Lân Sư Rồng TP.HCM: Di sản trăm năm trên đường đổi mới

Lân Sư Rồng TP.HCM: Di sản trăm năm trên đường đổi mới
2 ngày trướcBài gốc
Sáng nay, 30-3, tại TP.HCM, đã diễn ra Lễ công bố quyết định về việc nghệ thuật Lân Sư Rồng của người Hoa ở TP.HCM được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và quyết định xếp hạng di tích lịch sử - văn cấp thành phố.
Đại diện lãnh đạo TP.HCM trao chứng nhận Nghệ thuật Lân Sư Rồng của người Hoa tại TP.HCM vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: VĂN HÀ
Trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, Lân Sư Rồng TP.HCM đã gây dựng được dấu ấn không chỉ trong nước mà còn trên trường quốc tế. Mỗi đoàn Lân Sư Rồng đều mang những bản sắc riêng, tạo nên màu sắc độc đáo trong mắt người xem.
Tuy nhiên, đằng sau những màn biểu diễn hoành tráng là những nỗ lực trong việc duy trì và truyền lửa nghệ thuật.
Nghệ thuật Lân Sư Rồng gắn liền với đời sống người dân TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI
Những thăng trầm trên chặng đường phát triển
Trao đổi với PLO, ông Lưu Kiếm Xương, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lân Sư Rồng TP.HCM, cho hay việc duy trì một đoàn Lân trong 90 năm qua chưa bao giờ là điều dễ dàng. Kinh phí và nhân lực là những thách thức lớn nhất.
Nhơn Nghĩa Đường đã có gần 90 năm hoạt động. Ảnh: TƯ LIỆU
Ông Xương cho biết trước đây, Lân Sư Rồng là một môn nghệ thuật mang tính tự phát, không có nguồn kinh phí hỗ trợ, nên các đoàn luôn trong tâm thế "làm nhiều có nhiều, làm ít có ít".
"Nhiều lúc không có tiền nhưng vẫn phải duy trì hoạt động, anh em trong đoàn cũng thấu hiểu và gắng gượng cùng nhau. Nhớ một năm đoàn đi biểu diễn ở Bình Dương, tình hình thất thu, đến cả tiền thuê xe cũng không có. Cả đoàn suy tính mãi, cuối cùng quyết định chạy xe máy xuống đó. May mắn sau đó mượn được tiền thuê xe, rồi khi biểu diễn xong, số tiền lì xì gom lại vừa đủ để trả chi phí, phần còn lại chia nhau mà giữ" - ông kể lại.
Khó khăn là vậy, nhưng với những võ đường và đoàn Lân, sự gắn kết giữa thầy trò luôn như một gia đình lớn. "Các thầy không chỉ là người dạy võ mà còn như cha mẹ, anh em trong đoàn cũng như huynh đệ một nhà. Không chỉ gắn bó trong võ đường, mà sau này ra ngoài xã hội, gặp lại nhau vẫn giữ tình nghĩa thầy trò, anh em" - ông Lưu Kiếm Xương tâm sự.
Ông Lưu Kiếm Xương (bìa phải) - người dành cả một đời tâm huyết cho Lân Sư Rồng.
Dù đối diện với nhiều thách thức, những người gắn bó với Lân Sư Rồng vẫn luôn giữ vững niềm tin vào tương lai của bộ môn nghệ thuật này. Việc chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là niềm tự hào mà còn là cơ hội để các đoàn có thêm sự hỗ trợ từ các tổ chức văn hóa, thể thao và các nhà tài trợ.
Bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM và ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở VH&TT TP.HCM trao bằng khen của Chủ tịch UBND TP cho các tập thể cá nhân đóng góp trong việc bảo tồn duy trì nghệ thuật Lân Sư Rồng.
Khi di sản sống cùng thời đại
Trong dòng chảy hiện đại, nhiều đoàn Lân Sư Rồng tại TP.HCM đã có những đổi mới để phù hợp với thị hiếu khán giả trẻ.
"Việc ứng dụng công nghệ và truyền thông số vào quảng bá bộ môn Lân Sư Rồng cũng đang được các đoàn quan tâm. Một số đoàn đã bắt đầu thực hiện các chương trình biểu diễn trực tuyến, tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội để thu hút sự quan tâm của công chúng, đặc biệt là giới trẻ" - ông Lương Tấn Hằng, đoàn Lân Hằng Anh Đường nói.
Đoàn Lân Nghĩa Đường cũng tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ vào biểu diễn.
"Chúng tôi đã đầu tư những bộ lân có hiệu ứng LED, phát sáng theo nhịp trống, mang lại trải nghiệm thị giác mới lạ. Các bài múa cũng được biên đạo theo câu chuyện, giúp người xem cảm nhận được nội dung, thay vì chỉ là động tác đơn thuần" - ông Xương cho hay.
Bên cạnh đó, nhiều đoàn còn tham gia các sự kiện văn hóa quốc tế, giúp nghệ thuật Lân Sư Rồng Việt Nam khẳng định vị thế trên bản đồ thế giới. "Chúng tôi từng biểu diễn tại nhiều nước như Singapore, Malaysia, Trung Quốc... và nhận thấy nếu có sự đầu tư bài bản, Lân Sư Rồng Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với các quốc gia có nền múa Lân mạnh" - ông Xương nhận định.
Đưa Lân Sư Rồng trở thành bộ môn thể thao, dạy ở trường học
Cũng theo ông Lưu Kiếm Xương, thời gian qua bộ môn nghệ thuật Lân Sư Rồng đã nhận được sự hỗ trợ cũng như quản lý từ Sở VH&TT TP.HCM.
"Múa Lân Sư Rồng trở thành bộ môn thi đấu và Sở VH&TT cũng đã có sự quan tâm để phát triển bộ môn này cũng như cho mượn sân tập, chỉ đạo cách tổ chức, huấn luyện viên, cho mở lớp học tập về luật thi đấu, đào tạo thêm nhiều huấn luyện viên, trọng tài, vận động viên" - ông Xương nói.
Tuy nhiên, để phát triển hơn, theo ông Xương, Lân Sư Rồng cần được đơn giản hóa, nghệ thuật hóa, thể thao hóa và đặc biệt là đảm bảo an toàn.
"Bộ môn này cần được đưa vào trường học, để học sinh, sinh viên có cơ hội tiếp cận như một môn thể thao chính thức, giống như bóng đá hay cầu lông. Ngày trước, người ta biểu diễn Lân Sư Rồng để kiếm sống, nhưng bây giờ chúng ta phải chú trọng hơn vào việc quảng bá và đưa nó vào học đường” - ông Xương đề xuất.
Đồng quan điểm, theo anh Gia Trác Hưng, đoàn Lân Long Nhi Đường, nếu được đưa vào giảng dạy tại các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông dưới hình thức hoạt động thể chất ngoài giờ, học sinh sẽ có cơ hội tiếp cận theo từng cấp độ phù hợp, với giáo án được xây dựng bài bản.
"Sắp tới, Lân Sư Rồng có thể được công nhận là một môn thể thao, nhưng tôi hy vọng nó sẽ còn tiến xa hơn, trở thành một nội dung trong chương trình giáo dục thể chất" - anh Hưng bày tỏ.
Đoàn Long Nhi Đường dưới sự dẫn dắt của anh Gia Trác Hưng đang ngày càng phát triển. Ảnh: NVCC
Cần thêm sự hỗ trợ
Ở góc độ khác, ông Lương Tấn Hằng mong muốn nhận được sự hỗ trợ về mặt bằng tập luyện và biểu diễn.
Đoàn Hằng Anh Đường của ông Lương Tấn Hằng. Ảnh: TƯ LIỆU
"Không chỉ cần địa điểm, mà còn phải có dụng cụ, trang thiết bị. Cần sự kết nối với các đơn vị tài trợ để hỗ trợ kinh phí, bởi hiện nay một con lân có giá khoảng 10 triệu đồng, một con rồng lên đến 20 triệu, thậm chí có những bộ có giá từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng.
Trước đây, một bộ lân có thể sử dụng đến 10 năm, nhưng giờ đây, yêu cầu ngày càng cao, buộc chúng tôi phải mua mới liên tục, trong khi tuổi thọ trung bình của một bộ Lân Sư Rồng hiện chỉ còn khoảng 3 năm. Lân thường mua ở Việt Nam hoặc Trung Quốc, còn rồng chủ yếu được đặt mua trong nước" - ông Hằng chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông Hằng nhấn mạnh sự cần thiết của việc ban hành điều lệ thi đấu chính thức cho Lân Sư Rồng Việt Nam.
"Từ năm 2007, Hiệp hội Lân Sư Rồng Quốc tế đã ban hành luật thi đấu, nhưng Việt Nam chưa kịp cập nhật. Đến năm 2011, thế giới chính thức có bộ luật thi đấu quốc tế, và Việt Nam cũng dựa vào đó để Tổng cục Thể thao ban hành điều lệ riêng vào năm 2013.
Tuy nhiên, đến nay, luật vẫn chưa được thống nhất một cách rõ ràng. Tôi và thầy Lưu Kiếm Xương đã dịch thuật lại bộ luật này sang tiếng Việt, hi vọng sắp tới, Liên đoàn Việt Nam sẽ chính thức ban hành điều lệ thi đấu cho bộ môn này" - ông Hằng bày tỏ.
Cũng theo ông Hằng, khi có bộ luật cụ thể, việc thi đấu sẽ trở nên khách quan, minh bạch hơn, tránh những tranh cãi không đáng có.
"Nếu không đi theo luật quốc tế, bộ môn này sẽ bị giới hạn trong phạm vi nhỏ lẻ, thiếu tiêu chí rõ ràng để đánh giá sự phát triển. Hiện tại, một số giải đấu vẫn còn mang tính cảm tính, thậm chí có lợi ích nhóm, làm ảnh hưởng đến sự chuyên nghiệp của bộ môn. Khi có bộ luật thống nhất, các đơn vị tổ chức sẽ có căn cứ rõ ràng để điều hành giải đấu, tạo điều kiện cho các đội thực lực phát triển mạnh mẽ hơn" - ông Hằng nhấn mạnh.
Tích cực bảo vệ và phát huy nghệ thuật Lân Sư Rồng
Theo ông Trần Thế thuận, Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao TP.HCM, thành phố đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Lân Sư Rồng, bao gồm nghiên cứu, kiểm kê và ghi nhận sự phát triển của loại hình nghệ thuật này.
Lân Sư Rồng TP.HCM mang nhiều bản sắc văn hóa Việt. Ảnh: THUẬN VĂN
"Nghệ thuật Lân Sư Rồng không chỉ mang lại sự vui tươi phấn khởi cho đồng bào người Hoa, đồng bào các dân tộc đang sinh sống tại TP.HCM trong dịp lễ hội, mà còn là các hoạt động ý nghĩa để khẳng định vị thế vai trò của thành phố là nơi hội tụ văn hóa của các vùng miền.
Đồng thời, hoạt động Lân Sư Rồng là nơi giao lưu văn hóa rất có ý nghĩa gắn kết hoạt động của các quốc gia của các quốc gia khu vực Đông Nam Á và Châu Á chính vì vậy thời gian qua TP.HCM đã quan tâm đầu tư và Liên đoàn Lân Sư Rồng TP tham gia các động ở khu vực và thế giới để khẳng định vị thế vai trò của mình" - ông Thuận chia sẻ.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, quảng bá di sản này, theo đại diện Sở VH&TT, một trong những nhiệm vụ trọng tâm sắp tới là triển khai hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú cho những cá nhân có đóng góp xuất sắc trong việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật Lân Sư Rồng.
Ngoài ra, là xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ hợp lý cả về vật chất lẫn tinh thần cũng được nghiên cứu, nhằm khuyến khích các nghệ nhân tiếp tục trao truyền nghệ thuật, thu hút giới trẻ tham gia và góp phần giữ gìn di sản văn hóa đặc sắc này.
TP.HCM có thêm 7 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp TP
Cũng trong sáng 30-3, UBND TP.HCM cùng Sở VH&TT TP.HCM công bố TP.HCM có thêm 7 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp Thành phố.
Trong đó, 3 di tích lịch sử là các đình làng trên địa bàn thành phố Thủ Đức như: Đình thần An Khánh, Đình thần Long Bình và Đình Long Hòa.
UBND TP.HCM cùng Sở VH&TT TP.HCM công bố TP.HCM có thêm 7 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp TP.
Các di tích này không chỉ mang phong cách kiến trúc nghệ thuật đặc trưng của đình làng Nam Bộ mà còn là địa điểm gắn với quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Chợ Tân Định, Đền bà Mariamman, Trường THPT Trưng Vương (quận 1); Trường Đại học Sài Gòn (quận 5) là bốn di tích kiến trúc nghệ thuật thể hiện sự giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Ấn Độ, giữa kiến trúc phương Đông với kiến trúc phương Tây, những giá trị lịch sử - văn hóa trong các công trình trên thể hiện trình độ phát triển trong quá khứ, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
VĂN HÀ
Nguồn PLO : https://plo.vn/lan-su-rong-tphcm-di-san-tram-nam-tren-duong-doi-moi-post841345.html