Đây là lần thứ hai trong vòng 4 tháng, Thủ tướng ban hành Công điện chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất. Trước đó vào ngày 21/8/2024, Công điện số 82/CĐ-TTg được ban hành ngay sau những phiên đấu giá có số người tham gia kỷ lục và giá trúng cao bất thường tại hai cuộc đấu giá ở xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai và xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức. Đây cũng là nội dung được Đài Hà Nội nhiều lần phân tích, đề cập.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu giá đất
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu giá quyền sử dụng đất, góp phần lành mạnh hóa thị trường bất động sản, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tại Công điện 134/CĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất.
Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị khu vực tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất và các khu vực lân cận; có biện pháp bảo đảm nguồn cung bất động sản nhà ở, đất ở phù hợp với khả năng tiếp cận và thanh toán của đại đa số người dân có nhu cầu, khắc phục tình trạng mất cân đối cung-cầu trên thị trường bất động sản.
Trước khi xác định giá khởi điểm theo bảng giá đất phục vụ công tác đấu giá quyền sử dụng đất phải tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung giá đất tương ứng trong bảng giá đất tại khu vực, vị trí tổ chức đấu giá theo quy định của pháp luật về đất đai, bảo đảm giá khởi điểm đưa ra đấu giá phải phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng đã đầu tư và mặt bằng giá đất thực tế tại khu vực tổ chức đấu giá.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chỉ đạo việc xây dựng phương án đấu giá quyền sử dụng đất phải bảo đảm chặt chẽ, khoa học, có sự kiểm soát của cơ quan chức năng, tránh tình trạng lợi dụng việc đấu giá để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường, trong đó lưu ý về quy định rút ngắn thời hạn nộp tiền trúng đấu giá, xác định mức tiền phải nộp lần đầu phù hợp để hạn chế tình trạng bỏ cọc; chỉ đạo đơn vị được giao tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản lựa chọn hình thức, phương thức đấu giá phù hợp để hạn chế hành vi thông đồng, dìm giá hoặc thổi giá.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng rà soát nhu cầu đất ở tại địa phương, lập quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu đất dự kiến tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất; đồng thời xem xét bố trí quỹ đất phù hợp để thực hiện giao đất tái định cư, giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất cho các đối tượng quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 3 Điều 124 của Luật Đất đai năm 2024.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để bảo đảm công khai, minh bạch; căn cứ quy định của pháp luật hiện hành, có biện pháp phù hợp để quản lý chặt chẽ thông tin về lịch sử tham gia đấu giá và dòng tiền trong tài khoản thanh toán của người trúng đấu giá, nhất là các trường hợp có biểu hiện bất thường trong đấu giá như: một người hoặc nhóm người đăng ký đấu giá nhiều thửa đất trong cùng một khu đất đấu giá, người tham gia đấu giá bỏ giá cao bất thường hoặc trúng giá cao nhưng bỏ cọc… nhằm hạn chế các hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra.
Hoàn thiện quy định của pháp luật về đấu giá đất
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước pháp luật và Thủ tướng Chính phủ trong việc tổ chức, thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của các bên liên quan.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để bảo đảm công khai, minh bạch.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với bộ trưởng các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Xây dựng và chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, hoàn thiện quy định của pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất, thực hiện chuyển đổi số trong công tác đấu giá tài sản (bao gồm cả đấu giá quyền sử dụng đất) để đảm bảo đầy đủ thông tin công khai, minh bạch, chặt chẽ, khoa học, tránh bị lợi dụng trong quá trình tham gia và thực hiện đấu giá tài sản, trong đó có đấu giá quyền sử dụng đất; bổ sung chế tài xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đấu giá, nhất là các hành vi thông đồng, dìm giá, thổi giá, thao túng giá, lợi dụng đấu giá để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường; bổ sung quy định điều kiện hạn chế cho phép tham gia đối với người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất mà trước đó đã có các hành vi vi phạm hoặc cố ý bỏ cọc nhằm trục lợi.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm sai phạm
Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với bộ trưởng các bộ: Tư pháp, Tài chính, Xây dựng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường; kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; đồng thời xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất, nhất là hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
Đấu giá đất dường như đang trở “sân chơi riêng” của những người đấu giá chuyên nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, đánh giá cụ thể các tác động của kết quả đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua (nhất là các trường hợp có kết quả đấu giá cao bất thường, gấp nhiều lần giá khởi điểm) đến mặt bằng giá đất ở, nhà ở, thị trường bất động sản; chủ động giải quyết theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền các biện pháp để hạn chế tác động tiêu cực (nếu có), góp phần điều tiết, bình ổn, phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, báo cáo kết quả với Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và công an các địa phương chủ động nắm tình hình, phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất.
Các cơ quan chức năng chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất, nhất là các hành vi thông đồng, cấu kết để dìm giá hoặc thổi giá, thao túng giá để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp theo dõi, chỉ đạo việc thực hiện Công điện này. Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ thường xuyên theo dõi tình hình, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách những vấn đề đột xuất, phát sinh.
Khắc phục bất cập, bịt kín kẽ hở trong đấu giá đất
Những bất cập, sự bất thường trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất đã được Đài Hà Nội chỉ rõ trong suốt thời gian dài vừa qua. Thực tế, sau Công điện số 82/CĐ-TTg, công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại một số địa phương vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định như hiện tượng người tham gia đấu giá trả giá cao bất thường, có dấu hiệu "thổi giá" hoặc thông đồng, cấu kết thao túng giá để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.
Công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại một số địa phương vẫn còn những tồn tại, hạn chế
Không chỉ thông đồng thổi giá nhằm kích sóng đất nền rồi bỏ cọc, nhiều đối tượng còn sẵn sàng phá hoại đấu giá đất nếu không đạt được mục tiêu. Đấu giá đất dường như đang trở “sân chơi riêng” của những người đấu giá chuyên nghiệp. Trả giá rất cao rồi bỏ cọc - điển hình là cuộc đấu giá 68 thửa đất ở xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai tổ chức ngày 10/8. Thửa cao nhất có giá hơn 103 triệu đồng/m², thấp nhất cũng gần 100 triệu đồng/m². Nhưng đến hạn nộp tiền 80% trường hợp bỏ cọc.
Liên tiếp các cuộc đấu giá sau đó, nhiều thửa đất bị đẩy cao phi lý: xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức thửa cao nhất được đẩy lên tới trên 133 triệu đồng/m²; huyện Phúc Thọ: 75 triệu đồng/m²; quận Hà Đông: 262 triệu đồng/m². Cao phi lý như vậy nhưng nhiều thửa vẫn được rao bán chênh. Từ đây chiêu trò “trả giá cao, tạo sốt ảo, kích sóng đất nền” bị chỉ ra. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “nhà nhà” đi đấu giá đất để lướt sóng kiếm lời là do giá khởi điểm được áp dụng quá thấp so với giá thị trường.
Tổ chức đấu giá nhiều vòng được các quận, huyện áp dụng nhằm ngăn chặn thông đồng, trúng với giá thấp. Tuy nhiên điều này lại tạo cơ hội cho người tham gia đấu giá gặp nhau, trao đổi, bàn bạc. Việc thổi giá, tạo sốt ảo, kích sóng để đẩy hàng tồn xung quanh đã xuất hiện. Bắt đầu từ thời điểm ngày 10/8/2024, phiên đấu giá 68 thửa đất ở thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai với nhiều kỷ lục được thiết lập. 1.500 người tham dự với 4.200 hồ sơ. Giá trúng cao nhất được đẩy lên mức 103,3 triệu đồng/m².
Tiếp đến ngày 19/8, cuộc đấu giá 19 thửa đất ở xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức cũng gây sốc dư luận khi đấu xuyên đêm với ròng rã 18 tiếng. Hơn chục thửa đất đã trúng với mức trên 100 triệu đồng/m², trong đó lô cao nhất là 133,3 triệu đồng/m². Liên tục các huyện ngoại thành đấu giá đều ghi nhận mức cao phi lý.
Cuộc đấu giá 13 thửa đất tại khu Dộc Tranh, xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ được tổ chức vào ngày 16/9, thửa đất cao nhất được trả lên tới 75 triệu đồng/m². Phiên đấu giá đất ngày 19/10/2024 tại quận Hà Đông kết thúc sau 15 giờ đồng hồ với lô đất trúng cao nhất lên tới 262 triệu đồng/m².
Điều phi lý là hầu hết các thửa đất dù được trả giá rất cao đều được rao bán chênh cả trăm triệu đồng. Đất nền xung quanh khu vực đấu giá cũng được kích nóng, tăng phi mã tiệm cận với mức đấu giá. Một bất cập lớn trong cuộc đấu giá trên là khách hàng không bị mất tiền cọc dù có hành vi trả giá cao ở vòng đấu trước rồi bỏ ngang hoặc điền phiếu trả giá không hợp lệ ở vòng đấu sau... Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá đấu giá đất như ở Sóc Sơn và Thanh Oai.
Nhiều ý kiến cho rằng, các địa phương cần khẩn trương xây dựng bảng giá đất mới; đồng thời nghiên cứu ban hành những quy định chặt chẽ như: phải cam kết về thời gian xây dựng nhà ở trên đất; từ 1-2 năm sau khi trúng đấu giá mới được phép chuyển nhượng. Quan trọng hơn phải tăng cường chế tài, xử lý nghiêm minh những đối tượng có hành vi thao túng, lũng đoạn thị trường.
Sơn Hải