Còn hơn 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán năm 2025, làng nghề hương trầm Quỳ Châu, thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đang tất bật sản xuất, kịp giao hàng cho các đại lý, tiểu thương.
Hàng trăm các cơ sở làm hương ở làng nghề hương trầm Quỳ Châu rộn rã vào mùa làm hương Tết. Ảnh: ĐB
Cụ Nguyễn Thị Lê (84 tuổi) trú tại khối 2, thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu nhớ lại, vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước, khu vực thị trấn Tân Lạc chỉ có vài người đồng bào biết làm hương trầm, họ thường vào rừng lấy nguyên liệu về làm hương trầm để dùng dịp Tết và làm quà biếu. Dần dần, loại "quà biếu" này được nhân rộng thành làng nghề như ngày nay.
Hàng chục tấn nguyên liệu được các cơ sở chuẩn bị để cho ra lò những que hương sặc sỡ. Ảnh: ĐB
Sau khi rễ hương đào từ rừng về được rửa sạch, thái nhỏ, rang vàng hạ thổ rồi cùng nguyên liệu khác như quế quỳ, hoa hồi, thảo quả… cho vào cối giã nhỏ bằng tay, lấy bột làm nguyên liệu. Trong khi đó, mía được trồng trong vườn khi thu hoạch thì róc vỏ, thái lát mỏng, phơi khô và giã thành bã mía… rồi quấn.
“Thời đó, không có máy móc nên làm hoàn toàn bằng tay rất vất vả. Trải qua chừng ấy năm, đến nay trừ mỗi khâu quấn hương là vẫn làm thủ công,còn lại đều làm bằng máy móc nên sản lượng đạt cao, tạo thu nhập ổn định cho bà con", cụ Lê tâm sự.
Nghề làm hương trầm ở Quỳ Châu đã có từ hơn 50 năm trước. Ảnh: ĐB
Chị Trần Thị Loan, trú tại khối 2, thị trấn Tân Lạc – một trong những hộ kinh doanh hương trầm ở Quỳ Châu cho biết, mùa làm hương trầm bắt đầu từ tháng 9 và sản xuất liên tục cho đến tận những ngày sát Tết.
Từ các nguyên liệu đã được chuẩn bị, người làm hương sẽ cho ra lò các sản phẩm với nhiều chủng loại phục vụ khách hàng. Đối với các đơn đặt hàng, sản phẩm hoàn thành sẽ được đóng gói cẩn thận chuyển đi khắp mọi miền tiêu thụ.
Riêng việc quấn hương thành cây hương hoàn chỉnh vẫn phải làm thủ công. Ảnh: ĐB
“Hiện, mỗi ngày gia đình tôi sản xuất hơn 10 vạn que hương trầm các loại. Giờ đây, hương trầm xứ Quỳ Châu không chỉ cung cấp phục vụ cho người dân xứ Nghệ mà còn mở rộng thị trường đến khắp các vùng, miền trên cả nước”, chị Loan cho biết thêm.
Công việc quấn hương thường do phụ nữ đảm nhiệm.
Hương trầm nơi đây có đủ độ dài khác nhau như 40cm, 60cm, 1m, 1,5m và 2m. Thị trường tiêu thụ tại Nghệ An, Hà Tĩnh, và nhiều tỉnh, thành phía Nam.
Khâu đóng gói do những người đàn ông thực hiện. Ảnh: ĐB
Trung bình, một người lành nghề có thể quấn 4.000-5.000 que hương/ngày, được trả công từ 300.000-350.000 đồng mỗi ngày.
Hương trầm nơi đây được đóng gói, nhãn mác theo quy chuẩn OCOP. Ảnh: ĐB
Tuy được xe quấn thủ công nhưng những cây hương nhìn rất đều, tròn trịa, dẻo dai rất khó gãy. “Dây chuyền” sản xuất hương được phân chia mỗi người một việc, từ pha trộn nguyên liệu, quấn hương, đến đóng gói sản phẩm tạo nên một khung cảnh nhộn nhịp từ ngoài ngõ vào sân.
Hương trầm Quỳ Châu cho sản lượng khoảng 95-100 triệu que/năm, mang về tổng doanh thu cho người dân trên 50 tỷ đồng mỗi năm. Ảnh: ĐB
Quỳ Châu được mệnh danh là “thủ phủ” hương trầm lớn nhất xứ Nghệ. Toàn huyện hiện có gần 100 hộ sản xuất hương, trong đó tập trung chủ yếu ở thị trấn Tân Lạc, tạo việc làm thời vụ cho hàng trăm lao động địa phương. Hiện nhiều cơ sở sản xuất hương trầm đã đầu tư nhãn mác, bao bì đẹp và đăng ký bảo hộ thương hiệu độc quyền.
Bắc Vũ