó, dự án triển khai 3 gói thầu san lấp xây dựng phục vụ thi công hạ tầng các tuyến đường chính trong KCN; chuẩn bị xây dựng hệ thống mương hở thoát nước mưa của khu công nghiệp trong quý III tới.
Các đơn vị nhà thầu đã hoàn thành san lấp mặt bằng khoảng 25 ha, vượt khoảng 30% kế hoạch tiến độ; triển khai 3 gói thầu san lấp xây dựng phục vụ thi công hạ tầng các tuyến đường chính trong KCN.
Cũng trong tháng 7 này, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II dự kiến đưa vào vận hành tổ máy số 1; Khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng và Khu công nghiệp Gia Lách mở rộng triển khai công tác giải phóng mặt bằng… đang kích hoạt những xung lực tăng trưởng cao, bền vững cho công nghiệp Hà Tĩnh.
Ông Phạm Trần Đệ - Phó Trưởng ban BQL Khu kinh tế tỉnh cho biết: “Trên địa bàn các khu kinh tế và khu công nghiệp có 198 dự án còn hiệu lực, trong đó chủ yếu là dự án đầu tư công nghiệp. Thời gian qua, đơn vị luôn đồng hành, hỗ trợ các nhà đầu tư về thủ tục pháp lý; phối hợp thực hiện GPMB để triển khai các dự án; giải quyết nhanh gọn, rút ngắn thời gian xử lý các hồ sơ, thủ tục. Hiện đang có nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước nghiên cứu, đề xuất đầu tư như: Dự án Nhà máy điện khí và Tổ hợp trung tâm tiếp nhận và phân phối khí hóa lỏng (LNG) tại Khu kinh tế Vũng Áng (3 tỷ USD), Dự án Nhà máy sản xuất thép không gỉ tại Khu kinh tế Vũng Áng (1 tỷ USD)... Đó là những động lực tăng trưởng quan trọng cho phát triển công nghiệp trong thời gian tới, đặc biệt là công nghiệp năng lượng và công nghiệp chế biến, chế tạo”.
Nhịp độ triển khai sôi động từ các dự án công nghiệp đã tạo ra những bước chuyển động mới đến các ngành, lĩnh vực.
Nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2025 đạt từ 8%, Sở Công thương tiếp tục tập trung thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các ngành chủ lực; phối hợp hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong thực hiện các dự án và mở rộng thị trường; đẩy mạnh đào tạo nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, xanh và bền vững.
Nguyễn Oanh
Nguồn Hà Tĩnh : https://baohatinh.vn/lan-song-tang-truong-moi-cua-cong-nghiep-ha-tinh-post291320.html