Nông thôn đổi mới, đô thị văn minh
Nghị quyết số 34 - NQ/HU ngày 18/3/2021 của Ban Thường vụ Huyện ủy Lạng Giang về phát triển đô thị trên địa bàn huyện giai đoạn 2021- 2025 và những năm tiếp theo xác định đến năm 2030, Lạng Giang đạt tiêu chí đô thị loại IV, tiệm cận các tiêu chí của thị xã. Để thực hiện mục tiêu này, thời gian qua, địa phương đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và lồng ghép các nguồn lực đầu tư xây dựng nhằm đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn của NTM nâng cao cũng như phát triển đô thị.
Hạ tầng đô thị đang được hình thành tại xã Tân Hưng.
Năm 2019, huyện Lạng Giang được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM. Sau đó huyện tiếp tục chỉ đạo các xã duy trì kết quả đã đạt được và tiếp tục xây dựng lộ trình đưa các xã đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu. Đại diện Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết, với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự quyết tâm của nhân dân, đến nay, toàn huyện có 5 xã NTM, 12 xã NTM nâng cao, 2 xã NTM kiểu mẫu và 77 thôn kiểu mẫu.
Phong trào đã nhận được sự ủng hộ, tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động. Đặc biệt đã triển khai sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân với những tiêu chí, nội dung, biện pháp cụ thể, bám sát nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm và tạo ra những đột phá.
Theo đó hằng năm, huyện phát động các đợt thi đua chung sức xây dựng NTM. Triển khai tích cực phong trào, cuộc vận động như: “Lạng Giang chung tay xây dựng NTM”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Chủ nhật xanh”… Tổng kinh phí huy động xây dựng NTM hơn 2 nghìn tỷ đồng. Trong đó tập trung vào các tiêu chí kết cấu hạ tầng nông thôn, văn hóa, môi trường. Nhân dân trên địa bàn huyện đã hiến hơn 700 nghìn m2 đất các loại, hơn 96 nghìn ngày công lao động để xây dựng công trình hạ tầng nông thôn.
Trong phát triển đô thị, huyện xác định phải trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm tổ chức không gian thích hợp, tạo sự phát triển cân đối giữa các vùng; coi trọng liên kết đô thị-nông thôn, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển đô thị với nâng cao các tiêu chí NTM. Song hành với đó là nâng cao chất lượng đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân; chú trọng bảo vệ, cải thiện môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Đặc biệt, thời gian qua, huyện Lạng Giang tiếp tục quan tâm bố trí ngân sách và tiếp nhận kinh phí tài trợ để thực hiện các đồ án quy hoạch xây dựng, nâng cao tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết trên địa bàn huyện, nhất là tại thị trấn Vôi, thị trấn Kép. Căn cứ quy hoạch chung đô thị và hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị, quy hoạch chi tiết đô thị được phê duyệt, UBND huyện đã đề xuất với tỉnh thu hút các dự án khu đô thị, có quy mô lớn như: Khu đô thị mới phía Tây, phía Đông thị trấn Vôi, khu đô thị trung tâm thị trấn Kép...
Cùng đó là đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu dân cư, khu đô thị như: Khu đô thị Đông Bắc thị trấn Vôi, khu dân cư phía Tây Nam, phía Tây Bắc thị trấn Kép... Đồng thời, tổ chức lập quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị, vùng đô thị, nhất là quy hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật (đường, vỉa hè, hệ thống thoát nước, đèn đường…), hạ tầng xã hội, khu công cộng bảo đảm đồng bộ, hiện đại.
Tổng kinh phí đầu tư xây dựng từ năm 2018 đến 2023 là hơn 5,5 nghìn tỷ đồng. Các điểm dân cư mới được hình thành đáp ứng tiêu chí kỹ thuật của đô thị như: Đường giao thông, cấp thoát nước, cây xanh, vệ sinh môi trường...
Địa phương đề ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ dân số đô thị toàn huyện đạt trên 18%. Xây dựng thị trấn Vôi đạt tiêu chí đô thị loại IV, thị trấn Kép cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại IV; xã Tân Dĩnh đạt tiêu chí đô thị loại V; các xã: Thái Đào, Nghĩa Hòa, Tiên Lục, Tân Hưng, Mỹ Thái, Xương Lâm cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại V.
Theo quy định, một địa phương được công nhận loại đô thị khi các tiêu chí đạt mức tối thiểu và tổng số điểm của các tiêu chí đạt từ 75 điểm trở lên. Qua rà soát, đánh giá chấm điểm theo tiêu chí đô thị loại V, đến hết năm 2023, các xã đạt được số điểm như sau: Xã Tân Dĩnh đạt 73,82/100 điểm; Tân Hưng đạt 68,92/100 điểm; Thái Đào đạt 68,8/100 điểm; Nghĩa Hòa đạt 67,4/100 điểm; Tiên Lục đạt 65,47/100 điểm; Mỹ Thái đạt 65,8/100 điểm; Xương Lâm đạt 65,98/100 điểm.
Trên cơ sở kết quả đánh giá các tiêu chuẩn còn thiếu hoặc yếu như: Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp; tiêu chí các công trình dịch vụ cấp đô thị (y tế, giáo dục đào tạo, văn hóa, thể thao, dịch vụ thương mại); tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật (giao thông, thoát nước mưa, thoát nước thải, cấp nước sạch tập trung); tiêu chí về môi trường (xử lý nước thải, chất thải rắn, nhà tang lễ, cây xanh đô thị...).
UBND các xã, thị trấn đã có kế hoạch phát triển đô thị đến năm 2025, trong đó xác định rõ lộ trình thực hiện, đầu tư xây dựng và khắc phục các tiêu chí chưa đạt.
Bảo đảm không gian hài hòa
Lạng Giang nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh, cách TP Bắc Giang khoảng 10 km, cách Hà Nội khoảng 70 km. Địa phương có vị trí địa lý tương đối thuận lợi, mạng lưới giao thông đa dạng. Theo đại diện lãnh đạo UBND huyện, sau 13 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM và phát triển đô thị, trên địa bàn huyện có nhiều đổi mới rõ nét, các công trình được xây mới khang trang, hiện đại.
Huyện Lạng Giang có hệ thống giao thông khá đa dạng, được kết nối với nhiều trung tâm kinh tế trong khu vực.
Huyện đang tập trung cho các tiêu chí huyện NTM nâng cao, gắn với thực hiện các tiêu chí đô thị. Phấn đấu hoàn thành xây dựng huyện NTM nâng cao sau năm 2025 và đủ điều kiện lên thị xã trước năm 2030 với đặc trưng: Đô thị xanh, văn hóa đặc sắc, là trung tâm logistics vùng và cực tăng trưởng kinh tế quan trọng phía Bắc của tỉnh.
Kết cấu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật được quy hoạch đồng bộ, hiện đại, thân thiện và phù hợp với đặc điểm địa hình, môi trường cảnh quan tự nhiên sẵn có. Đây được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cuộc vận động lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực với sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn.
Song song với đó, địa phương quy hoạch xây dựng NTM phát triển bền vững, bảo đảm cân đối hài hòa giữa nhu cầu phát triển các không gian chức năng phục vụ phát triển KT-XH của đô thị với duy trì bảo vệ hệ sinh thái nông thôn, phù hợp với quá trình đô thị hóa, đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, bảo đảm hoạt động sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
Thời gian tới, huyện tiếp tục xác định xây dựng NTM và phát triển đô thị là mục tiêu lâu dài, nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt của cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể.
Một trong những giải pháp được đề ra là đa dạng hóa các nguồn vốn huy động như: Sử dụng hiệu quả nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM với ngân sách địa phương, đồng thời lồng ghép với nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn; huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp.
Kinh nghiệm ở Lạng Giang cho thấy, cần phải huy động nhiều nguồn lực với phương châm: “Nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của doanh nghiệp và xã hội là quan trọng, sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là cần thiết”.
Đồng thời huyện tiếp tục phát động rộng rãi các phong trào thi đua xây dựng NTM, phát triển đô thị mang tính thực chất, đi vào chiều sâu, nội dung đa dạng, hình thức phong phú, có tác dụng tạo sự đồng thuận cao và sức lan tỏa, đẩy lùi tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.
Cùng đó là tập trung thu hút đầu tư các dự án phát triển đô thị, các công trình cấp đô thị như thương mại, dịch vụ, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, xử lý nước thải, công viên cây xanh; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu đô thị đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng