Ngày càng có nhiều tập thể, cá nhân trưởng thành từ cơ sở, tiêu biểu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, có nhiều mô hình, cách làm thiết thực, hiệu quả và lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.
“Cầu nối” ở cơ sở
Gần 30 năm qua, ông Trần Khanh (72 tuổi), ở thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) đã âm thầm, bền bỉ thực hiện công việc thiện nguyện, trở thành cầu nối giữa các nhà hảo tâm và những mảnh đời bất hạnh trên địa bàn huyện. Không quản nắng mưa, cứ nghe ở đâu có hoàn cảnh khó khăn, ông đều tìm đến tận nơi, thăm hỏi, động viên và ghi lại hình ảnh thực tế bằng chiếc máy ảnh nhỏ luôn mang theo bên mình. Những hình ảnh ấy sau đó được ông chia sẻ lên mạng xã hội để kêu gọi sự giúp đỡ.
Tổ Phụ nữ hưu trí ở xã Long Hiệp (Minh Long) cùng với chính quyền, Mặt trận và các hội, đoàn thể địa phương hỗ trợ sửa chữa nhà cho em Đinh Văn Quân, ở thôn Trung Thượng, xã Long Mai. Ảnh: H.THU
Với thâm niên nhiều năm công tác ở Hội Chữ thập đỏ thị trấn Châu Ổ, ông Khanh luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm, minh bạch, cẩn trọng trong mọi hoạt động. Mỗi khi nhận được sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, ông trực tiếp trao tận tay cho người cần giúp đỡ và chụp lại hình ảnh làm bằng chứng, gửi lại cho người đóng góp. Chính sự uy tín và trách nhiệm ấy đã giúp ông tạo được niềm tin trong cộng đồng và nhận được sự đồng hành lâu dài từ nhiều tổ chức, cá nhân. Từ năm 2018 đến nay, ông Khanh vận động tài trợ thực hiện chương trình “Tiếp sức đến trường”, hỗ trợ thường xuyên cho 126 học sinh nghèo, với tổng số tiền khoảng 400 triệu đồng; mỗi năm vận động trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, với tổng số tiền hơn 300 triệu đồng; vận động hỗ trợ tiền gạo ăn và quà thường xuyên hằng quý cho người nghèo, người già neo đơn, với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng...
Dù tuổi đã cao nhưng ông Khanh vẫn chưa từng nghĩ đến việc dừng lại. Hành trình gần 30 năm “gõ cửa trái tim” những tấm lòng hảo tâm và mang yêu thương đến với người nghèo của ông Khanh là minh chứng sống động cho tinh thần nhân ái, sẻ chia và trách nhiệm với cộng đồng.
Ở huyện Lý Sơn, chị Nguyễn Thị Ru Tơ (34 tuổi), ở thôn Tây An Vĩnh, cũng được người dân trên đảo quý mến bởi tấm lòng thiện nguyện. “Gia đình tôi trước kia rất nghèo. Lúc ấy, tôi đã nhận được sự giúp đỡ của hàng xóm, họ hàng. Sự giúp đỡ dù là vật chất hay tinh thần, tôi đều thấy ấm lòng và biết ơn lắm. Cuộc sống hiện giờ vẫn còn khó khăn, nhưng tôi vẫn mong muốn được sẻ chia với những hoàn cảnh ốm đau, ngặt nghèo, bởi họ cũng sẽ mừng như tôi trước đây khi được giúp đỡ”, chị Tơ bộc bạch.
Chị Nguyễn Thị Ru Tơ, ở thôn Tây An Vĩnh (Lý Sơn), kêu gọi quyên góp quần áo cho trẻ em miền núi. Ảnh: TRUNG ÂN
Nhờ lượng tương tác lớn từ công việc kinh doanh trên mạng xã hội, được nhiều người biết, nên khi biết trường hợp nào cần sự giúp đỡ, chị Tơ đến tận nhà tìm hiểu, xác minh và đăng bài lên mạng xã hội để kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người. Số tiền ủng hộ từng trường hợp, chị Tơ đều công khai nên nhận được sự ủng hộ, tin tưởng của nhà hảo tâm. Nhờ đó, đã có rất nhiều trường hợp được giúp đỡ kịp thời. Như trường hợp của anh Phạm Văn Viễn, ở thôn Đông An Vĩnh, vợ mất để lại 2 con nhỏ đang tuổi ăn học, trong khi anh Viễn sức khỏe yếu, công việc không ổn định. Chị Tơ đã vận động các nhà hảo tâm ủng hộ số tiền gần 75 triệu đồng. Chị Tơ trích 20 triệu để anh Viễn có vốn làm ăn, nuôi con; số tiền còn lại chị làm sổ tiết kiệm đứng tên anh Viễn, phòng trường hợp cấp thiết cần dùng đến.
Một trường hợp khác cũng được giúp đỡ kịp thời. Đó là em Nguyễn Văn Hùng, ở thôn Đông An Vĩnh, bị tai nạn giao thông, bác sĩ chẩn đoán chấn thương sọ não. Sau khi nghe thông tin, chị Tơ đã đứng ra kêu gọi với số tiền 61 triệu đồng, giúp gia đình Hùng có thêm kinh phí chữa trị. Ông Nguyễn Dũng, ba của Hùng xúc động nói, ngày nhận được tin con trai gặp nạn, gia đình tôi rất sốc và đau buồn. Nhờ có số tiền quyên góp của nhà hảo tâm, con trai tôi được cứu chữa kịp thời. Con trai tôi như được tái sinh một lần nữa, không biết nói gì hơn, chỉ biết cảm ơn cháu Tơ và các nhà hảo tâm.
“Tôi biết việc làm của mình dù là nhỏ bé, nhưng tôi mong sẽ có thêm nhiều tổ chức, cá nhân đồng hành trên hành trình đến với những mảnh đời không may mắn. Bởi tôi luôn tâm niệm là trao đi yêu thương sẽ nhận về hạnh phúc”, chị Tơ chia sẻ.
Vì cuộc sống cộng đồng
Hoạt động tự nguyện nhiều năm về trước, đến năm 2023, Tổ Phụ nữ hưu trí ở xã Long Hiệp (Minh Long) chính thức thành lập với 22 thành viên tham gia. Các thành viên trong tổ đều là những nữ cán bộ hưu trí sinh sống chủ yếu ở xã Long Hiệp, từ 60 - 85 tuổi. Dù là phụ nữ cao tuổi, nhưng các bà, các cô vẫn duy trì việc sinh hoạt tổ đều đặn, tích cực chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng sống và tham gia nhiệt tình vào các phong trào, hoạt động của địa phương.
Học tập và làm theo Bác, nhiều cán bộ, đảng viên và người dân ở huyện Bình Sơn thực hiện tiết kiệm để giúp đỡ người nghèo. Ảnh: H.THU
Hưởng ứng chương trình “Mẹ đỡ đầu”, thông qua sự giới thiệu của Hội LHPN huyện Minh Long, tháng 9/2023, Tổ Phụ nữ hưu trí đã nhận đỡ đầu em Đinh Văn Quân, hiện là học sinh lớp 8, mồ côi ba, sống với mẹ và bà ngoại bị mù ở thôn Trung Thượng, xã Long Mai. Đến đầu năm 2024, tổ tiếp tục nhận đỡ đầu thêm em Đinh Thị Phương Ly, hiện đang học mẫu giáo, mồ côi mẹ, sống với bà ngoại ở thôn Hà Bôi, xã Long Hiệp. Ngoài mức hỗ trợ cố định 200 nghìn đồng/tháng, các thành viên trong tổ thường xuyên đến thăm hỏi, tặng sữa, dụng cụ học tập, quần áo cho hai em nhận đỡ đầu. Đặc biệt, vào đầu năm 2024, nhà bếp, công trình phụ của gia đình em Quân xuống cấp trầm trọng, sinh hoạt không đảm bảo, Tổ Phụ nữ hưu trí đã đề xuất Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ sửa chữa nhà cho gia đình em. Tổng kinh phí sửa chửa nhà là 44,5 triệu đồng; trong đó, Tổ Phụ nữ hưu trí đóng góp 15,5 triệu đồng.
Với tinh thần trách nhiệm, giàu lòng nhân ái, Tổ Phụ nữ hưu trí đã được Hội LHPN tỉnh biểu dương là “Mẹ đỡ đầu tiêu biểu” năm 2024. Thành viên Ban Chủ nhiệm Tổ Phụ nữ hưu trí Đinh Thị Biểu cho biết, ngoài các hoạt động nhận đỡ đầu trẻ mồ côi, tổ cũng giúp đỡ một số trường hợp khó khăn đột xuất và tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương. Hầu hết, kinh phí để nhận đỡ đầu, hỗ trợ sửa nhà, giúp đỡ các trường hợp khó khăn đều từ sự đóng góp của các thành viên trong tổ. Dù lớn tuổi nhưng chúng tôi cũng luôn mong muốn đóng góp một chút công sức nhỏ nhoi của mình để góp phần xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Là một trong những điểm sáng trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, nhiều mô hình đã được Chi bộ Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy thực hiện hiệu quả như: Mô hình học tập và làm theo Bác “Hỗ trợ, giúp đỡ đảng viên có hoàn cảnh khó khăn” và mô hình “Sổ tay đảng viên”... Để việc thực hiện Chỉ thị 05 đạt hiệu quả, cán bộ, đảng viên trong chi bộ gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, từ việc tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tham mưu theo hướng chủ động, kịp thời, chất lượng và hiệu quả... đến thực hiện nghiêm việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề theo quy định. Đặc biệt, nội dung sinh hoạt chuyên đề được chi bộ thực hiện thiết thực, sát với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan; hình thức sinh hoạt chuyên đề đa dạng. Trong quý III/2023, chi bộ tổ chức sinh hoạt chuyên đề tại Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ở xã Đức Tân (Mộ Đức); quý III/2024, tổ chức sinh hoạt chuyên đề tại xã Trà Giang (Trà Bồng). Một trong những hoạt động nổi bật của chi bộ là phối hợp tổ chức các hoạt động an sinh xã hội mang lại hiệu quả cao, có ý nghĩa, lan tỏa trong xã hội, với tổng giá trị thực hiện từ năm 2016 - 2025 lên đến 12 tỷ đồng.
SA HUỲNH - HIỀN THU - TRUNG ÂN