Làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là một trong những làng nghề dệt lụa lâu đời với hơn 1.000 năm tuổi.
Làng nghề được định hình, vang danh gần xa bởi tay nghề cao của những người thợ thủ công cũng như truyền thống dệt lâu đời.
Trải qua nhiều thăng trầm của thời gian, lụa Vạn Phúc vẫn giữ được nét đẹp truyền thống và ngôi làng Vạn Phúc vẫn luôn đi đầu trong ngành dệt lụa. Sản phẩm ở đây được yêu thích bởi sự bền bỉ và vẻ đẹp tinh tế, trang nhã.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc Trần Thị Ngọc Lan đánh giá: “Việc gia nhập mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo thế giới là cơ hội cũng như thách thức lớn đối với làng lụa Vạn Phúc, buộc các đơn vị sản phẩm sản xuất phải đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng để vươn mình ngang tầm thế giới. Tham gia mạng lưới này, làng lụa Vạn Phúc sẽ có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ các đơn vị trên thế giới để hoàn thiện sản phẩm hơn”.
“Để đáp ứng sự chuyển mình mạnh mẽ này, làng lụa Vạn Phúc cần có quy mô sản xuất rộng hơn, khu trưng bày sản phẩm đặc trưng để quảng bá, gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống, cốt lõi của làng nghề nghìn năm tuổi”, bà Lan cho hay.
Quy trình sản xuất lụa tại làng Vạn Phúc cơ bản được thực hiện thủ công, đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ của người chế tạo mới có thể bảo đảm chất lượng sản phẩm.
Vạn Phúc có rất nhiều loại lụa, nhưng nổi tiếng nhất là lụa vân. Loại này được làm hoàn toàn từ lụa tơ tằm, hài hòa, trang nhã, mang đến sự ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè cho người sử dụng.
Điểm khác biệt của lụa vân là ở cách dệt, hoàn toàn bằng thủ công nên đòi hỏi thợ phải có tay nghề cao.
Đại diện một trong những gia đình có nhiều thế hệ dệt lụa tại làng Vạn Phúc, nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm (chủ cơ sở sản xuất lụa tơ tằm Triệu Văn Mão) chia sẻ: “Chúng tôi vui mừng, phấn khởi khi sản phẩm lụa của địa phương vươn tầm thế giới. Chúng tôi đã ứng dụng khoa học công nghệ vào một số công đoạn sản xuất để tạo ra nhiều mẫu mã mới đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và tăng cường hiệu suất, tiết kiệm sức lao động”.
Bà Tâm chia sẻ thêm, quá trình sản xuất của làng vẫn giữ được những chi tiết tiêu biểu của lụa thương hiệu Vạn Phúc, qua đó, vừa giữ gìn nét tinh hoa truyền thống, vừa có thể phát triển, hội nhập.
Tham quan, mua sắm tại làng lụa Vạn Phúc, chị Phùng Bích Diệp (quận Tây Hồ) cho biết: “Tôi rất thích sản phẩm lụa ở đây bởi nó mang nét đẹp truyền thống rất ít nơi có được. Sản phẩm lụa Vạn Phúc mang đến cho người sử dụng cảm giác thoải mái và độ bền cao”.
“Tôi hy vọng trong thời gian tới, làng lụa Vạn Phúc sẽ có thêm nhiều không gian trưng bày sản phẩm mới cũng như các sản phẩm du lịch chuyên nghiệp, hấp dẫn hơn để phục vụ du khách trong nước và quốc tế”, chị Diệp nói.
Không gian đẹp của làng lụa Vạn Phúc thu hút nhiều khách đến chụp ảnh check-in.
Khách quốc tế tham quan, tìm hiểu sản phẩm tại Nhà truyền thống của làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông).
Quang Thái