Làng đúc đồng ở Nam Định rực lửa những ngày cận tết Nguyên đán

Làng đúc đồng ở Nam Định rực lửa những ngày cận tết Nguyên đán
4 giờ trướcBài gốc
Làng nghề Tống Xá ở thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định từ lâu nay đã nổi tiếng về nghề đúc đồng. Theo người dân trong làng cho biết, làng nghề đúc đồng Tống Xá đã tồn tại hơn 900 năm.
Những ngày cận Tết Nguyên đán 2025, các lò đúc đồng ở Tống Xá hoạt động hết công suất. Mỗi lò có trên dưới chục người, tất bật làm việc cả ngày lẫn đêm để kịp "chạy hàng".
Trao đổi với PV, anh Trần Anh Quân chủ lò đúc đồng quê Tống Xá (nàh 4 đời làm nghề đúc đồng) cho biết, để tạo ra một sản phẩm chất lượng. Trung bình, một sản phẩm đồng được đúc ra sẽ mất khoảng 5 đến 10 ngày hoặc 20 ngày tùy theo kích thước sản phẩm mà khách hàng yêu cầu.
Nghề đúc đồng chia thành nhiều công đoạn, đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác cao và có những nghệ nhân, người thợ chuyên biệt phụ trách. Nhiều nghệ nhân không chỉ được truyền nghề từ gia đình, cha ông, mà còn được đào tạo bài bản các chuyên ngành mỹ thuật, điêu khắc một cách chuyên nghiệp.
Công đoạn quan trọng nhất để tạo ra được một sản phẩm tinh xảo là nấu đồng. Đồng được nấu hoàn toàn bằng lò thủ công. Trước khi đồng chảy vào, phải nung khuôn nóng đều, đủ nhiệt cho đồng chảy đều trong khuôn. Đây là khâu khó nhất.
Quá trình đúc, nghệ nhân cần tạo một khối đất giống như mẫu có sẵn để làm khuôn, sau đó khéo léo nện lại cho khuôn mềm và có độ dẻo dai. Để cho khuôn cứng cáp và lên phom dáng chuẩn nhất thì khuôn mẫu cần được đốt củi và nung lên cho chín. Cuối cùng là công đoạn hoàn thiện sản phẩm. Sau khi khuôn nguội, dỡ khuôn lấy sản phẩm ra mài, giũa, đục, tách theo mẫu...
Hình ảnh đổ đồng mới nung nấu vào khuôn đỏ rực.
Một lư hương được tạo ra từ lò đúc đồng Quân Oanh.
Chia sẻ thêm với PV, ông Nguyễn Đức Từ (65 tuổi, truyền nhân đời thứ 3 của gia đình ở làng Tống Xá) chủ đúc đồng Đức Từ cho biết, trải qua hơn 900 năm tồn tại và phát triển, nghề đúc đồng Tống Xá đã trở thành một trong những“cái nôi” của nghề đúc đồng trong cả nước. Ngày xưa nghề chính của làng Tống Xá làm đúc gang với những mặt hàng đơn giản là đồ thờ cúng (đỉnh đồng, lư hương,...) và đồ gia dụng như: nồi, niêu, xoong, chảo... Các công đoạn đúc đều làm thủ công, chủ yếu dựa vào sức lao động của người thợ; dụng cụ, trang thiết bị còn thô sơ nên làm các công đoạn vất vả người thợ.
Ngày nay, công nghệ phát triển làng Tống Xá có nhiều nghề khác nhau, trong đó đúc đồng dần phát triển mạnh mẽ và có tiếng.
Để làm ra được một sản phẩm hoàn chỉnh, các sản phẩm đúc vẫn phải trải qua 7 công đoạn chính: tạo mẫu, tạo khuôn, nấu chảy nguyên liệu, rót khuôn, hoàn thiện sản phẩm (chạm trổ) và đánh bóng.
Trong đó, công đoạn hoàn thiện mang yếu tố quyết định phần “hồn” của mỗi sản phẩm đúc.
Theo tìm hiểu của PV, sản phẩm đúc đồng của làng nghề Tống Xá rất đa dạng, phong phú, đạt đến trình độ tinh xảo từ đồ phong thủy, tranh, hoành phi, câu đối đến những bức tượng Phật, danh nhân văn hóa, lãnh tụ dân tộc với nhiều công trình quy mô lớn.
Theo ông Từ, trung bình sản phẩm thấp nhất được bán là 5 - 50 triệu đồng. Còn các sản phẩm giá cao hơn tùy theo khách hàng đặt vì còn nhiều yếu tố khác nhau. Các sản phẩm tại xưởng đúc đồng của ông Từ bán khắp các tỉnh thành trong nước.
Các sản phẩm đúc đồng ở Tống Xá đa dạng.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Tết rộn ràng trên các sàn thương mại điện tử
Nhật Tân
Nguồn GĐ&XH : https://giadinh.suckhoedoisong.vn/lang-duc-dong-o-nam-dinh-ruc-lua-nhung-ngay-can-tet-nguyen-dan-172250112163326851.htm