Với mục tiêu khẩn trương đưa Khu công nghiệp (KCN) Tân Hưng vào hoạt động, những ngày này, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Lideco1 đang huy động lượng lớn phương tiện, máy móc, nhân lực để hoàn thiện các hạng mục.
Hạ tầng KCN Tân Hưng đang được hoàn thiện.
Ông Nguyễn Bá Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty cho biết, đến đầu tháng 2/2025, dự án “Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Tân Hưng” đã thi công xây dựng đạt khoảng 95% khối lượng thiết kế. Nhiều hạng mục đạt kết quả cao như: Thi công san nền đạt 98%; các tuyến đường giao thông đạt 90% khối lượng; hoàn thành hệ thống xử lý nước thải, cấp nước sạch và phòng cháy, chữa cháy, lưới điện trung thế, thông tin liên lạc, chiếu sáng... Các nhà đầu tư thứ cấp đã đăng ký thuê 25/27 lô đất, trong đó có 17 DN đang xây dựng nhà xưởng với tổng giá trị gần 760 tỷ đồng. Dự kiến khi dự án đi vào hoạt động sẽ thu hút khoảng 10 nghìn công nhân, lao động.
Được biết, trước khi đầu tư xây dựng KCN Tân Hưng, Công ty cổ phần Lideco1 đã hoàn thiện cụm công nghiệp (CCN) Tân Hưng có diện tích 65,3 ha. Hiện nay chủ đầu tư đang thực hiện thủ tục sáp nhập vào KCN Tân Hưng. Theo ông Nguyễn Bá Ngọc, huyện Lạng Giang hội tụ nhiều yếu tố để trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư, môi trường sản xuất, kinh doanh tốt. Bên cạnh lợi thế về giao thông, vị trị địa lý, huyện có quyết tâm chính trị cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN.
Trên địa bàn huyện Lạng Giang được quy hoạch thêm 6 KCN và 3 CCN với tổng diện tích 1.200 ha. Với quy mô đó, Lạng Giang đang từng bước được định hướng là trung tâm phát triển công nghiệp mới của tỉnh.
Trên địa bàn huyện Lạng Giang đến nay có 10 CCN được thành lập với tổng diện tích gần 350 ha, tỷ lệ lấp đầy hiện hữu khoảng 83%. Trong đó, xã Đại Lâm được quy hoạch tập trung một số CCN. Đồng chí Vũ Văn Thọ, Chủ tịch UBND xã trao đổi, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, xã tập trung tối đa cán bộ, phối hợp với liên danh Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và sản xuất thương mại công nghệ Mặt Trời cùng Công ty cổ phần DP INVEST (chủ đầu tư) thực hiện lập hồ sơ quy chủ sử dụng đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, lên phương án giải phóng mặt bằng phần mở rộng CCN Đại Lâm với quy mô 24,9 ha.
Ngoài ra, địa phương và Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện bồi thường giải phóng mặt bằng xây dựng CCN Đại Lâm 2 có diện tích 60 ha do Công ty cổ phần xây dựng 179 làm chủ đầu tư. Xã cũng đang tham gia, đóng góp ý kiến vào lập quy hoạch chi tiết xây dựng CCN Phương Sơn - Đại Lâm khoảng 50 ha nằm trên địa bàn thị trấn Phương Sơn (Lục Nam) và xã Đại Lâm (Lạng Giang), trong đó phần diện tích trên xã Đại Lâm hơn 8 ha.
Dây chuyền sản xuất của Công ty cổ phần May Năm Châu, xã Đại Lâm.
Tìm hiểu tại Công ty cổ phần May Năm Châu, xã Đại Lâm được biết DN xây dựng nhà xưởng trên diện tích 12.000 m2, hiện sử dụng 450 công nhân, sản xuất 8 chuyền may. Được địa phương tạo điều kiện nên quá trình đầu tư có nhiều thuận lợi, đến nay sản xuất ổn định. Năm 2025, Công ty đặt mục tiêu đạt sản lượng 850 nghìn sản phẩm, doanh thu 4 triệu USD, chủ yếu xuất khẩu đi thị trường châu Âu.
Bằng sự nỗ lực, quyết tâm cao, năm vừa qua, huyện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án, hoàn thành giải phóng được 99,19 ha. Qua đó thu hút 8 dự án đầu tư vào địa bàn với tổng số vốn đăng ký gần 946 tỷ đồng, đưa tổng số DN đang hoạt động lên 1.389 đơn vị, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt hơn 14 nghìn tỷ đồng.
Trong những năm tới, trên địa bàn huyện được quy hoạch thêm 6 KCN và 3 CCN với tổng diện tích 1.200 ha. Trong đó, nổi bật là các KCN Nghĩa Hưng (189 ha), Xuân Hương - Mỹ Thái - Tân Dĩnh (200 ha), Thái Đào - Tân An (130 ha), Mỹ Thái (160 ha), Tân Hưng (155 ha)… Với quy mô đó, Lạng Giang đang từng bước được định hướng là trung tâm phát triển công nghiệp mới của tỉnh.
Để thực hiện hướng đi này, Lạng Giang huy động các nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các KCN, CCN. Tập trung cao tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án, tạo quỹ đất sạch phục vụ phát triển công nghiệp, sẵn sàng thu hút đầu tư.
Đồng chí Nguyễn Văn Long, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện cho biết: “Trên cơ sở quy hoạch đã phê duyệt, các cơ quan chuyên môn của huyện cùng các xã, thị trấn tổ chức thực hiện nghiêm túc. Tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến, kêu gọi các DN có năng lực, kinh nghiệm, uy tín, tiềm lực tài chính đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các KCN, CCN, cung ứng mặt bằng cho nhà đầu tư thứ cấp để triển khai dự án sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh thực hiện đơn giản hóa thủ tục và quy trình giải quyết thủ tục hành chính để các DN thuận lợi hơn trong thực hiện các thủ tục liên quan đến đầu tư, xây dựng hạ tầng công nghiệp”.
Trước mắt, đẩy mạnh phát triển KCN, CCN tại các xã, thị trấn có nhiều lợi thế và gắn với liên kết các cơ sở thương mại, dịch vụ, công nghiệp của các địa phương khác trong tỉnh. Tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp có tính kết nối vùng, tạo động lực để phát triển kinh tế và thu hút đầu tư, đặc biệt là một số tuyến giao thông trọng điểm, mang tính chiến lược. Triển khai kế hoạch xúc tiến đầu tư năm 2025 nhằm thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn, nhất là các dự án đầu tư vào các KCN, CCN. Đôn đốc các dự án đã được chấp thuận đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện bảo đảm theo đúng lộ trình kế hoạch đề ra, đưa Lạng Giang thực sự là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Bài, ảnh: Quốc Phương