Làng dệt Châu Phong - 'hồn chỉ, cốt thêu' nơi làng Chăm biên giới

Làng dệt Châu Phong - 'hồn chỉ, cốt thêu' nơi làng Chăm biên giới
6 giờ trướcBài gốc
Ông Mohamad giới thiệu sản phẩm tới du khách. Ảnh: Phương Vy
Dệt bằng tay, giữ bằng tâm
Chúng tôi đến xã Châu Phong, tỉnh An Giang vào một buổi sáng nắng nhẹ trung tuần tháng 7. Từ trung tâm xã, men theo con đường nhỏ uốn lượn ven kênh, cảnh sắc dần chuyển mình: Mái nhà sàn thấp thoáng giữa vườn cây, những cụm thánh đường Chăm uy nghi hiện ra phía xa và rồi, âm thanh quen thuộc của tiếng thoi dệt vang vọng từ những mái nhà sàn dọc ấp Phũm Soài, Châu Giang, Hòa Long. Tại đây, cộng đồng người Chăm Bani sinh sống đông đúc, vẫn giữ gìn vẹn nguyên phong tục, tín ngưỡng và đặc biệt là nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Giữa không gian yên bình ấy, hình ảnh người phụ nữ Chăm ngồi bên khung cửi đã trở thành biểu tượng của làng, đôi tay họ thoăn thoắt đưa thoi, từng sợi tơ dần len lỏi vào nhau, tạo nên những tấm thổ cẩm sặc sỡ sắc màu, không chỉ để mặc mà còn mang theo ký ức của cả một dân tộc.
Bà Sayma, một nghệ nhân cao tuổi ở ấp Phũm Soài chia sẻ: “Chúng tôi học nghề từ mẹ, từ bà, từ khi mới lên 10 tuổi. Giống như con cá không thể rời nước, người Chăm không thể sống mà thiếu thổ cẩm”. Điều đặc biệt làm nên giá trị của nghề dệt Châu Phong là tất cả các công đoạn, từ nhuộm sợi, căng khung, tạo hoa văn cho đến dệt thành phẩm đều được thực hiện hoàn toàn bằng tay. Không có sự can thiệp của máy móc, không dây chuyền công nghiệp, người Chăm nơi đây kiên trì gìn giữ những kỹ thuật cổ truyền được truyền lại từ bao đời.
Khác với thổ cẩm của nhiều dân tộc khác, thổ cẩm Chăm ở Châu Phong nổi bật bởi gam màu nóng rực rỡ như đỏ, cam, vàng, tím... phối hài hòa thành các hoa văn hình học, hoa lá cách điệu mang ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng. Đặc biệt, kỹ thuật “canh sợi dọc” giúp tạo hoa văn trực tiếp trên khung go là nét riêng biệt chỉ còn rất ít nghệ nhân thực hiện được. “Cả làng giờ chỉ còn khoảng 4 người biết kỹ thuật này. Muốn dệt được hoa văn như bông dâu, mắt xích, con thoi... phải sử dụng từ 8 đến 12 khung go. Mỗi loại hoa văn là một cấp độ khó, như học bậc tiểu học lên đại học vậy” - bà Sayma nói.
Nguyên liệu dệt cũng rất đặc biệt: Sợi được nhuộm từ vỏ cây, trái mặc nưa, củ nghệ... tạo màu bền đẹp, thân thiện với môi trường. Nhờ vậy, sản phẩm thổ cẩm Châu Phong càng dùng càng bóng, càng mềm, đây là điều mà sản phẩm công nghiệp không thể có. Nghề dệt thổ cẩm từng là niềm tự hào, là “kho báu văn hóa” của người Chăm nơi đây. Nhưng rồi guồng quay kinh tế, nhịp sống hiện đại và thị trường tiêu dùng đã khiến nghề dệt truyền thống rơi vào cảnh khó khăn. Nhiều khung cửi phải gác lại, nhiều người trẻ rời làng lên phố, để lại những nghệ nhân già lặng lẽ giữ nghề trong nỗi lo mai một.
Giữ hồn nghề bằng sáng tạo và du lịch cộng đồng
Trước nguy cơ thất truyền, những nỗ lực bảo tồn làng nghề đã được khơi dậy. Chính quyền tỉnh An Giang đã phối hợp với các tổ chức văn hóa, du lịch phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn làng nghề. Từ đó, Châu Phong từng bước hồi sinh, trở thành điểm đến hấp dẫn trong hành trình khám phá văn hóa miền Tây Nam Bộ. Tiêu biểu cho sự đổi mới ấy là cơ sở dệt thổ cẩm Mohamad của vợ chồng nghệ nhân Mohamad - Sayma. Ông Mohamad thuộc thế hệ thứ ba trong gia đình làm nghề, đã gắn bó với khung cửi suốt hơn 50 năm. Cơ sở của ông hiện có hơn 20 nhân công, chủ yếu là phụ nữ Chăm địa phương. “Không chỉ làm nghề, tôi và vợ còn dạy nghề cho con cháu, từ cách căng khung đến phối màu. Giữ nghề là giữ cả gốc gác của mình” - ông Mohamad chia sẻ.
Cùng với việc truyền nghề, các nghệ nhân ở Châu Phong còn rất linh hoạt trong cách tiếp cận thị trường. Nếu trước kia, người Chăm chỉ dệt khăn choàng, xà rông, nay họ sáng tạo thêm túi xách, ví, nón, ba lô, áo khoác... từ thổ cẩm để phù hợp với thị hiếu hiện đại. Những sản phẩm thủ công này đã theo chân du khách đến khắp nơi trong và ngoài nước, trở thành món quà lưu niệm mang đậm dấu ấn văn hóa bản địa. “Khách nước ngoài rất thích được ngồi thử dệt vải, tìm hiểu về kỹ thuật nhuộm sợi từ vỏ cây, rồi chọn mua sản phẩm mình vừa thấy làm ra. Với họ, đó là trải nghiệm văn hóa không thể quên” - ông Mohamad cho biết. Không chỉ du lịch, lãnh đạo địa phương cũng như các ngành như giáo dục, văn hóa, nghệ thuật cũng bắt đầu đưa làng nghề Châu Phong vào hành trình trải nghiệm, thực tế cho học sinh, sinh viên, người nghiên cứu văn hóa dân tộc. Nhờ đó, nhận thức về giá trị của nghề truyền thống được nâng cao, thế hệ trẻ có cơ hội tiếp xúc và gắn bó lại với nghề.
Ngày 6/3/2023, nghề dệt thổ cẩm của người Chăm ở Châu Phong chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, mở ra cơ hội lớn cho việc bảo tồn và phát triển làng nghề theo hướng chuyên nghiệp, bài bản và bền vững. Tuy nhiên, để làng nghề phát triển lâu dài, vẫn cần sự hỗ trợ thiết thực hơn nữa về mặt cơ chế, chính sách, từ đào tạo thợ lành nghề, đầu tư quảng bá đến kết nối thị trường tiêu thụ ổn định. Cùng với đó là việc số hóa các mẫu hoa văn truyền thống, xây dựng thương hiệu sản phẩm thổ cẩm Châu Phong không chỉ như một sản phẩm lưu niệm, mà là một đại sứ văn hóa của người Chăm miền Tây Nam Bộ.
Giữa thời đại công nghiệp và công nghệ, thật hiếm hoi khi một ngôi làng nhỏ nơi vùng biên giới Tây Nam vẫn giữ được “hồn chỉ, cốt thêu” trong từng tấm vải. Những tiếng thoi đều đặn vang lên từ khung cửi không chỉ là âm thanh của lao động, mà còn là tiếng nói của văn hóa, của ký ức dân tộc. Và hôm nay, người Chăm ở Châu Phong không chỉ giữ lấy một nghề, mà còn đang dệt nên một tương lai bền vững từ những sợi truyền thống.
Phương Vy
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/lang-det-chau-phong-hon-chi-cot-theu-noi-lang-cham-bien-gioi-post492069.html