Lan tỏa tinh thần Phật giáo trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Lan tỏa tinh thần Phật giáo trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
5 giờ trướcBài gốc
Trong dòng chảy bất tận của lịch sử văn hóa Việt Nam, Phật giáo đã hiện diện như một suối nguồn tinh thần mát lành, âm thầm nuôi dưỡng đời sống đạo lý, giúp con người giữ được sự an yên giữa những biến thiên của thời cuộc.
Cầu nối truyền thống và hiện đại
Đại lễ Phật đản – hay còn gọi là Vesak – không chỉ là dịp tưởng niệm Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đản sinh, mà đã trở thành ngày hội văn hóa – tâm linh thiêng liêng, nơi các giá trị từ bi, trí tuệ, khoan dung và tỉnh thức được lan tỏa trong từng hơi thở của cộng đồng. Năm nay, lần đầu tiên TP HCM – đô thị năng động bậc nhất cả nước – được chọn là nơi tổ chức chuỗi sự kiện chính của lễ Vesak, đánh dấu một mốc son mới trong nỗ lực gắn kết đạo pháp với hành trình phát triển bền vững của dân tộc.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên... dự lễ bế mạc Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Ngay từ những ngày đầu tháng Tư âm lịch, thành phố đã bừng sáng với sắc cờ Phật giáo rực rỡ khắp các tuyến phố, tiếng chuông chùa ngân vang giữa lòng đô thị, báo hiệu một mùa Phật đản ngập tràn an lành. Không khí trang nghiêm và rộn ràng lan tỏa từ các ngôi chùa lớn như Việt Nam Quốc Tự, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Hoằng Pháp, chùa Giác Ngộ… đến những con hẻm nhỏ nơi người dân tự tay kết hoa sen, treo đèn lồng, dựng lễ đài trước cửa nhà. Các hoạt động trọng thể như lễ rước xá lợi Phật, lễ thắp sáng hoa đăng cầu nguyện quốc thái dân an, hội thảo quốc tế, hay những đêm thiền cộng đồng đã thu hút sự tham gia đông đảo không chỉ của giới tăng ni, Phật tử, mà cả người dân, đặc biệt là giới trẻ.
Sự kiện Vesak tại TP HCM năm nay có quy mô lớn chưa từng có, không chỉ về hình thức tổ chức mà cả về ý nghĩa biểu tượng. Nó khẳng định vai trò ngày càng rõ nét của Phật giáo trong đời sống xã hội hiện đại, đồng thời thể hiện sự trân trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với các giá trị văn hóa – tâm linh truyền thống trong kỷ nguyên phát triển mới. Điều đáng chú ý là dù mang đậm màu sắc tôn giáo, Vesak không tách rời đời sống thực tiễn, mà trái lại, chính là cầu nối giữa con người với con người, giữa nội tâm và cộng đồng, giữa truyền thống và hiện đại. Trong thế giới còn nhiều biến động, phân mảnh bởi công nghệ và chủ nghĩa cá nhân cực đoan, tinh thần từ bi, vị tha, sống chánh niệm mà Phật giáo truyền tải đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Lễ Vesak 2025 tại Việt Nam với niềm tin yêu về một cuộc sống hòa bình, tốt đẹp đến với các quốc gia, vùng lãnh thổ và cộng đồng thế giới - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Không ngẫu nhiên mà trong các văn kiện chiến lược của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam nhấn mạnh vai trò của việc xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới: yêu nước, nhân ái, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những phẩm chất ấy, nếu nhìn sâu, chính là những khái niệm sống động của Phật giáo được chuyển hóa bằng ngôn ngữ đời sống, góp phần hình thành nội lực văn hóa cho một dân tộc đang vươn mình mạnh mẽ trên bản đồ thế giới. Trong hành trình đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao, điều kiện tiên quyết không chỉ là kinh tế hay công nghệ, mà còn là năng lực tự chủ tinh thần, năng lực sống tử tế và hướng thiện của từng người dân.
Tử tế, trách nhiệm và nhân hậu
Lễ Vesak 2025 tại TP HCM không chỉ là sự kiện văn hóa – tôn giáo đơn thuần, mà còn là một cột mốc biểu tượng cho việc hội tụ và lan tỏa sức mạnh mềm của dân tộc. Khi thành phố hiện đại nhất cả nước yên bình trong những thời khắc thiền định, khi những thanh niên năng động cùng nhau dọn dẹp chùa chiền, sắp đặt lễ đài, điều phối giao thông trong lễ rước xá lợi, hay khi những học sinh, sinh viên tham gia talkshow về sống tỉnh thức giữa đời thường, hay trách nhiệm xã hội và tinh thần Phật giáo, đó chính là lúc một thế hệ mới đang được nuôi dưỡng bằng chiều sâu văn hóa và lòng tự hào dân tộc. Nhiều bạn trẻ chia sẻ rằng, tham dự lễ Phật đản giúp họ tìm thấy sự kết nối với cha ông, với những giá trị Việt Nam sâu lắng mà giữa đời sống số hóa vội vã, dễ bị lãng quên. Đạo Phật, với tinh thần nhập thế và khoan hòa, đã trở thành điểm tựa tinh thần, giúp thế hệ trẻ định hình lại mục tiêu sống: không chỉ là thành công vật chất, mà còn là sự tử tế, trách nhiệm và nhân hậu.
Trong suốt chiều dài lịch sử, Phật giáo đã chứng minh năng lực đồng hành cùng dân tộc qua những thời khắc trọng đại. Dưới triều Lý – Trần, tinh thần Phật giáo đã thấm vào chính sách cai trị, nuôi dưỡng những thế hệ vua anh minh như Lý Thái Tổ, Trần Nhân Tông. Trong kháng chiến, nhiều vị sư và Phật tử đã xả thân vì độc lập tự do. Ngày nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống ấy khi tham gia sâu rộng vào các chương trình phát triển xã hội, từ xóa đói giảm nghèo, chăm sóc y tế, giáo dục đạo đức, bảo vệ môi trường đến cứu trợ thiên tai. Hàng ngàn mái ấm, lớp học tình thương, bếp ăn từ thiện, bệnh viện nhân đạo, khóa tu mùa hè cho thanh thiếu niên… đã và đang lan tỏa ánh sáng từ bi khắp mọi miền đất nước. Đó chính là hình ảnh của một Phật giáo nhập thế, gần dân, vì dân, góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt Nam trong kỷ nguyên hội nhập.
Sự kiện Vesak năm nay diễn ra đúng vào dịp đất nước kỷ niệm 50 năm thống nhất – mốc son khẳng định vai trò của văn hóa và tinh thần đoàn kết dân tộc trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Trong dòng chảy ấy, lễ Phật đản như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng sâu sắc rằng, mọi sự phát triển bền vững đều phải bắt đầu từ sự an trú trong tâm hồn, từ niềm tin vào cái thiện, từ trí tuệ để vượt qua si mê, và từ lòng từ bi để hàn gắn những chia rẽ. Đó không chỉ là triết lý đạo Phật, mà còn là cốt cách Việt Nam – một dân tộc luôn biết gạn đục khơi trong, luôn lấy lòng người làm gốc, luôn gìn giữ hòa khí trong cả phát triển kinh tế lẫn ứng xử xã hội.
Khi ánh sáng của Vesak rọi chiếu vào từng ngõ nhỏ, từng công sở, từng mái trường, không khí Phật đản không còn là của riêng tôn giáo, mà đã trở thành một lễ hội tinh thần chung của cộng đồng. Đó là dịp để mỗi người lắng lòng lại giữa những bon chen thường nhật, để tự hỏi: mình đang sống thế nào, đang hướng đến điều gì, và có đang gieo những hạt giống thiện lành cho ngày mai chưa? Bởi chỉ khi mỗi cá nhân sống đẹp, sống an lạc, thì gia đình mới hòa thuận, xã hội mới bình yên, và đất nước mới vững bước trên con đường phát triển.
Đầu tư cho tương lai
Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, khi khát vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển không còn là mơ ước mà đã trở thành chiến lược, thì việc chăm lo cho đời sống tinh thần, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, tâm linh truyền thống như Phật giáo chính là đầu tư cho tương lai lâu dài.
Phật giáo không dừng lại ở mái chùa, lễ nghi hay kinh sách, mà đang và sẽ tiếp tục hiện diện trong từng hành động tử tế, từng quyết định đầy trách nhiệm, từng chính sách nhân văn vì con người, vì cộng đồng. Và chính điều đó đã, đang và sẽ làm nên bản lĩnh Việt Nam – một dân tộc biết ngẩng cao đầu giữa thế giới nhưng vẫn cúi xuống đủ sâu để lắng nghe tiếng lòng của chính mình từ những giá trị cao đẹp mà Phật giáo đã đem lại cho đất nước.
Bùi Hoài Sơn
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/lan-toa-tinh-than-phat-giao-trong-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-196250511070008916.htm