Đại biểu tham gia Chương trình diễu hành Áo dài "Tôi yêu Áo dài Việt Nam" bằng xe đạp qua các tuyến phố của Thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh: TTXVN
"Sài Gòn ơi! Xin lỗi, Cảm ơn"
Ca khúc của nhạc sĩ Khắc Việt thể hiện chung cùng ca sĩ Tuấn Hưng đã tạo bản hit cho cả hai thời điểm 3 năm trước. Khắc Việt không sinh ra và lớn lên tại TPHCM nhưng được trưởng thành ở thành phố phương Nam đầy nắng gió này. "Tôi sáng tác bài hát để tri ân thành phố mà tôi đã gắn bó nhiều kỷ niệm", Khắc Việt tâm sự.
Tựa đề bài hát "Sài Gòn ơi! Xin lỗi, Cảm ơn", được tác giả chọn lựa vì cho rằng hai từ "xin lỗi" – "cảm ơn" là câu cửa miệng của người thành phố này. Khắc Việt cho biết, anh đã "bị ấn tượng bởi cách mà mọi người thường nói chuyện cảm ơn nhau trong giao tiếp hàng ngày, hoặc luôn sẵn lòng xin lỗi nếu có lỡ va chạm nhau trên đường phố".
Bởi vậy mà: "Tôi thích cách của người Sài Gòn dễ dàng bỏ qua cho nhau, không chấp nhặt gì, với câu "xin lỗi" là mọi người lại vui vẻ ngay".
Ca từ trong bài hát được tác giả sử dụng vô cùng giản dị, cũng giống như tính cách của người Sài Gòn: "Tôi yêu cách người ta thường nói chuyện khe khẽ cùng nhau/ Một điều riêng chỉ có Sài Gòn/ Tôi yêu lúc bình minh dậy, đoàn người chen chúc vào nhau/ Tôi yêu những khi đêm về vỉa hè đông ghê …".
Một góc trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh
MV Sài Gòn ơi! Xin Lỗi, Cảm ơn được 2 nghệ sỹ thu âm tại phòng thu nhưng vẫn rất sinh động bởi được lồng ghép một số địa điểm nổi tiếng của thành phố như: Nhà thờ Đức Bà, cầu Bình Triệu, tòa nhà Landmark 81…
Giai điệu nhẹ nhàng, tạo điểm nhấn như khoảng lặng trong sự tấp nập của phố xá Sài thành. Người dân sống tại thành phố thấy sự quen thân, người xa thành phố thấy nhớ da diết: "Ai đi xa nếu có trở về/ Cũng thấy lòng mình nôn nao thế/ Một thành phố thấy thân quen cũng rất lạ/
Ly café sáng thức dậy/ Tiếng bán hàng rong suốt ngày/ Thân thuộc thế/ Tôi yêu cách người ta cười/ Người ta đối xử nhau/ Tôi yêu cách người ta dễ dàng bỏ qua cho nhau/ Tôi yêu những người âm thầm/ Vẫn gìn giữ những kỷ niệm/ Sài Gòn ơi …".
"Sài Gòn tôi sẽ"
Trong số các bài hát được viết và phát hành thời dịch bệnh Covid-19, "Sài Gòn tôi sẽ" của thầy giáo 9X Thái Dương đã khiến nhiều người xúc động không kiềm được nước mắt. Nhiều bình luận để dưới trang Youtube cá nhân của Thái Dương cho biết, họ đã khóc "như mưa", "xúc động vô cùng", "yêu và nhớ Sài Gòn lắm"… khi được nghe ca khúc này.
Nhịp sống Sài thành - Ảnh: Minh Tuấn
Thái Dương là thầy giáo tiếng Anh, có tài chơi đàn, sáng tác và thể hiện các ca khúc của chính mình. Series bài hát về Sài Gòn của Thái Dương, album "Saigon9x" được phát hành tháng 6/2021, thời gian bắt đầu cao điểm của dịch bệnh Covid-19, bao gồm các bài: Ngày đó, Tết; Nhà tôi; Sài Gòn 9x; Gửi lại; Có cô em bím song song; Cuốn tập lời ca; Về.
Bài hát nào cũng tràn đầy hoài niệm và yêu thương, về những thói quen, tập tính sinh hoạt của người Sài Gòn xưa và nay, về nét dung dị mà nghĩa tình của người Sài Gòn hào sảng, ấm áp.
"Sài Gòn tôi sẽ" là những miêu tả chân thực của quang cảnh những ngày giãn cách vì dịch Covid-19: "Hàng quán hay chợ búa hay là cổng trường/ Rạp hát hay là công viên rồi giáo đường/ Cửa đóng then cài để bao người nhớ thương/ Quạnh vắng khi nhìn lá rơi đầy vấn vương/ Những dây giăng mắc khắp mọi nơi/ Như đang buộc trói tâm hồn tôi/ Tiếng xe còi hú nghe tả tơi, nghe tả tơi".
Và nghẹn ngào: "Sài Gòn tôi đã ngủ im rồi/ Ngã ba, ngã tư, ngã năm, không người/ Sài Gòn tôi đã vết thương rã rời/ Phố to, phố nhỏ đang hụt hơi/ Sài Gòn tôi nhớ xôn xao sớm chiều/ Nếp sống vui tươi nối chân nhau đến nơi này".
Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh du lịch - Ảnh minh họa: TTXVN
Nhưng, trong nỗi bi thương ấy, tác giả không để cảm xúc quá bi lụy mà vẫn lạc quan hướng về một Sài Gòn tái sinh: "Sài Gòn tôi sẽ sớm mai sum vầy/ Sẽ không có dây, phố thưa lại đầy/ Sài Gòn tôi sẽ tái sinh rạng ngời/ Sẽ như lúc xưa sẽ lại vui/ Bình Tân, Gò Vấp, Hóc Môn, Phú Nhuận/ Sẽ ôm siết nhau, bắt tay, vui mừng...".
Hầu hết các bài hát của thầy giáo Thái Dương về Sài Gòn được viết theo điệu valse, mang vẻ bặt thiệp của quý ông, mang vẻ dịu dàng mà không kém phần đài các của quý bà sống trong phố thị phồn hoa. Hơn tất thảy, là sự nồng nàn da diết của tình cảm giữa đất và người. Chậm rãi và thấm!
"Tôi viết ca khúc này để tặng người Sài Gòn và những ai yêu Sài Gòn", thầy giáo Thái Dương kể chuyện. Anh thừa nhận bản thân không phải là nhạc sỹ, ca sỹ chuyên nghiệp, chỉ viết nhạc để tâm sự với mọi người.
Có lẽ vì vậy mà ca từ không cần văn hoa bóng bẩy, chỉ giản dị và mộc mạc như lời chia sẻ, đã chạm được tới cảm xúc tận cùng của những người đang sống tại thành phố và những người con xa quê.
Sau khi bài hát được "viral" trên mạng xã hội, nhiều người cho biết họ đã nghe đi nghe lại trong nước mắt vì quá xúc động. Khán giả Daotruong đưa ý kiến: "Hôm nay nghe lại bài này, ký ức năm 2021 lại quay về. Biết ơn những đau thương đã qua giúp chúng ta nhìn lại bài học yêu thương. Cảm ơn bạn Thái Dương đã viết và trình bày những bài hát rất hay!".
Về phía tác giả, thầy giáo Thái Dương đã "rất vui vì bài hát của tôi đã được đông đảo công chúng đón nhận. Tôi xúc động vô cùng trước sự chia sẻ của mọi người".
Thái Dương cho biết, ý tưởng hình thành album "Saigon9x" được anh hình thành từ năm 2017 khi bắt đầu dọn ra ngoài ở riêng nên rất mong tới ngày được đoàn tụ cùng gia đình, dù vẫn sống chung trong thành phố.
Vào ngày lễ, Tết, nhìn thấy các mẩu tin nhắn người ta gửi hàng loạt trên các nền tảng mạng xã hội, anh thấy rất hụt hẫng và nhớ về những tấm thiệp chúc Tết trước đây được người Sài Gòn gửi tặng nhau. Các bài hát khác trong "Saigon9x" cũng thể hiện tâm trạng nhớ nhung, hoài niệm của những thói quen trước đây, giờ bị lu mờ dần.
Cà phê vợt - Ảnh: Trần Thế Phong
"Sài Gòn café sữa đá"
Tựa của ca khúc, một sáng tác của Hà Okio, như lời mời rủ nhau mỗi sáng của người dân Sài Gòn. Cà phê sữa đá cùng ổ bánh mỳ, là món ăn gắn bó với bất cứ ai mỗi sáng thức dậy ở thành phố sôi động này.
Với"Sài Gòn café sữa đá", Hà Okio đã khẳng định tên tuổi của mình trong nhiều show diễn. Nhưng lan tỏa hơn cả, là sức sống trong cuộc sống đời thường. "Nhiều bạn đã thèm cà phê sữa đá ngay khi nhìn thấy mình, có em bé 3 tuổi bắt ba mẹ mở cho nghe mỗi ngày và bài hát được dịch sang tiếng Pháp, tiếng Anh nữa", tác giả Hà Okio kể.
"Sài Gòn café sữa đá"
Cà phê sữa đá vốn là thức uống phổ thông mỗi sáng đối với người Sài Gòn, nơi chỉ có mùa nắng và mùa rất nắng. Tác giả cho biết: "Viết bài hát này, mình mong muốn gợi nhớ những kỷ niệm chốn thân quen của bất cứ ai đã từng tới, đã từng sinh sống và đang sinh sống tại Sài Gòn".
Lời bài hát như câu nói của người Sài Gòn với nhau mỗi sớm: "Cho tôi một ly cafe cafe sữa đá/ Cho tôi ngồi bên hàng cây hàng cây tán lá/ Cho tôi được nhìn con đường xa xa… Huyên thuyên cùng nhau vài câu chuyện/ Rồi lại bận bịu lo việc riêng/ Đôi khi ngồi chơi, nghỉ ngơi chốc lát khi đời mãi bôn ba…".
Để rồi khắc khoải, bởi vì trên đời này có khi nhớ nhau khi vẫn ở ngay sát bên cạnh nhau: "Sài Gòn cafe sữa đá/ Vẫn mãi như thế ai uống hay chưa?/ Sài Gòn hàng cây ghế đá/ Vẫn cứ như thế khi nắng khi mưa…".
Cách Hà Okio đưa hình tượng "cà phê sữa đá" vào ca khúc để nói về sự đặc trưng của Sài Gòn, ấn tượng với cả bạn bè quốc tế mỗi khi đặt chân tới mảnh đất này và mỗi khi nhớ về.
Đinh Thu Hiền