Tốp ca nam Chi hội Âm nhạc biểu diễn liên khúc Đường Hồ Chí Minh trên biển - Hát mừng đơn vị 202 - Kèn lệnh xung phong trong chương trình công bố tác phẩm văn học nghệ thuật “Chung một cơ đồ Việt Nam”. Ảnh: YÊN LAN
Chương trình công bố tác phẩm văn học nghệ thuật, chủ đề “Chung một cơ đồ Việt Nam” vừa được Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên tổ chức, chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). Trong chương trình, có 16 tác phẩm thơ, nhạc, dân ca bài chòi, vọng cổ, ca cảnh được hội viên các chi hội: Văn học, Âm nhạc, Sân khấu và Múa thuộc Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên gửi đến văn nghệ sĩ và khán giả tham dự. Đồng thời, trên màn hình LED, ban tổ chức trình chiếu 53 tác phẩm mỹ thuật, 112 tác phẩm ảnh nghệ thuật của 130 tác giả là hội viên Chi hội Mỹ thuật và Chi hội Nhiếp ảnh.
Mỗi tác phẩm được trình diễn, trình chiếu trong chương trình là một tiếng nói tự hào, là lời tri ân sâu sắc gửi đến quê hương đất nước, gửi đến các thế hệ đã gìn giữ và vun đắp cho cơ đồ Việt Nam vững bền từ mốc son lịch sử 1975.
Tác giả Phan Thanh Quyền đọc bài thơ Những con tàu Không số. Ảnh: YÊN LAN
Tôn vinh tinh thần bất khuất
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, hình ảnh Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu - luôn hiện diện bên từng đoàn quân, từng bước hành quân ra trận, trở thành nguồn sức mạnh tinh thần lớn lao. Chương trình công bố tác phẩm nghệ thuật được mở đầu bằng tiết mục độc tấu kèn Akai EWI 5000 Bác đang cùng chúng cháu hành quân. Tiếng kèn điện tử của Nguyễn Thúy Hằng đã khắc họa niềm tin trong tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Huy Thục.
Trải qua cuộc trường chinh, những người lính “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và những người lính “rạch biển Đông cứu sơn hà” đã viết nên từng trang sử chói ngời bằng máu, mồ hôi và lòng quả cảm. Chương trình tôn vinh tinh thần bất khuất của những người lính trên rừng xanh trên biển xanh ngày ấy và tôn vinh những chiến công của Bộ đội Cụ Hồ bằng liên khúc Đường Hồ Chí Minh trên biển - Hát mừng đơn vị 202 - Kèn lệnh xung phong của nhạc sĩ Xuân An và tác giả Vũ Trung Uyên, do tốp ca nam Chi hội Âm nhạc biểu diễn; ca ngợi tinh thần thép và trái tim ấm áp yêu thương của Bộ đội Cụ Hồ bằng ca khúc Tự hào là người lính do Huyền Ngọc sáng tác, Nghệ sĩ Ưu tú Lê Mỹ Như biểu diễn.
Nếu như các nhạc phẩm tân nhạc đưa khán giả trở về một thời hoa lửa bằng giai điệu, lời ca hào hùng, thì những tác phẩm thơ về đề tài chiến tranh cách mạng có sự lắng đọng cảm xúc. Đó là Những con tàu Không số của tác giả Phan Thanh Quyền đầy xúc động, tự hào về lòng quả cảm và khát vọng độc lập, tự do; là Hùng thiêng muôn thuở của tác giả Hải Sơn - tác phẩm được trao giải khuyến khích thơ Cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật 35 năm Phú Yên - như nén tâm hương tri ân những người lính đã hòa mình vào biển cả, góp phần để quê hương đất nước mãi thanh bình; là Nhớ tháng tư của tác giả Đặng Văn Thơm như dòng hồi tưởng về những ngày tháng tư lịch sử, về những dòng sông, bến đò, những mối tình nở hoa giữa gian lao; là Cây gạo đỏ của tác giả Nguyễn Thế Cường viết về một gốc cây nhỏ bên chân đèo, qua bao năm tháng đã hóa thành chứng tích thiêng liêng của máu xương, của tình yêu quê hương bất tử...
Các nghệ sĩ, nghệ nhân hát bài chòi Tình người xứ Nẫu. Ảnh: YÊN LAN
Quê hương - mạch nguồn cảm xúc dạt dào
Quê hương đất nước luôn là mạch nguồn cảm xúc dạt dào để sáng tạo tác phẩm văn học nghệ thuật. Trong chương trình, văn nghệ sĩ và khán giả trở về với đêm Đồng khởi Hòa Thịnh, với những dáng hình quê hương vẹn nguyên qua bao dông tố... khi nghe nghệ sĩ Bích Trâm ngâm bài thơ Nghe em hát bài hùng ca đất Phú của tác giả Lê Hào - giải nhất thơ Cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật 35 năm Phú Yên; lắng đọng tâm hồn trong bài thơ Dáng hình quê hương của tác giả trẻ Nguyễn Phương Trâm - giải nhì thơ Cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật 35 năm Phú Yên, qua giọng ngâm của nghệ sĩ Ngọc Hà. Một bài thơ như lời ru ngọt ngào của mẹ, thấm đẫm tình yêu và niềm tự hào về vùng đất Phú trời Yên.
Sau này lớn con đừng quên con nhé
Thương quê hương trong từng hạt lúa vàng
Từng ngọn cỏ, cành cây, và đá sỏi…
Đều là dáng hình mảnh đất quê hương!
Từ những cánh đồng thẳng cánh cò bay của quê hương Tuy Hòa, Phú Yên, hạt gạo dẻo thơm đã nuôi lớn bao thế hệ, đã tiếp sức cho những bước chân ra đi giữ nước, đã thấm đẫm mồ hôi, tình yêu và lòng son sắt của biết bao con người Tuy Hòa. Mỗi hạt gạo trắng ngần không chỉ là kết tinh của một nắng hai sương mà còn là tấm lòng vẹn nguyên, thủy chung, bền bỉ vượt qua chiến tranh gian khổ, ác liệt. Trong chương trình công bố tác phẩm văn học nghệ thuật, các nghệ sĩ - hội viên Chi hội Âm nhạc đã làm mới ca khúc Hạt gạo Tuy Hòa của nhạc sĩ Vĩnh An. Sự kết hợp giữa tân nhạc với bài chòi - qua tiếng hát của ca sĩ Quốc Dũng và các ca sĩ Chi hội Âm nhạc - đã làm cho khán giả cảm thấy bất ngờ, thú vị.
50 năm - một nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ thời khắc thiêng liêng khi Phú Yên chính thức bước vào kỷ nguyên hòa bình, độc lập. Để có được điều đó, biết bao anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống, biết bao người con đất Việt đã cống hiến tuổi xuân cho độc lập, tự do. Chúng ta không chỉ tưởng nhớ mà còn tri ân, viết tiếp câu chuyện hào hùng của dân tộc bằng những hành động thiết thực, bằng những đóng góp có ý nghĩa. Và chính vì lẽ đó, Chương trình công bố tác phẩm văn học nghệ thuật với chủ đề “Chung một cơ đồ Việt Nam” không chỉ là một sự kiện văn hóa mà còn là một lời khẳng định: Văn học nghệ thuật luôn đồng hành cùng lịch sử, cùng con người, cùng đất nước. Các tác phẩm được công bố hôm nay chính là những tiếng nói của tâm hồn, của ký ức, của những khát vọng.
Nhà thơ Huỳnh Văn Quốc, Phó Chủ tịch điều hành Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên
Qua bao thế hệ, bài chòi đã trở thành một phần máu thịt, một hồn cốt không thể tách rời của vùng đất Phú Yên - xứ Nẫu ân tình. Từ những mái chòi đơn sơ ngày tết, câu hát bài chòi đã bay xa, mang theo tiếng cười, nỗi nhớ, tình quê mộc mạc mà đằm thắm. Trong chương trình công bố tác phẩm văn học nghệ thuật có tiết mục bài chòi Tình người xứ Nẫu do Nghệ nhân Ưu tú Tuấn Minh sáng tác lời; các nghệ nhân, nghệ sĩ: Hoàng Cầm, Lệ Phương, Minh Thư, Văn Bốn, Vũ Thân, Tuấn Minh… biểu diễn. Không chỉ thưởng thức bài chòi hay ca cảnh, khán giả còn nghe bài vọng cổ Tình ca Tháp Nhạn do nhạc sĩ Trọng Thống viết lời. Hai nghệ sĩ Hữu Nghĩa - Hồng Cúc ca bản vọng cổ ngọt ngào, chan chứa tình người, tình quê cùng những vẻ đẹp bình dị và thiêng liêng của vùng đất Tuy Hòa thân yêu.
Biểu diễn tại Di tích quốc gia đặc biệt Tháp Nhạn, tiết mục múa Trăng tháp Nhạn (âm nhạc: nhạc sĩ An Thuyên, biên đạo: Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Hữu Từ, biểu diễn: tập thể Chi hội Múa) mang đến cho khán giả nhiều cảm xúc.
Chương trình khép lại bằng tiết mục hát múa Đất nước trọn niềm vui do tập thể Chi hội Âm nhạc biểu diễn. Chương trình đã đưa khán giả đi qua những nẻo đường ký ức và hiện tại, cảm nhận một Phú Yên kiêu hãnh, một Việt Nam đầy tự hào.
YÊN LAN