Những chuyến biến cuối năm bội thu khiến không khí tết ở Cảng cá Cửa Việt, xã Triệu Tân, huyện Triệu Phong thêm rộn ràng, tươi vui - Ảnh: N.B
Dẫu tiết trời còn se lạnh nhưng không khí trong những bữa tiệc tổng kết mùa biển năm cũ, triển khai kế hoạch đánh bắt hải sản năm mới của nhiều chủ tàu nơi miền biển thật ấm cúng. Từ chủ tàu, thuyền đến thuyền viên đều hồ hởi, phấn khởi bởi thành quả sau một năm bám biển đã giúp gia đình họ có một cuộc sống sung túc, đủ đầy và càng có thêm điều kiện để đón một mùa xuân mới hân hoan, đầm ấm hơn.
Những ngày này, làng biển như bừng lên sức sống mới, nhộn nhịp hơn, đông vui hơn. Trên những bến thuyền, cảng cá, vui nhất có lẽ là bố, mẹ, vợ, con của ngư dân bởi họ biết rằng chuyến khơi xa cuối năm đã mang lại nhiều thuận lợi, an toàn và đây cũng là dịp để những người con, người chồng, người cha nghỉ ngơi, đoàn viên cùng gia đình sau một năm tất bật bám biển.
Từ tờ mờ sáng, tàu, thuyền liên tục cập bến nên không khí mua bán càng hối hả. Sau khi mang hết hải sản từ tàu lên bến để vợ, con giao dịch buôn bán với tiểu thương, những chủ tàu, thuyền viên tay bắt mặt mừng bên tách cà phê sáng, họ kể cho nhau nghe về những chuyến biển thắng lợi và dự định trong năm mới.
Nghỉ biển đón Tết luôn đem đến nhiều niềm vui cho ngư dân và gia đình. Thường sau một năm tích cóp, họ sẽ tự thưởng cho mình bằng việc sửa sang, tân trang lại nhà cửa, mua đồ dùng sinh hoạt, sắm xe, điện thoại, áo quần mới và lương thực, thực phẩm đón Tết. Những làng biển bây giờ đã rất trù phú, ấm no nên vui xuân, đón Tết chẳng kém gì ở đô thị.
Xã Triệu Tân, huyện Triệu Phong vốn có nghề biển từ lâu đời, toàn xã có khoảng 205 tàu, thuyền công suất 10 CV trở lên, trong đó có 34 chiếc có chiều dài từ 12 m trở lên. Những chiếc thuyền lớn với công suất khoảng 400 - 850 CV này thường xuyên hoạt động dài ngày trên ngư trường lớn của nước ta, vừa khai thác hải sản vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ở xã Triệu Tân, nghề biển đã đem lại cuộc sống sung túc, ấm no cho nhiều ngư dân vì thế những năm gần đây không khí vui xuân đón Tết ngày càng đầm ấm.
Vừa cập bến sau chuyến biển dài ngày, chủ tàu Võ Quang Lãnh ở thôn Phú Hội, xã Triệu Tân, huyện Triệu Phong, cùng 14 thuyền viên rất phấn khởi. Đây là chuyến biển cuối năm để nghỉ Tết nên anh Lãnh cùng các thuyền viên neo đậu tàu cẩn thận, vệ sinh tàu sạch sẽ, đồng thời chuẩn bị nhiên liệu, lương thực, thực phẩm cho chuyến ra khởi “mở cửa biển” đầu năm mới.
“Chiếc tàu này có công suất 410CV và được trang bị ngư lưới cụ khá đồng bộ, hiện đại với tổng trị giá khoảng 3 tỉ đồng, thiên về nghề đánh lưới vây, chụp. Năm qua, thu nhập bình quân của anh em thuyền viên cũng khoảng 10 triệu/tháng.
Năm nay, sau thời gian nghỉ Tết, tôi và các thuyền viên sẽ ngồi lại bàn bạc, lên kế hoạch và dự tính ngày 5-6 Tết sẽ xuất bến đón lộc biển. Lúc đó, mời anh về chung vui cùng anh em trong ngày hội ra quân đánh bắt hải sản đầu năm mới”, anh Lãnh vui vẻ mời chào.
Ngư dân Nguyễn Văn Ánh, ở thôn Nam Sơn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh nắn nót treo cờ Tổ quốc trên tàu để chuẩn bị cho chuyến ra khơi đầu năm mới - Ảnh: N.B
Năm nay, anh Võ Quang Lãnh càng phấn khởi hơn khi căn nhà hai tầng với tiện nghi hiện đại, khang trang vừa kịp hoàn thiện để đón Tết. Căn nhà tiền tỉ như minh chứng cho những chuyến biển được mùa tôm, cá. Năm nay, không chỉ có anh Lãnh mà những thuyền viên cùng anh ra khơi trong một năm qua cũng có một cái Tết đầm ấm, rộn ràng, tươi vui. Ở vùng biển Triệu Tân, không khí Tết đã ngập tràn, người người, nhà nhà tất bật mua sắm, sửa sang nhà cửa để đón một mùa xuân mới.
Rời vùng biển Triệu Tân dọc theo đường quốc phòng dẫn ra vùng thị trấn Cửa Việt, xã Gio Hải, xã Trung Giang, huyện Gio Linh và thị trấn Cửa Tùng, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh không khí xuân đã lan tỏa đến mọi nhà.
Khoảng 5 năm gần đây, những ngôi làng ven biển xã Trung Giang như Bắc Sơn, Nam Sơn đã thay đổi một cách nhanh chóng nhờ bám biển. Toàn xã Trung Giang có 332 chiếc tàu, thuyền, trong đó tàu thuyền có động cơ là 250 chiếc. Tàu, thuyền nhiều nhất tập trung ở thôn Bắc Sơn và Nam Sơn với nhiều chiếc có công suất từ 400-800 CV.
Những năm qua, xã Trung Giang đã động viên ngư dân đầu tư nâng cấp tàu thuyền, sắm mới ngư lưới cụ và cải tiến nghề phù hợp với ngư trường, áp dụng khoa học kỹ thuật vào đánh bắt nên mang lại hiệu quả cao. Tổng sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản toàn xã Trung Giang năm 2024 ước đạt 4.796 tấn, tăng 1.337 tấn so với năm 2023. Có thể thấy rằng năm nay, ngư dân xã Trung Giang được mùa biển hơn năm trước nên vì thế mà vui Tết, đón xuân có phần rộn rã hơn.
Vừa điều khiển 2 chiếc tàu của gia đình vào cập bến nghỉ ngơi để đón Tết, ông Nguyễn Văn Ánh ở thôn Nam Sơn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh cùng các thuyền viên đã ngồi lại bên nhau cùng vui xuân và bàn kế hoạch cho chuyến xuất biển đầu năm mới.
“Năm nay, nghề biển cũng đem đến thu nhập ổn định cho chúng tôi, mỗi tháng thuyền viên thu nhập cũng từ 8-9 triệu, có khi cũng 15-17 triệu nên đời sống ngày càng khá hơn.
Đầu năm mới, chúng tôi sẽ dự định xuất bến, mở cửa biển từ ngày 6-8 Tết và sẽ cùng lúc xuất song hành tàu 720 CV và tàu 420 CV ra các ngư trường lớn để đánh lưới vây. Chuyến ra khơi đầu năm mới bao giờ cũng được ngư dân chúng tôi chuẩn bị kỹ lưỡng với hy vọng năm mới đánh bắt thắng lợi, tôm, cá đầy khoang. Hơn nữa là góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo”, ngư dân Nguyễn Văn Ánh hồ hởi nói.
Những làng biển xã Trung Giang ngày càng trù phú, ấm no - Ảnh: N.B
Hoàng hôn những ngày cuối năm ở vùng cửa lệch thôn Xuân Quy, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong thật đẹp. Dưới bến sông, tàu, thuyền neo đậu sát nhau, cờ đỏ sao vàng rợp cả một góc làng biển. Trên bờ nhà cao tầng, nhà xây kiên cố khang trang nhiều vô kể, xe máy, ô tô ngược xuôi đi lại thăm, chúc tết nhau khiến không khí xuân thêm rộn ràng, ấm áp. Thôn Xuân Quy có 270 hộ dân với khoảng 1.100 nhân khẩu, nơi đây có nghề đánh bắt thủy, hải sản từ lâu đời.
Hiện nay, toàn thôn có khoảng 25 chiếc tàu, thuyền lớn đánh bắt hải sản trên biển. Có thể nói rằng, chính việc gắn bó với nghề biển mà nhiều gia đình nơi đây đã nuôi dạy con cái ăn học thành tài và cũng chính nhờ nghề biển đã đào tạo ra nhiều lao động biển giỏi đủ sức bám biển, thậm chí xuất khẩu lao động ra nước ngoài làm nghề biển với thu nhập rất cao. Đổi thay của quê hương Xuân Quy bây giờ có sự đóng góp của nhiều thế hệ gắn bó cuộc đời mình với biển .
Những ngày đầu năm mới, chúng tôi trở lại vùng biển Triệu Tân theo lời mời của anh Võ Quang Lãnh. Từ cửa biển cảng Cửa Việt, phóng tầm mắt về phía Phú Hội, Hà Tây, xã Triệu Tân, huyện Triệu Phong và hướng thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh hình ảnh những đoàn tàu rợp cờ đỏ sao vàng nối tiếp nhau rẽ sóng ra khơi, bừng bừng khí thế bám biển, mang theo khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc...
Nhơn Bốn