Lan tỏa tinh thần bình đẳng giới tại cộng đồng trong lễ hội xuân

Lan tỏa tinh thần bình đẳng giới tại cộng đồng trong lễ hội xuân
4 giờ trướcBài gốc
Chàng rể người Tày đưa vợ con về nhà ngoại trong Tết “Pây tái”
Âm vang cồng chiêng nữ
Không chỉ uyển chuyển trong những vòng xoang, phụ nữ K'Ho ngày càng xuất hiện nhiều trong các đội cồng chiêng. Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng thôn Đồng Đò (xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) có gần 30 thành viên, trong đó hơn 70% là nữ.
Ka Hem, Bí thư Chi đoàn thanh niên thôn Đồng Đò, là người kết nối, giúp hoạt động của CLB ngày một hiệu quả. Ka Hem đã truyền cảm hứng cho những cô gái nơi cao nguyên Di Linh mạnh mẽ vượt qua định kiến, đưa tiếng cồng chiêng vang xa.
"Theo truyền thống của người K'Ho, chỉ có nam giới mới được truyền dạy đánh cồng chiêng. Hiện nay, quan niệm này đã thay đổi. Một phần do chính quyền địa phương tuyên truyền, tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng, phần khác do dân làng nhận thấy, cần phát huy vai trò của phụ nữ trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Người K'Ho theo chế độ mẫu hệ. Khi nam giới ở làng này lấy vợ ở làng khác thì làng sẽ thiếu tay chiêng. Vì vậy, già làng quyết định truyền dạy đánh cồng chiêng cho cả nam và nữ để duy trì đội cồng chiêng".
Năm 2020, CLB Cồng chiêng thôn Đồng Đò được thành lập. CLB đã biểu diễn tại nhiều chương trình văn hóa-văn nghệ trên địa bàn huyện Di Linh và tỉnh Lâm Đồng. Những thành viên nữ trong CLB vừa biết đánh cồng chiêng vừa biết múa xoang.
"Mỗi khi có lễ hội, em luôn bị thu hút bởi tiếng cồng chiêng. Khi huyện bắt đầu mở lớp dạy đánh cồng chiêng, em đã không ngần ngại mời gọi các bạn trẻ tham gia. Thời gian đầu, nhiều bạn chưa hiểu rõ vai trò của mình trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Các bạn nữ lại càng e dè. Em đã kiên trì vận động, thậm chí còn đến nhà nói chuyện với cha mẹ của các bạn. Dần dần, mọi người hiểu và tham gia đông như bây giờ", Ka Hem chia sẻ.
CLB Cồng chiêng thôn Đồng Đò (xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) biểu diễn
Tại xã Tơ Tung (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) cũng có CLB Cồng chiêng nữ làng Leng với hơn 40 thành viên, đều là người Ba Na.
Bà Đinh Thị Khóp, Đội trưởng Đội Cồng chiêng nữ làng Leng, cho biết: "Theo quan niệm của người Ba Na, phụ nữ không được đánh cồng chiêng. Nhưng với trách nhiệm gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình, chúng tôi thuyết phục già làng và mọi người đồng ý cho phụ nữ đánh chiêng.
Vậy là Đội Cồng chiêng nữ làng Leng được thành lập. Không chỉ trình diễn trong các lễ hội của làng, chúng tôi còn biểu diễn cho công chúng. Chúng tôi rất tự hào về văn hóa dân tộc mình".
Từ thực hiện nghi lễ đến tổ chức hội làng
Phụ nữ hiện diện ngày càng nhiều trong các hoạt động lễ hội ngày Tết, từ việc thực hiện nghi lễ, tổ chức hội làng, đến tham gia chuẩn bị các chương trình văn hóa nghệ thuật cộng đồng.
Tại chương trình phục dựng lễ cầu an, một trong những lễ hội truyền thống đặc sắc của người S'tiêng ở xã Thanh An (huyện Hớn Quản, Bình Phước), già Thị Mương là 1 trong 3 thành viên của Ban tế lễ.
Tại lễ Mừng lúa mới của đồng bào dân tộc Chơro ở huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai), một phụ nữ lớn tuổi trong làng thực hiện nghi thức cúng rước Thần Lúa từ rẫy về nhà dài đến kho lúa
Già Thị Mương cho biết: "Già luôn nhớ những nghi thức cúng mà ông bà truyền dạy. Bây giờ mình thực hiện theo. Lễ vật thường có: ché rượu cần, cái đầu heo, gà luộc, cơm lam, xôi ngũ sắc, lá nhíp, đọt mây, lúa, rau rừng… Ban tế lễ có cả nam và nữ đứng cúng song song. Già đóng vai trò là "bà bống", thực hiện vang vái, cầu khấn thần linh".
Không chỉ trong hoạt động tổ chức lễ hội, tinh thần bình đẳng giới còn hiện diện trong nhiều phong tục lễ Tết. Cứ vào dịp lễ "Pây tái" (hay "Tết nhà vợ" theo tiếng của đồng bào dân tộc Tày), gia đình anh Ma Văn Trinh và chị Hứa Thị Thầm lại tay xách theo lồng vịt, chai rượu, vài cặp bánh gai, bánh rợm và hoa quả, bánh kẹo về bên ngoại ở thôn Pác Ngòi (xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn).
Anh Trinh cho biết, người Tày có 2 ngày lễ Tết quan trọng trong năm là ngày mùng 2 tháng Giêng và ngày Rằm tháng Bảy (Âm lịch). Đây là dịp hai vợ chồng trở về nhà bố mẹ vợ để báo hiếu và tạ ơn ông bà, tổ tiên.
Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, người phụ nữ lấy chồng, quanh năm phải lo toan, vun vén công việc nhà chồng. Chỉ có 2 dịp Tết kể trên là người chồng đưa vợ về bên ngoại sum họp gia đình, thể hiện tình cảm, báo hiếu cha mẹ vợ, những người đã sinh thành, dưỡng dục để con rể có được người vợ thảo hiền.
Theo Tiến sĩ Triệu Thị Kiều Dung, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tày - Nùng, Tết "Pây tái" tôn vinh đạo hiếu, truyền thống "uống nước nhớ nguồn". Không chỉ vậy, nét văn hóa tốt đẹp này còn thể hiện quan niệm tiến bộ của người Tày, Nùng về bình đẳng giới, thể hiện sự coi trọng người phụ nữ - người vợ trong gia đình; cũng như lòng biết ơn của chàng rể với cha mẹ vợ.
Phạm Thương - PVH
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/lan-toa-tinh-than-binh-dang-gioi-tai-cong-dong-trong-le-hoi-xuan-2025020416261888.htm