Lan tỏa các mô hình sáng tạo trong công tác phòng, chống tội phạm

Lan tỏa các mô hình sáng tạo trong công tác phòng, chống tội phạm
4 giờ trướcBài gốc
Cùng với thực hiện mô hình "Tiếng loa Biên phòng", cán bộ Đồn Biên phòng Sông Trăng cùng các lực lượng chức năng kết hợp phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho nhân dân trên địa bàn. Ảnh: Đơn vị cung cấp
Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được BĐBP Lạng Sơn xác định là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài, gắn liền với nhiệm vụ chính trị và các phong trào thi đua. Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, BĐBP Lạng Sơn đã cụ thể hóa bằng các nội dung đột phá, trong đó nổi bật là mô hình “Hợp sức toàn dân tấn công tội phạm” tại khu vực biên giới tỉnh Lạng Sơn.
Đây là cách làm sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa bàn, huy động sự tham gia tích cực của quần chúng nhân dân, gắn kết chặt chẽ giữa lực lượng Biên phòng và đồng bào các dân tộc trong việc cung cấp thông tin, đấu tranh và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật.
Triển khai mô hình “Hợp sức toàn dân tấn công tội phạm”, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy BĐBP Lạng Sơn đã có những bước đi bài bản, cụ thể. Ban Chỉ đạo được thành lập và hướng dẫn triển khai mô hình một cách chi tiết, tạo cơ sở để các đơn vị triển khai đồng bộ và hiệu quả. Đồng thời, kế hoạch phối hợp với các lực lượng chức năng như Công an, dân quân xã, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh và các nhà trường trên địa bàn cũng được xây dựng, nhằm tạo phong trào rộng khắp trong công tác phòng, chống tội phạm.
Hình thức tuyên truyền trong mô hình rất đa dạng và sáng tạo. Các đơn vị thuộc BĐBP Lạng Sơn đã tổ chức nhiều buổi tọa đàm “Cán bộ, hội viên phụ nữ xã biên giới đấu tranh phòng, chống tội phạm, xây dựng gia đình hạnh phúc” và diễn đàn “Cán bộ, đoàn viên, thanh niên xã biên giới nói không với ma túy”. Những hoạt động này đã thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, đoàn viên, học sinh và nhân dân tham gia, từ đó nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ an ninh trật tự ở khu vực biên giới.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, các đồn Biên phòng trên địa bàn biên giới tỉnh Lạng Sơn còn phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các buổi sinh hoạt tại thôn, bản, khu dân cư. Tại đây, những trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, hành vi sai trái hoặc gây mất an ninh trật tự được phát giác, kiểm điểm và phê bình. Cách làm này giúp ngăn chặn kịp thời các hành vi tiêu cực, không để tình hình phức tạp kéo dài hay hình thành điểm nóng.
Đặc biệt, trong khuôn khổ thực hiện mô hình “Hợp sức toàn dân tấn công tội phạm”, 21 Tổ thông tin truyền thông của các đồn Biên phòng và các xã, thị trấn biên giới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã được thành lập. Các tổ này đảm nhận nhiệm vụ quan trọng trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và bảo vệ an ninh trật tự khu vực biên giới. Nhờ hoạt động hiệu quả của các Tổ thông tin truyền thông, các đơn vị Biên phòng đã nhận được hàng nghìn tin báo từ nhân dân liên quan đến tình hình an ninh trật tự. Đặc biệt, trong số đó có nhiều tin tức giá trị, đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện, đấu tranh và phá thành công các chuyên án, vụ án.
Đây là minh chứng rõ nét cho sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng Biên phòng và quần chúng nhân dân, đồng thời khẳng định tính hiệu quả của việc xây dựng "thế trận lòng dân", góp phần giữ gìn an ninh quốc gia và đảm bảo cuộc sống bình yên cho cộng đồng dân cư ở vùng biên giới.
Xuất phát từ thực tế triển khai công tác tuyên truyền trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, nhiều đơn vị BĐBP trên các tuyến biên giới đã triển khai thực hiện mô hình “Tiếng loa Biên phòng”. Đây là giải pháp hiệu quả trong bối cảnh hạ tầng cơ sở tại một số khu vực biên giới còn hạn chế, đi lại khó khăn và hệ thống loa truyền thanh của địa phương chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu thông tin của người dân. Việc sử dụng loa kéo cùng với phương tiện di chuyển linh hoạt như xe máy hoặc thuyền máy cho phép lực lượng Biên phòng tiếp cận nhiều nơi, kể cả các khu vực hẻo lánh, ven sông, nơi hệ thống truyền thông cố định không thể hoạt động hiệu quả.
Cách làm này không chỉ tiết kiệm chi phí, mà còn dễ dàng triển khai nhanh chóng, đáp ứng được nhu cầu cấp bách trong việc truyền tải các thông tin quan trọng. Với phương châm tuyên truyền “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà”, mô hình “Tiếng loa Biên phòng” không chỉ góp phần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, mà còn trở thành phương tiện thông tin gần gũi, hiệu quả đối với nhân dân vùng biên.
Đồn Biên phòng Sông Trăng, BĐBP Long An là một trong những đơn vị thực hiện hiệu quả mô hình “Tiếng loa Biên phòng”. Trung tá Phạm Văn Toàn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sông Trăng cho biết: “Được triển khai từ năm 2020, mô hình “Tiếng loa Biên phòng” đã mang lại hiệu quả tích cực trong công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đặc biệt, truyền tải các nội dung liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, phòng, chống tội phạm tới đông đảo nhân dân”.
Để phát huy cao nhất hiệu quả của mô hình này, Đồn Biên phòng Sông Trăng đã chủ động xây dựng file âm thanh với nội dung phù hợp với địa bàn, đối tượng ở khu vực biên giới như: Luật Biên giới quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam...
Thực hiện mô hình “Tiếng loa Biên phòng”, Đồn Biên phòng Sông Trăng đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể địa phương đến các khu dân cư, nơi bà con lao động sản xuất để phát loa tuyên truyền, đồng thời sử dụng tờ rơi minh họa và giải thích thêm những vấn đề mà nhân dân chưa hiểu, chưa nắm được. Từ đó, vận động nhân dân chấp hành nghiêm pháp luật, tích cực tham gia cùng BĐBP đấu tranh tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo vệ sự bình yên ở khu vực biên giới.
Tuấn Khang
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/lan-toa-cac-mo-hinh-sang-tao-trong-cong-tac-phong-chong-toi-pham-post485752.html