“Sống xanh” là cách trực tiếp giảm thiểu lượng khí thải carbon (nguyên nhân gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu) nói riêng và tổng lượng khí thải trên toàn cầu nói chung. Ô nhiễm không khí, môi trường sống ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, đời sống của con người. Do đó, để chung tay BVMT và từng bước lan tỏa “sống xanh” thời gian qua Trường Mầm non Khổng Lào (xã Khổng Lào, huyện Phong Thổ) đẩy mạnh đưa việc tái chế rác thải nhựa vào các tiết học, hoạt động ngoài giờ lên lớp cho trẻ.
Chị Vương Thúy Hằng – Hiệu trưởng Trường Mầm non Khổng Lào cho biết: Đầu năm học nhà trường thường tổ chức làm đồ dùng học tập và trang trí lớp học, các cô sẽ tận dụng các chai lọ nhựa, thùng xốp, bìa cát tông để làm những đồ dùng như: lọ, chậu trồng hoa; cắt hoa, ngôi sao trang trí; làm giá để sách, hộp đựng bút, đựng bóng; làm thùng rác… Qua các tiết học và hoạt động ngoại khóa nhà trường mời phụ huynh cùng tham gia và tuyên truyền cho trẻ, phụ huynh về tác hại của rác thải nhựa, vận động trẻ không vứt rác bừa bãi và hướng dẫn trẻ, phụ huynh cách làm các đồ vật từ lọ nhựa, bìa cát tông. Từ đó, tạo lan tỏa lối “sống xanh” tới trẻ, phụ huynh, giáo viên và mọi người.
Không gian sống cũng là yếu tố quan trọng xây dựng một lối sống lành mạnh, trong lành. Vì vậy để BVMT, xây dựng và hình thành lối “sống xanh” cho đoàn viên thanh niên trên địa bàn. Thời gian qua, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn huyện Phong Thổ tích cực triển khai nhiều hoạt động như: tổ chức ra quân đồng loạt "Ngày chủ nhật xanh" với các hoạt động: trồng cây xanh, dọn vệ sinh, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm.
Đoàn viên thanh niên thị trấn Phong Thổ (huyện Phong Thổ) ra quân thu gom rác, dọn dẹp môi trường.
Chị Thùng Thị Tâm, Bí thư Huyện đoàn chia sẻ: Năm 2024, các cấp bộ Đoàn đã phối hợp trồng hơn 4.000 cây xanh. Kết nối và kêu gọi thiện nguyện đầu tư vốn xây dựng 14 công trình “Đường điện thắp sáng thôn, bản” gồm 431 bóng đèn năng lượng mặt trời. Đoàn xã Bản Lang xây dựng 2 công trình “Hành trình thứ 2 của lốp xe” bằng cách tái chế những chiếc lốp xe cũ thành biển quảng cáo với các thông điệp về BVMT, giữ gìn an ninh trật tự tại trung tâm xã. Đồng thời tăng cường phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể lồng ghép tuyên truyền với các cuộc họp bản về tác hại của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu; ý nghĩa của việc "sống xanh" bằng những hành động thiết thực như: trồng cây xanh; tái chế chai lọ nhựa; không vứt rác bừa bãi...
Chi hội phụ nữ bản Phai Cát, xã Khổng Lào quét dọn vệ sinh đường nội bản.
Bên cạnh đó, để sống xanh lan tỏa trong cộng đồng, thời gian qua các tổ chức hội, đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng chú trọng công tác tuyên truyền và phát động thực hiện trồng cây xanh, giữ gìn vệ sinh môi trường nơi công cộng. Điển hình như: Hội Phụ nữ các cấp phối hợp với các cơ quan, đơn vị lồng ghép tuyên truyền về BVMT, "sống xanh" gắn với thực hiện Cuộc vận động xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch" với hàng trăm buổi tuyên truyền, phân công các đoạn đường do chi hội phụ nữ các bản tự quản xanh - sạch - đẹp... Qua đó, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của từng cá nhân, cộng đồng trong việc BVMT.
Còn đối với Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ), thời gian qua Chi đoàn Đồn đã triển khai mô hình “ngôi nhà xanh” thu gom rác tái chế. Ngoài ra, còn tận dụng các chai lọ nhựa để trồng hoa, làm ô roa tưới cây cảnh. Thực hiện tiết kiệm điện, nước, sử dụng các vật dụng thân thiện với môi trường…
Chiến sĩ Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ trồng và chăm sóc cây xanh góp phần BVMT, hướng tới một cuộc sống xanh - sạch.
Lối “sống xanh” còn được người dân thể hiện qua việc lựa chọn đồ ăn, thức uống xanh-sạch nhưng cũng phải vừa đủ, tiết kiệm. Hòa nhịp “sống xanh” chị Trần Thị Lệ - Chủ cửa hàng bán thịt lợn tại chợ Tân Phong, thành phố Lai Châu chia sẻ: Tiêu chí lựa chọn lợn “sạch” được tôi đặt lên hàng đầu. Vì vậy, hằng ngày tôi sẽ tới các bản, làng trên địa bàn để thu mua lợn “sạch” là không dùng chất kích thích tăng trưởng, không dùng chất bảo quản thịt. Thịt lợn tôi bán trong ngày và khi giết mổ lợn cũng đảm bảo vệ sinh môi trường. Nhờ đó, khách hàng ưa chuộng sản phẩm thịt lợn của cửa hàng tôi.
Còn đối với chị Lương Thị Tuyết (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) chị lại chọn “sống xanh” bằng cách tích cực trồng rau, cây cảnh và tái chế các chai lọ, nhựa, thủy tinh. Chị Tuyết chia sẻ: Trên sân thượng, xung quanh nhà tôi đều trồng hoa, cây cảnh và các loại rau xanh bằng các thùng xốp, thùng nhựa làm từ rác thải nhựa tái chế. Tôi còn dùng các chai lọ, túi nilon đã qua sử dụng để làm những tiểu cảnh trang trí cho vườn rau và làm thành từng viên gạch để bước đi trong vườn rau cho sạch sẽ. Dùng các sản phẩm phân bón hữu cơ theo đúng liều lượng. Hằng ngày chăm và ngắm nhìn vườn rau xanh tôi thấy rất vui, tạo môi trường xanh-sạch-đẹp.
Với những việc làm như: trồng cây xanh, hoa; tái chế chai lọ nhựa; sử dụng và nuôi trồng thực phẩm “sạch”; tiết kiệm điện, nước, thực phẩm… tuy đơn giản nhưng lại là bí quyết giúp mọi người, mọi nhà có thể “sống xanh” hơn trong cuộc sống hàng ngày và đặc biệt hơn là sống có trách nhiệm, góp phần xây dựng môi trường sống xanh-sạch.
Vương Trang