Cầu nối giữa thế hệ trẻ với di sản văn hóa của dân tộc
Đầu tiên, xin chúc mừng Anh Tài đã giành giải Nhất tại cuộc thi “Tiếng vang lịch sử: Diễn giải Văn Miếu - Quốc Tử Giám qua hội họa”. Bạn có thể chia sẻ đôi điều về cuộc thi này?
Cuộc thi này là sân chơi dành cho sinh viên các trường nghệ thuật, thiết kế trong cả nước và các họa sĩ trong độ tuổi từ 18- 35. Tham gia cuộc thi, các bạn trẻ đã mang đến gần 200 tác phẩm có nội dung về các công trình kiến trúc, hiện vật, tượng thờ... Khai thác chủ đề “Tiếng vang lịch sử” thông qua ngôn ngữ và chất liệu khác nhau, các thí sinh đều thể hiện tác phẩm của mình rất sáng tạo và công phu.
Với tôi, tham gia cuộc thi là dịp để giao lưu, học hỏi được những cái hay ở các bạn thí sinh đến từ khắp nơi trên cả nước. Mỗi tác phẩm ở đây là một cầu nối đặc biệt để kết nối giữa quá khứ với cuộc sống đương đại, giữa thế hệ trẻ với di sản ngàn năm của cha ông. Đồng thời, cuộc thi cũng là dịp để một họa sĩ trẻ như tôi phát huy tài năng và lan tỏa niềm đam mê hội họa cũng như tình yêu với di sản văn hóa của dân tộc.
Anh Tài có thể giới thiệu với độc giả đôi nét về tác phẩm đoạt giải Nhất của mình và chia sẻ cảm xúc của bạn khi giành giải cao nhất tại cuộc thi?
Tôi mang đến cuộc thi 2 tác phẩm mang tên “Tiếp nối” và “Dòng sử” được sáng tác trên chất liệu màu nước. Điều khiến tôi rất vui là cả 2 bức tranh đều lọt vào vòng chung kết, riêng tác phẩm “Dòng sử” đoạt giải Nhất. “Dòng sử” là một bức tranh chứa nhiều tâm huyết và ý tưởng của tôi về các giá trị lịch sử cũng như giáo dục của Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ngay từ khi nhận được chủ đề của cuộc thi là “Tiếng vang lịch sử”, tôi đã có nguồn cảm hứng bởi bản thân là một người rất yêu thích tìm hiểu lịch sử, khám phá các giá trị truyền thống.
Tôi nghĩ, bức tranh “Dòng sử” được đánh giá cao bởi cách diễn giải của tác phẩm này có nét riêng biệt so với các tác phẩm dự thi khác. Khi đa phần thí sinh đem đến những bức tranh miêu tả kiến trúc của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tôi lại lựa chọn vẽ nội dung diễn giải cho câu hỏi: Vì sao di tích này được bảo tồn đến bây giờ? Từ đó, nhấn mạnh vai trò của con người trong việc xây dựng và gìn giữ các di sản văn hóa. Bức tranh kể câu chuyện về quá trình dùi mài kinh sử; từ lúc tham gia các kỳ thi hương, thi hội, thi đình cho đến khi đạt được ước mơ ghi danh lên Bia Tiến sĩ của các sĩ tử.
Tôi chú trọng tái hiện từng khâu trong hành trình của một sĩ tử thời xưa trên nền những họa tiết của trống đồng với hình ảnh những con chim - mang ý nghĩa của sự chắp cánh. Toàn bộ bức “Dòng sử” có gam màu tươi sáng, tượng trưng cho tương lai xán lạn của sĩ tử sau những tháng năm miệt mài đèn sách. Khi nhận được thông báo đoạt giải, tôi rất bất ngờ và hạnh phúc. Niềm hạnh phúc ấy nhân đôi khi trong triển lãm, tôi được biết tác phẩm của mình được ban giám khảo cuộc thi đánh giá cao. Các nhận xét và sự ghi nhận đến từ những người có chuyên môn sâu và lâu năm trong nghề khiến tôi có thêm động lực để trau dồi, phát triển bản thân.
Truyền lửa đam mê cho thế hệ trẻ
- Được biết, là một họa sĩ trẻ nhưng Anh Tài đã tham gia khá nhiều triển lãm mỹ thuật trong nước và quốc tế, đạt được nhiều giải thưởng tại các cuộc thi vẽ từ khi còn là học sinh, sinh viên. Vậy bạn đã trải qua những chặng đường như thế nào để nuôi dưỡng và phát triển niềm đam mê?
-Khi còn là học sinh cấp 1, tôi đã rất thích vẽ. Trên ghế nhà trường, tôi thường xuyên tham gia các cuộc thi vẽ, viết thư pháp và đạt được một số giải cao.
Nguyễn Anh Tài luôn thể hiện tình yêu đặc biệt cho quê hương, đất nước trong các tác phẩm của mình - Ảnh: M.Đ
Có một điều may mắn là gia đình và thầy cô luôn dõi theo, động viên tôi nuôi dưỡng niềm đam mê hội họa. Cột mốc quan trọng trên con đường phát triển đam mê của tôi là vào năm 2017, tôi đỗ thủ khoa đầu vào ngành kiến trúc, Trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng. Trong môi trường đại học, tôi bắt đầu có cơ hội tham gia nhiều hơn các cuộc thi cấp quốc gia liên quan tới vẽ và được ghi nhận. Có thể kể đến như các giải thưởng tại Festival sinh viên kiến trúc toàn quốc năm 2018, 2020, 2022...
Cuối năm 2023, tôi tham gia cuộc thi vẽ về đất nước Ba Lan mang tên “Rực rỡ Ba Lan” tổ chức tại Hà Nội với tác phẩm “Du ngoạn Ba Lan” và có cơ hội gặp gỡ các họa sĩ chuyên vẽ màu nước tại Hà Nội. Từ cơ duyên này, tôi nhận được lời mời tham gia vào Câu lạc bộ họa sĩ màu nước Hà Nội. Một dấu mốc đáng nữa nhớ đó là vào tháng 3/2024, tôi được tham dự Triển lãm tranh màu nước quốc tế VietNamInAcquarello 2024 tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Đây là một sự kiện thu hút hàng trăm họa sĩ đến từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tháng 8/2024, tôi tham dự Triển lãm Mỹ thuật Khu vực IV (Bắc miền Trung) lần thứ 29 tại tỉnh Thanh Hóa với tác phẩm “Ký ức Thành Cổ”.
Song song với việc tham gia các triển lãm và cuộc thi, tôi cũng thường xuyên tự trau dồi thêm về kiến thức chuyên ngành, tìm hiểu tư liệu lịch sử. Đặc biệt, tôi thích tìm hiểu các câu chuyện, ý tưởng cũng như chất liệu biểu đạt của các thế hệ đi trước trong nghệ thuật, nhất là hội họa để lên ý tưởng cho tác phẩm của mình.
- Trong hành trình của mình, Anh Tài đã có những hoạt động gì để truyền lửa đam mê cũng như lan tỏa tình yêu hội họa đến các bạn trẻ?
- Khi còn là sinh viên, tôi lập một trang fanpage mang tên Trạm Ký để trao đổi, hướng dẫn miễn phí về kỹ thuật vẽ ký họa cho các bạn trẻ có nhu cầu học. Đầu năm 2023, tôi trực tiếp dạy cho một nhóm nhỏ sinh viên ngành kiến trúc, Trường Đại học Duy Tân. Từ đây, nhiều sinh viên các trường đại học khác như Bách khoa Đà Nẵng, Kiến trúc Đà Nẵng... cũng đến theo học. Đến nay, trang fanpage Trạm Ký có hơn 1.700 lượt theo dõi, tập hợp cộng đồng những người trẻ, sinh viên liên quan tới ngành học ký họa để trao đổi kinh nghiệm, dạy miễn phí, tổ chức các chương trình, sự kiện liên quan cho các bạn sinh viên. Đầu 2024, sau khi chuyển về quê với nhiều ý tưởng, kế hoạch mới, tôi duy trì lớp dạy năng khiếu cho 17 bạn trẻ trên địa bàn tỉnh, trong đó có một số bạn ôn thi đại học ngành đồ họa. Ngoài ra, tôi cũng đang cộng tác với Nhà Thiếu nhi tỉnh để giảng dạy lớp năng khiếu hội họa cho các em nhỏ có nhu cầu. Là một người thích vẽ từ nhỏ, tôi thấu hiểu tầm quan trọng của việc cần có một người thầy truyền dạy kiến thức, kỹ thuật phù hợp nên rất sẵn lòng hướng dẫn, dạy miễn phí cho các bạn trẻ có niềm đam mê với hội họa.
- Quyết định chọn hướng đi riêng với tranh màu nước và bước đầu có những thành công nhất định, Anh Tài có điều gì muốn nhắn gửi đến các bạn trẻ, đặc biệt là những bạn có chung niềm đam mê hội họa?
- Màu nước là một chất liệu khá khó để sử dụng thuần thục, vì thế tôi luôn xác định phải nỗ lực đào sâu về mặt kỹ thuật vẽ, khai thác triệt để chất của màu, chất của giấy để tạo nên chiều sâu cho tác phẩm của mình. Thời gian tới, tôi sẽ tập hợp tranh vẽ về quê hương Quảng Trị để mở một triển lãm cá nhân với chủ đề “Về miền đất lửa”. Những thành tích mà tôi đạt được trong thời gian qua tuy nhỏ nhưng là niềm vinh dự, sự động viên lớn lao cho một họa sĩ trẻ, giúp tôi vững tin hơn trên con đường đã chọn. Đó cũng là điều mà tôi muốn nhắn gửi đến các bạn trẻ, đặc biệt là những bạn có chung niềm đam mê hội họa: Hãy luôn vững tin và chọn cho mình một con đường để sống với đam mê, để rồi từ niềm đam mê ấy sẽ giúp bạn thu về nhiều “quả ngọt”.
- Xin cảm ơn Anh Tài!
Minh Đức (thực hiện)