Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Hồ Văn Mười, Trưởng ban BCĐ về phát triển khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Lâm Đồng
Nhiệm vụ chính trị trong kỷ nguyên số
Trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, việc phổ cập kỹ năng số cơ bản cho toàn dân đã trở thành một yêu cầu tất yếu. Đây không chỉ là nhiệm vụ trước mắt, mà còn là bước đi chiến lược để hình thành xã hội số, công dân số, quốc gia số. Phong trào “Bình dân học vụ số” ra đời với sứ mệnh lớn lao: giúp mọi người dân, dù ở thành thị hay nông thôn, vùng sâu hay biên giới, dù là thanh niên hay người cao tuổi đêùcó thể tiếp cận, hiểu và sử dụng công nghệ trong cuộc sống thường nhật.
Tại Lâm Đồng, sau quá trình sáp nhập và mở rộng địa giới hành chính, yêu cầu quản lý rộng hơn, dân số đa dạng hơn đặt ra thách thức không nhỏ trong việc nâng cao hiệu quả phục vụ người dân. Và trong chính giai đoạn này, nếu người dân không có kỹ năng số, họ sẽ bị đứng ngoài lề của quá trình hiện đại hóa. Chính vì vậy mà phong trào “Bình dân học vụ số” trở thành lời giải kịp thời và thiết thực, giúp mọi người không bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên số.
Nhằm triển khai thực hiện hiệu quả phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ đã đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp đẩy mạnh phong trào học tập, phổ cập kỹ năng số cơ bản với nhiều nội dung. Cụ thể, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần phổ biến tài liệu hướng dẫn sử dụng nền tảng bình dân học vụ số tại địa chỉ https://binhdanhocvuso.gov.vn; đăng tải liên kết đến chuyên trang Sổ tay “Bình dân học vụ số” tỉnh Lâm Đồng (https://binhdanhocvuso.lamdong.gov.vn) tại vị trí phù hợp trên Cổng/trang thông tin điện tử và phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội (Zalo, Facebook,…) của cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, phát động phong trào học tập, phổ cập kỹ năng số cơ bản đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, hội viên, học sinh, sinh viên… thông qua nền tảng bình dân học vụ và chuyên trang Sổ tay “Bình dân học vụ số” tỉnh Lâm Đồng nêu trên.
Ngoài ra, Sở Khoa học và Công nghệ cũng đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo các Tổ Công nghệ số cộng đồng, hệ thống thông tin cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân trên địa bàn tích cực tham gia học tập thông qua nền tảng bình dân học vụ số và chuyên trang Sổ tay “Bình dân học vụ số” tỉnh Lâm Đồng để phổ cập kỹ năng số cơ bản của người dân.Tỉnh đoàn phát động phong trào trong toàn hệ thống Đoàn, khơi dậy tinh thần học tập kỹ năng số trong lực lượng thanh niên. Báo chí, đài phát thanh truyền hình tỉnh triển khai chương trình truyền hình hướng dẫn sử dụng nền tảng học tập số và lan tỏa thông tin tới mọi tầng lớp nhân dân.
Hành động của Đoàn
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đoàn, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Lâm Đồng, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Lâm Đồng đã chủ động triển khai sâu rộng phong trào “Bình dân học vụ số” trên toàn tỉnh, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động và chuyển đổi số tại địa phương. Bằng tinh thần xung kích, trách nhiệm, các đội hình thanh niên tình nguyện đã và đang góp phần đưa tri thức số đến tận vùng sâu, vùng xa, giúp người dân tiếp cận dịch vụ công một cách thuận tiện, nhanh chóng và hiệu quả. Tỉnh đoàn Lâm Đồng đã chỉ đạo thành lập và duy trì 132 đội hình thanh niên tình nguyện với hơn 1.400 tình nguyện viên, triển khai hỗ trợ tại 124 xã, phường và đặc khu. Các đội hình đã trực tiếp hỗ trợ tiếp nhận gần 3.900 hồ sơ tại các Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã, giúp người dân chỉnh lý, số hóa dữ liệu, cài đặt ứng dụng VNeID, khai báo trên các nền tảng số ngành nghề như thuế, bảo hiểm, y tế, giáo dục…
Riêng tại các địa phương có đặc thù biên giới, 6 đội hình với 39 tình nguyện viên đã hỗ trợ vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp, xử lý hiệu quả hơn 700 hồ sơ trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, sự tham gia tích cực của 7 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn với tổng cộng 8 đội hình hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến đã tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng sinh viên. Các trường như Đại học Đà Lạt, Đại học Yersin, Cao đẳng Y tế Lâm Đồng… đã phát huy tốt vai trò lực lượng tri thức trẻ, hỗ trợ xử lý hàng trăm hồ sơ, hướng dẫn người dân thao tác trên các nền tảng số.
Song song với hoạt động thực tế, Tỉnh đoàn Lâm Đồng cũng đặc biệt chú trọng đến tập huấn kỹ năng cho thanh niên tình nguyện. 100% các đoàn xã, phường, đặc khu và các trường đại học, cao đẳng đã tham gia hội nghị tập huấn do Trung ương Đoàn tổ chức, nhằm nâng cao năng lực triển khai các nội dung chuyển đổi số cơ sở. Các bạn trẻ không chỉ thực hiện nhiệm vụ “hướng dẫn, hỗ trợ” mà còn là người truyền cảm hứng học tập kỹ năng số trong cộng đồng dân cư, nhất là ở vùng khó khăn.
Phong trào ‘Bình dân học vụ số’ chính là sự tiếp nối tinh thần cách mạng tri thức của dân tộc trong bối cảnh mới. Đây là nhiệm vụ mà tuổi trẻ Lâm Đồng nhận thức rõ trách nhiệm và sẵn sàng tiên phong. Chúng tôi xác định đây không phải là hoạt động mang tính phong trào, mà là một phần thiết yếu trong hành trình xây dựng công dân số, xã hội số và quốc gia số trong tương lai gần.
Bí thư Tỉnh đoàn Trương Minh Quang cho biết
“Xóa mù” số không phải là đích đến, mà là bước khởi đầu để mỗi công dân làm chủ thời đại số, từ đó góp phần đưa Lâm Đồng cùng với cả nước tiến nhanh hơn trên hành trình phát triển bền vững, hiện đại và toàn diện. Để làm được điều đó cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cấp chính quyền, sự đồng hành của lực lượng thanh niên và sự chủ động học tập từ chính mỗi người dân.
Thanh Nhàn