Nghệ nhân Lê Đình Nghiên (thứ hai từ trái sang) giới thiệu về tranh Hàng Trống trong triển lãm Phục hồi tại đình Nam Hương, quận Hoàn Kiếm.
Trước kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Ủy ban nhân dân (UBND) quận Hoàn Kiếm, UBND phường Hàng Trống khai mạc triển lãm tranh Hàng Trống mang tên “Phục hồi”. Triển lãm chỉ có 5 bức tranh của Nghệ nhân Lê Đình Nghiên. Nhưng điều thú vị, mỗi bức tranh là một câu chuyện dài. Độc đáo nhất là hai bức Mẫu Thượng Ngàn và Tứ phủ Ông Hoàng. Đây vốn là hai bức tranh của cố nghệ nhân Lê Đình Liệu vẽ theo đặt hàng của chùa Kim Liên năm 1942. Nghệ nhân Lê Đình Nghiên nhớ lại: “Khi nhà chùa chuyển sang dùng tượng gỗ để thờ thì hai bức này không còn quan trọng nữa. Tình cờ biết được đây là hai bức tranh do chính cha tôi vẽ, cho nên tôi đã xin nhà chùa cho thỉnh tranh về. Hai bức tranh được vẽ trên nền tôn, một chất liệu rất đặc biệt, bởi bình thường tranh được vẽ trên giấy dó”, có khổ lớn, nhuốm màu thời gian và trở thành những bảo vật của dòng tranh Hàng Trống. Với sự hỗ trợ, phối hợp của UBND phường Hàng Trống, Nghệ nhân Lê Đình Nghiên đã phục hồi hai bức tranh này trên chất liệu giấy dó.
Trong hai mẫu này, tranh Tứ phủ Ông Hoàng là một mẫu khá hiếm gặp. Nghệ nhân Lê Đình Nghiên cho biết, do thời gian, mẫu tranh cũ đã mờ, phải có hiểu biết về tranh Hàng Trống cũng như tín ngưỡng thờ mẫu mới hiểu và thể hiện có hồn từng nhân vật, từng chi tiết trong tranh.
Những tác phẩm khác cũng có lịch sử thú vị không kém. Bức Ngũ vị tiên cô - một trong những tác phẩm được tác giả người Pháp Maurice Durand đưa vào cuốn Tranh dân gian Việt Nam-Sưu tầm và nghiên cứu. Tác phẩm này được một đại diện nhãn hiệu thời trang tại Việt Nam đánh giá cao và lựa chọn để Nghệ nhân Lê Đình Nghiên phục hồi. Tương tự, hai tác phẩm tranh Chữ Phúc và Tố nữ đều được Nghệ nhân Lê Đình Nghiên vẽ lại từ những tư liệu nước ngoài. Trong đó, tranh Chữ Phúc xuất hiện trong một cuốn tạp chí của Pháp, còn tranh Tố nữ vẽ theo một mẫu tranh cổ của nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa. Bức Tố nữ mô tả bốn cô gái, với những công việc khác nhau, thể hiện bốn đức tính được cho là chuẩn mực của người phụ nữ xưa là: Công, dung, ngôn, hạnh.
Cũng trong dịp này, phường Hàng Trống phối hợp Trường tiểu học Tràng An giới thiệu cuốn sách điện tử Tranh dân gian Hàng Trống. Cuốn sách khá tiện lợi khi có thể sử dụng trên điện thoại hoặc máy tính bảng. Đây là bước tiến mới trong lan tỏa giá trị tranh Hàng Trống đến cộng đồng.
Đã từng có thời gian tranh Hàng Trống bị xóa khỏi ký ức của nhiều người, cả dòng tranh xưa, chỉ còn mình gia đình Nghệ nhân Lê Đình Nghiên gắn bó. Nhưng với nỗ lực của chính quyền quận Hoàn Kiếm, phường Hàng Trống, tranh Hàng Trống ngày càng được biết đến nhiều hơn. Di tích đình Nam Hương trở thành không gian trưng bày, giới thiệu tranh Hàng Trống thường xuyên. Tại đây diễn ra nhiều cuộc tương tác giữa Nghệ nhân Lê Đình Nghiên với các nghệ sĩ trẻ, giúp khơi nguồn sáng tạo từ tranh Hàng Trống trên các chất liệu mới như: Họa kim sa, tranh lụa, tranh sơn mài… Từ cuối năm 2024, Đoàn Thanh niên phường Hàng Trống đã bố trí một thanh niên tình nguyện luôn có mặt tại không gian trưng bày tranh để thuyết minh, giới thiệu đến du khách trong nước và quốc tế về dòng tranh này.
GIANG NAM