Công đoạn sấy bánh nổ.
Thôn Điền Trang, xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa là ngôi làng duy nhất ở Quảng Ngãi còn làm bánh nổ truyền thống cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Những ngày này, đâu đâu cũng thơm mùi gạo nếp với đường.
Như cơ sở bánh nổ của gia đình bà Võ Thị Bích Thủy, từ tháng 11 Âm lịch đã tăng công suất gấp 5 lần vì đơn đặt hàng nhiều.
“Bánh nổ thương hiệu Trà My của gia đình tôi vừa được Ủy ban nhân dân huyện Tư Nghĩa công nhận đạt chuẩn Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) 3 sao, nhờ đó lượng đơn đặt hàng cũng tăng hơn so với những năm trước. Dù hiện có máy móc thay cho sức lao động của người ở những công đoạn như đóng, cắt bánh nhưng người dân làm nghề vẫn muốn lưu giữ cách làm thủ công truyền thống của làng nghề”, bà Thủy cho hay.
Gạo nếp được rang nở bung dùng để làm bánh nổ.
Nguyên liệu làm bánh gồm có gạo nếp, đường, gừng, muối. Nếp được phơi khô, loại bỏ những hạt lép để khi rang trên bếp củi, hạt nếp nở bung lớp vỏ trấu ra ngoài, chỉ còn lại những bỏng nếp thơm, giòn, trắng.
Bà Nguyễn Thị Lượng - một trong những người làm bánh lâu năm của làng chia sẻ, làm bánh nổ rất nhiều công đoạn công phu, vất vả nên hiện chỉ có những người lớn tuổi còn giữ nghề. Trước đây bánh nổ chỉ làm vào dịp Tết Nguyên đán nhưng nay đời sống nhân dân khấm khá, bánh được sử dụng quanh năm nên nhiều cơ sở cũng “đỏ lửa” thường xuyên.
Tại lò bánh mì xốp của gia đình ông Phan Văn Dũng ở thôn An Hà 1, xã Nghĩa Trung, không khí làm việc cũng khẩn trương không kém.
Tạo hình bánh mì xốp.
Theo ông Dũng, nếu thường ngày gia đình ông chỉ làm khoảng 25 kg bột mì, đến mùa Tết số lượng tăng gấp ba, nhờ đó đã mang lại thu nhập cho gia đình.
“Cái giỏi của người thợ làm bánh là trộn bột theo tỷ lệ sao cho bột không nhão hay khô cứng. Sau đó, cho bột đã trộn vào khuôn tạo hình, rắc vừng rồi nướng. Đơn giản vậy, nhưng phải “có nghề” thì bánh mới không vỡ vụn, có mùi thơm, ngọt thanh”, ông Dũng chia sẻ.
Hiện xã Nghĩa Trung có khoảng 20 hộ chuyên làm các loại bánh truyền thống như bánh nổ, mì xốp. Để tăng công suất sản xuất, mỗi cơ sở đều cần 4 - 5 lao động thời vụ. Do vậy, đây là cơ hội cho các chị em địa phương làm việc, có thêm thu nhập mua sắm dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nghĩa Trung Võ Thị Thu Sang cho biết, trước mỗi vụ bánh Tết, hội thường trao đổi với các chủ cơ sở để tạo điều kiện cho những chị em có hoàn cảnh khó khăn tới làm việc. Với thu nhập mỗi ngày công từ 220 - 250 nghìn đồng/người, các chị em sẽ có thêm thu nhập, có cái Tết no ấm, đủ đầy hơn.
Công đoạn nướng bánh mì xốp.
Khi Tết cận kề cũng là lúc cơ sở sản xuất bánh thuẫn của gia đình bà Võ Thị Ba ở thôn Đông Thuận, xã Bình Trung, huyện Bình Sơn làm không ngừng nghỉ để tạo ra những chiếc bánh mềm, xốp, thơm ngon.
Với hơn 30 làm nghề bánh thuẫn, bà Ba cho biết, để có được những chiếc bánh vằng ươm, nở bung như cánh hoa thì đòi hỏi người thợ phải biết cách pha và đánh bột. Đồng thời, trong quá trình nướng phải làm sao để bánh vàng đều, không bị cháy. Cách làm nghe rất đơn giản nhưng để có được những chiếc bánh mềm, thơm ngon thì không phải dễ dàng.
Theo bà Ba, bánh thuẫn được sản xuất quanh năm, nhưng vào những ngày cận Tết nhu cầu sử dụng của khách hàng tăng lên. Để kịp đơn hàng dịp Tết, gia đình bà phải thuê 5 nhân công làm 10-11 giờ/ ngày. Bình quân mỗi ngày sản xuất ra khoảng 10.000 - 15.000 chiếc bánh.
Tỉnh Quảng Ngãi có 1 làng nghề, 5 làng nghề truyền thống và 7 ngành nghề truyền thống đang hối hả vào vụ Tết, qua đó góp phần không nhỏ trong việc tăng thu nhập và tạo việc làm cho lao động nông thôn, cũng như lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống và góp phần làm cho hương vị ngày Tết thêm ấm áp, sum vầy.
Bài, ảnh: Đinh Hương (TTXVN)