“Thay da đổi thịt” nhờ rừng
“Thôn mình ngày xưa nghèo lắm, người dân chủ yếu làm nông nghiệp hoàn toàn phụ thuộc nước trời, đồi núi nhiều chỗ để không, con cháu đông đúc nên toàn nhà tranh vách đất, mái lá, mái rạ thôi. Hộ nào giáp hạt không bị đứt bữa là sướng rồi…”, Trưởng thôn Bán - Lã Văn Ngọc (người dân tộc Tày) ôn lại cái khó năm nào ở làng quê này khi dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh thôn, qua những ngôi biệt thự mới xây, còn thơm mùi sơn mới. Câu chuyện thôn Bán ngày xưa được một số người dân góp thêm: “Trước đường vào thôn khó đi lắm. Mưa thì lầy thụt, trơn trượt, nắng thì bụi bẩn, ổ voi, ổ gà, đưa con ra trung tâm xã học cái chữ cũng mất nửa giờ”.
Một góc thôn Bán.
Theo Trưởng thôn Lã Văn Ngọc, ban đầu thôn chỉ có hơn 70 hộ, năm 2019 sáp nhập với 3 thôn Đại Dương, Khe Khuôi, Rạng Đông thành thôn Bán bây giờ. Hiện thôn có hơn 170 hộ thì khoảng 70% là người dân tộc Tày, Dao. Mươi năm trở lại đây, theo định hướng, tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, các hộ dân trong thôn tập trung chuyển sang trồng rừng sản xuất, chủ yếu là keo. Toàn thôn có hơn 1.200 ha rừng trồng, hộ trồng nhiều hơn chục ha, ít cũng một vài ha. Mỗi ha keo khi thu hoạch (theo chu kỳ trồng khoảng 4-5 năm), trừ chi phí cho thu lãi hơn 100 triệu đồng. Nhờ rừng, đời sống người dân từng bước đổi thay.
Nhờ phát triển kinh tế rừng, đời sống người dân thôn Bán nâng lên rõ rệt. Thôn có hơn 170 hộ (khoảng 70% là người dân tộc Tày, Dao), hiện chỉ còn 6 hộ nghèo; hàng chục hộ có thu nhập vài trăm triệu đồng/năm trở lên. Nhiều gia đình xây được biệt thự, nhà cao tầng; có xe ô tô phục vụ vận chuyển gỗ và đi lại.
Cùng với trồng rừng, thôn có hơn 20 hộ mua được xe tải đi thu mua, vận chuyển gỗ đưa về các cơ sở chế biến trong huyện. Mỗi hộ có xe giải quyết việc làm cho hơn chục lao động với thu nhập từ 350-450 nghìn đồng/ngày. Nhờ đó người dân trong thôn không lo thiếu việc làm. Nhiều hộ trước đây rất nghèo, hoàn cảnh khó khăn như hộ các ông Nguyễn Văn Thịnh, Dương Văn Phước, Nguyễn Đăng Hinh, Đoàn Văn Duyên… nay kinh tế khá giả. Số hộ nghèo của thôn giảm mạnh qua từng năm, hiện chỉ còn 6 hộ. Hàng chục hộ có thu nhập vài trăm triệu đồng/năm trở lên.
Kinh tế phát triển, đời sống nâng lên, mấy năm gần đây, nhiều hộ trong thôn có điều kiện xây dựng nhà ở kiên cố, nhiều hộ làm nhà biệt thự kiểu mái Thái, rộng hàng trăm m2, sắm sửa được tiện nghi đắt tiền phục vụ sinh hoạt. Một số hộ như các ông Vi Văn Thúy, Đặng Văn Khương, Đoàn Văn Dự mua được máy xúc, xe ô tô để phục vụ đi lại, phát triển kinh tế. Diện mạo thôn Bán thay đổi từng ngày, người dân no ấm. Khu vực trung tâm thôn như phố thị với những ngôi nhà mới xây mái đỏ, mái xanh san sát, khang trang. Trên các tuyến đường thôn còn nhiều biệt thự đang xây dựng, dự kiến Tết Nguyên đán tới sẽ đưa vào sử dụng.
Trong căn biệt thự rộng 200 m2 xây năm 2023 trị giá khoảng 1,5 tỷ đồng, pha ấm trà thơm mời khách, ông Đoàn Văn Vinh, chủ nhà phấn khởi bộc bạch: “Ngày xưa khó khăn, trong tưởng tượng tôi cũng không dám mơ có được căn nhà thế này. Gia đình tôi có 10 ha rừng trồng, nhờ đó mà thoát nghèo, có cuộc sống tốt hơn, con cháu được học hành tới nơi tới chốn. Nhiều người cao tuổi cũng có điện thoại thông minh kết nối mạng, sử dụng zalo, facebook…”.
Không chỉ tích cực phát triển kinh tế, người dân trong thôn luôn sống chan hòa, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. 2 năm trở lại đây, thôn không có người vi phạm pháp luật, không có đơn thư khiếu nại, tố cáo. Nhiều năm liền, Chi bộ thôn được công nhận trong sạch, vững mạnh; thôn được công nhận thôn văn hóa (năm 2023 đạt thôn văn hóa cấp huyện, năm nay tiếp tục đề nghị danh hiệu này).
Xây dựng thôn nông thôn mới
Từ phát triển kinh tế rừng, đời sống các hộ dân thôn Bán ngày càng sung túc, có điều kiện chung sức xây dựng nông thôn mới. Đường từ trung tâm xã vào thôn tuy đã thuận lợi hơn nhưng vẫn phải qua 2 ngầm, mỗi khi mưa lũ lớn, nước dâng cao, ngầm lại bị ngập sâu khoảng 2-3 m, có chỗ nước chảy xiết tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Như bão số 3 vừa rồi, để vào được thôn nắm tình hình bà con, đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Dương Hưu và cán bộ chuyên môn phải bơi qua ngầm dài cả trăm mét.
Chất lượng cuộc sống nâng lên, nhiều người cao tuổi thôn Bán đã biết dùng điện thoại thông minh.
Thôn Bán đã xây dựng nhà văn hóa khá khang trang nhưng các thiết chế như sân chơi, trang thiết bị phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí của nhân dân còn chưa đầy đủ. Vì thế Ban quản lý thôn đã có kế hoạch xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thôn. Ông Nguyễn Toán Đặng (80 tuổi), người dân trong thôn chia sẻ: “Chúng tôi sẵn sàng đóng góp công sức, tiền bạc, thậm chí hiến đất để cùng với Nhà nước đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng thôn. Trước hết là cứng hóa tuyến kênh mương nội đồng để sản xuất nông nghiệp chủ động hơn”.
Được biết, với mục tiêu xây dựng thôn Bán trở thành thôn nông thôn mới, trong thời gian tới, cùng với quan tâm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số như tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, chăn nuôi…, UBND xã Dương Hưu đã có kế hoạch đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng thôn. Quá trình thực hiện, địa phương khơi dậy nội lực trong dân với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" để đầu tư một số công trình thiết yếu. Hiện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện đang làm chủ đầu tư xây dựng ngầm để việc đi lại cho người dân thuận lợi, an toàn, dự kiến công trình sẽ được khởi công trước Tết Nguyên đán năm nay. Đối với hệ thống kênh mương nội đồng và một số hạng mục khác, xã đã xem xét đưa vào kế hoạch đầu tư giai đoạn 2021-2025.
Chia tay thôn Bán giữa trưa muộn, Trưởng thôn Lã Văn Ngọc nắm tay tôi, hướng mắt lên những vạt rừng cạnh thôn kỳ vọng: “Sau cơn bão số 3 vừa rồi, chúng tôi đang tuyên truyền, vận động các hộ có nhiều diện tích rừng chuyển một phần sang trồng rừng gỗ lớn để có thu nhập cao, phát triển kinh tế rừng bền vững hơn. Đây cũng là giải pháp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi bất thường của thời tiết, để rừng không chỉ giúp làm giàu mà còn bảo vệ người dân an toàn trước thiên tai".
Trên đường về, nhìn nhóm trẻ ở thôn Bán tung tăng nô đùa trước sân nhà, trong những bộ quần áo sắc màu, tiếng tivi nhà ai đó đang phát bản nhạc "Rừng xanh yêu thương" thấy vui vui lạ: “… Em đến với rừng, mang cả một niềm tin tương lai. Em đến với rừng, bởi rừng xanh yêu thương. Anh cùng em đến với rừng, ta ươm rừng xanh xanh đến vô cùng… Nghe trập trùng nhạc rừng chiều xa, nghe điệp trùng rừng xanh yêu thương”. Hy vọng lần trở lại tới, thôn Bán sẽ khang trang, xanh, đẹp hơn.
Bài, ảnh: Tuấn Dương