Làng... kỹ thuật số

Làng... kỹ thuật số
8 giờ trướcBài gốc
Theo China Internet Watch, tính đến tháng 12-2024, Trung Quốc có khoảng 313 triệu cư dân mạng ở khu vực nông thôn, chiếm khoảng 28,2% tổng số người dùng internet trên cả nước. Tỷ lệ đăng nhập internet tại các vùng nông thôn đạt 65,6% vào cùng thời điểm, tăng từ 63,8% vào tháng 6-2024. Trong khi đó, tỷ lệ đăng nhập internet ở khu vực thành thị đạt 85,3% vào cùng thời điểm.
“Bản đồ làng kỹ thuật số” giúp chính quyền phân tích dữ liệu và thống kê chính xác, từ đó xây dựng các chính sách và sáng kiến phù hợp. Ảnh: FAO
Khoảng cách kỹ thuật số giữa khu vực thành thị và nông thôn ở Trung Quốc đang dần thu hẹp, thông qua các sáng kiến toàn diện trong việc xây dựng làng kỹ thuật số với các dịch vụ “Internet+” được mở rộng. Một trong những tiện ích nổi bật của sáng kiến này là việc triển khai thư viện làng kỹ thuật số hoạt động 24 giờ, cung cấp dịch vụ đọc sách và tự học liên tục, giúp cư dân nông thôn tiếp cận dễ dàng với tri thức và thông tin, góp phần đáng kể trong việc nâng cao mức sống và tri thức cho cư dân nông thôn.
Theo China Daily, việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số ngày càng tăng đã đưa cuộc sống nông thôn tại Trung Quốc bước vào kỷ nguyên kỹ thuật số. Bên cạnh thư viện làng kỹ thuật số 24 giờ, trạm y tế thông minh, nhà thông minh, thanh toán nhận dạng khuôn mặt, siêu thị không người bán và nhiều ứng dụng về lối sống thông minh... ngày càng phổ biến ở các vùng nông thôn.
Để đạt được mục tiêu số hóa, trực quan hóa và quản lý thông minh các nguồn tài nguyên nông thôn, chính quyền huyện Đức Thanh và Đại học Chiết Giang đã sử dụng “Bản đồ làng kỹ thuật số” để quét và giám sát toàn diện, chính xác và 3 chiều các nguồn tài nguyên, thúc đẩy cải thiện điều kiện sống ở nông thôn. Bản đồ này cũng giúp chính quyền địa phương hiểu được hoàn cảnh sống của người dân, tiến tới quản lý chính xác hơn cuộc sống ở nông thôn. Chính phủ hiểu rõ nhu cầu và mức sống của cư dân nông thôn thông qua phân tích dữ liệu và thống kê, từ đó xây dựng các chính sách và sáng kiến phù hợp.
Ngoài ra, nền tảng này còn tạo điều kiện thuận lợi cho luồng thông tin và thúc đẩy năng suất. Nông dân có thể quản lý sản xuất nông nghiệp tốt hơn nhờ trao đổi dữ liệu và trực quan hóa, giúp họ tránh được nhiều vấn đề do kiến thức không đối xứng gây ra. Một ví dụ thành công điển hình khác là khu vực Tứ Xuyên, tỉnh Sơn Đông đã triển khai xưởng sản xuất nấm thông minh, dựa trên mạng 5G, để thu thập dữ liệu theo thời gian thực và hỗ trợ ra quyết định bằng trí tuệ nhân tạo, nâng cao hiệu suất sản xuất và giảm chi phí vận hành.
Thống kê của Researche Gate cho thấy “Bản đồ làng kỹ thuật số” được sử dụng hơn 90% thời gian tại huyện Đức Thanh, giúp giảm lãng phí tài nguyên và ô nhiễm môi trường, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp đang phát triển trong khu vực như ngân hàng, du lịch và thương mại điện tử, nâng cao thu nhập và mức sống của nông dân. Kinh nghiệm của Trung Quốc chứng minh rằng việc đạt được sự phát triển cấp cao trong đời sống số ở nông thôn đòi hỏi việc tổ chức lại nhanh chóng các nguồn lực và hướng dẫn chính sách. Trong đó, phương pháp tiếp cận phát triển cũng tập trung vào quản trị thông minh.
KHÁNH HƯNG
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/lang-ky-thuat-so-post789601.html