Sáng kiến đột phá trong CCHC
Theo lãnh đạo UBND huyện Mỹ Đức, thời gian qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) trọng tâm là công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với chuyển đổi số luôn là nhiệm vụ quan trọng được UBND huyện Mỹ Đức quan tâm chỉ đạo. Nhờ tập trung thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, công tác CCHC của huyện Mỹ Đức đã đạt nhiều kết quả khá tích cực.
Theo đó, huyện Mỹ Đức đã triển khai đồng bộ các mô hình, sáng kiến trong công tác cải cách TTHC trên địa bàn huyện như: Chính quyền vì dân phục vụ, bộ phận “Một cửa” thân thiện, hiện đại; Zalo “phản ánh kiến nghị huyện Mỹ Đức”; "Thủ tục hành chính không hẹn", mô hình: "Dân vận khéo trong tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện chuyển đổi số trong giải quyết TTHC"…
Chánh Văn phòng HĐND - UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Anh Tuấn cho biết, với mục tiêu ngày càng nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tổ chức, DN và tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho các cá nhân, tổ chức khi giao dịch TTHC, đem đến sự hài lòng cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện, tập thể Văn phòng HĐND - UBND huyện Mỹ Đức đã nghiên cứu và đưa ra sáng kiến: “Linh hoạt trong tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC”.
“Sáng kiến này nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện và cấp xã, thị trấn đã được UBND huyện Mỹ Đức chỉ đạo triển khai thực hiện tại Văn bản số 1182/UBND-VP ngày 21/5/2024 của UBND huyện về triển khai các mô hình, sáng kiến trong công tác cải cách TTHC trên địa bàn huyện Mỹ Đức” - ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Lê Văn Trang (ngoài cùng bên phải) nhận giải Nhất tại Cuộc thi Tìm kiếm ý tưởng, giải pháp CCHC năm 2024 của TP Hà Nội”, với sáng kiến “Linh hoạt trong tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC”. Ảnh: V.B
Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, nội dung của sáng kiến là tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Tiếp tục đẩy mạnh sử dụng dịch vụ bưu chính công ích trong giải quyết TTHC. Đặt lịch hẹn khi thực hiện dịch vụ công để không phải chờ đợi trong giải quyết TTHC hoặc khi có nguyện vọng thực hiện ngoài giờ hành chính. Niêm yết công khai đến từng thôn, xóm, qua các kênh thông tin Zalo, tuyên truyền số điện thoại công chức phụ trách tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ TTHC….
Sáng kiến được đưa ra và triển khai sẽ giúp cho người dân có nhiều lựa chọn khi thực hiện dich vụ công. Tất cả các thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp đều được số hóa, rất thuận lợi cho việc lưu trữ, chia sẻ dữ liệu, tra cứu hồ sơ.
Thực hiện dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích người dân, DN khi muốn giao dịch hành chính sẽ không cần phải đến trực tiếp cơ quan, tổ chức, bộ phận trực tiếp thụ lý hồ sơ để yêu cầu và nhận kết quả, cũng không cần phải gò bó thời gian bắt buộc là giờ hành chính mà có thể ở tại nhà hoặc ở mọi lúc, mọi nơi và trên các phương tiện khác nhau như: ipad, máy tính, điện thoại thông minh để thực hiện giao dịch các TTHC.
Người dân, DN và cán bộ, công chức tiếp nhận, xử lý hồ sơ sẽ không cần phải gặp mặt tiếp xúc trực tiếp khi thực hiện các giao dịch TTHC, điều này sẽ hạn chế được nạn nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết các TTHC.
Đặc biệt, đặt lịch hẹn thực hiện dịch vụ công người dân sẽ không phải chờ đợi trong giải quyết TTHC hoặc khi có nguyện vọng thực hiện ngoài giờ hành chính khi người dân không bố trí được thời gian trong giờ hành chính. Xác định trung tâm của cải cách TTHC tại UBND huyện là bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Huyện và các xã, thị trấn.
Sáng kiến “Linh hoạt trong tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC” đã mang lại nhiều hiệu quả về mặt kinh tế như: giúp người dân, DN có nhiều lựa chọn khi thực hiện dich vụ công phù hợp với điều kiện công việc của bản thân khi thực hiện các giao dịch thủ tục hành chính rút ngắn được tối đa thời gian và tiết kiệm chi phí đi lại, từ đó có nhiều thời gian hơn để lao động sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Giúp cơ quan, tổ chức trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính giảm thời gian, chi phí, tiết kiệm được chi phí in ấn, chi phí văn phòng phẩm. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, tạo động lực cho cán bộ, công chức làm việc hiệu quả hơn.
Về hiệu quả về mặt xã hội, giúp chính quyền hoạt động hiệu quả, hiệu lực hơn, minh bạch hơn, giảm tiêu cực, tham nhũng. Giúp xóa nhòa khoảng cách địa lý, mang đến nhiều lựa chọn cho người dân về tiếp cận dịch vụ công nâng cao chất lượng cuộc sống, mang lại sự hài lòng cho người dân. Góp phần thúc đẩy quá trình thực hiện chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, xã hội số và kinh tế số. Tạo tiền đề để nâng cao chỉ số CCHC của huyện Mỹ Đức.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Lê Văn Trang cho biết, với sự tìm tòi, học hỏi, sáng tạo cùng với sự tâm huyết mong muốn mang lại lợi ích tốt nhất cho người dân và DN, tập thể Văn phòng HĐND - UBND huyện đã nghiên cứu và đưa ra sáng kiến “Linh hoạt trong tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC”.
Việc đưa ra sáng kiến và triển khai đẩy mạnh quá trình chuyển đổ số trong giải quyết TTHC, tăng cường ứng dụng CNTT trong việc thực hiện công khai TTHC bằng bản giấy kết hợp ứng dụng mã QR code và triển khai hỗ trợ người có công, người yếu thế và các trường hợp bất khả kháng (gần 500 đối tượng) được tiếp nhận và giải quyết TTHC tại nhà….
Nỗ lực mang lại sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp
Từ đầu năm 2024 đến nay, huyện Mỹ Đức tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tập trung thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trong công tác CCHC, đạt nhiều kết quả khá tích cực. Huyện đã ban hành trên 90 văn bản chỉ đạo trong công tác kiểm soát TTHC, cải cách TTHC, giải quyết TTHC, thực hiện dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp và công khai, rà soát đơn giản hóa TTHC nội bộ.
Mỗi nhiệm vụ, công việc được phân công cụ thể cho từng đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Chủ động, tích cực thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của UBND huyện theo quy định.
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Mỹ Đức được đầu tư khang trang, hiện đại. Ảnh: V.B
Đến nay, tổng số hồ sơ TTHC đã tiếp nhận và giải quyết: 39.363 hồ sơ, 100% hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả trước hạn và đúng hạn.
Huyện ban hành Quyết định số 2241/QĐ-UBND ngày 14/5/2024 về công bố TTHC nội bộ thuộc phạm vi quản lý của UBND huyện với 145 TTHC (134 TTHC thuộc thẩm quyền của UBND huyện, 11 TTHC liên thông). Kết quả triển khai công tác rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ: 44/145 TTHC nội bộ đạt tỷ lệ 30,3%; tỷ lệ cắt giảm chi phí thực hiện là: 20,3%.
UBND các xã, thị trấn đã ban hành 22 quyết định công bố TTHC nội bộ thuộc phạm vi quản lý của xã, thị trấn với tổng số 182 TTHC. Kết quả triển khai công tác rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ: 59/182 TTHC nội bộ, đạt tỷ lệ: 32,4%; tỷ lệ cắt giảm chi phí thực hiện 43,8%.
Tính đến tháng 11/2024, UBND huyện Mỹ Đức xếp thứ 6/30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội trong triển khai Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, DN.
Bộ chỉ số được xác định dựa trên 5 nhóm chỉ số thành phần: công khai, minh bạch; số hóa hồ sơ; mức độ hài lòng; dịch vụ công trực tuyến, tính.
Thực hiện Kế hoạch số 439/KH-UBND ngày 4/3/2024 về thực hiện Kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 8/2/2024 của UBND TP; triển khai chuyển đổi số trên địa bàn huyện Mỹ Đức năm 2024. Đến nay, đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành 17/17 chỉ tiêu và 16/16 nhiệm vụ được giao.
100% các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức của huyện được cấp email công vụ với 869 tài khoản. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành TP Hà Nội được đẩy mạnh. Tính đến ngày 1/11/2024, đã có 943 tài khoản cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan, đơn vị được tạo lập để sử dụng.
Từ ngày 1/1 - 31/10/2024 đã có 12.191 văn bản điện tử được UBND huyện Mỹ Đức xử lý, ban hành 9.781 văn bản đi được ký số; sử dụng hiệu quả Hệ thống thông tin báo cáo của TP; triển khai 230.000 biên lai điện tử tại bộ phận "Một cửa" huyện và các xã, thị trấn (đã phát hành 34.256 biên lai); phối hợp đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam cấp gần 3.000 chữ ký số miễn phí cho tổ chức, cá nhân; triển khai hình thức thanh toán tiền phí, lệ phí không dùng tiền mặt trong giải quyết TTHC tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả huyện và các xã, thị trấn.
Về quản trị, theo dõi, đôn đốc tiến độ thực hiện nền tảng “Công dân Thủ đô số” - iHaNoi trên địa bàn huyện, đã cấp 238 tài khoản cho cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn. Đã có 44.809 người dân đăng ký tài khoản. Tiếp nhận và xử lý 286 phản ánh kiến nghị của người dân.
Văn Biên